1 triệu ha lúa chất lượng cao: Giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh được xem là sự thay đổi to lớn đối với ngành lúa gạo, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho các bên tham gia, còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 3/4, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo Hợp tác công - tư (PPP) phục vụ triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ông Tô Việt Châu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngày 23/6/2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 2258/QĐ-BNN-HTQT thành lập Nhóm công tác đối tác công - tư về lúa gạo. Đây là động thái cần thiết, đúng lúc góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị.

1 triệu ha lúa chất lượng cao: Giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu ảnh 1

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: CK

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được xem là sự thay đổi to lớn đối với ngành lúa gạo, hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng; quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ; đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo, cải thiện thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Để đạt các mục tiêu trên, theo ông Châu, Việt Nam cần nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Một trong những giải pháp được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư...

Báo cáo cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác PPP phục vụ triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ông Hoàng Vũ Quang - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, trong hợp tác công - tư tham gia Đề án 1 triệu ha lúa, phía công gồm: Cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế, dự án phát triển, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ…; phía tư gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân...

Theo ông Quang, điều kiện tiên quyết để hợp tác công - tư hiệu quả, phải có sự phân công trách nhiệm/công việc giữa công và tư; có niềm tin, mối quan hệ bình đẳng và cân bằng giữa các đối tác; đảm bảo công bằng (mỗi bên nhận được lợi ích tương xứng với đóng góp của mình) và bảo vệ tốt quyền sở hữu của các bên.

Về lợi ích của các bên tham gia Đề án, hộ nông dân sẽ được nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, quản trị, thị trường; giảm chi phí sản xuất; tiêu thụ ổn định; tăng thu nhập (từ gạo, rơm, tín chỉ carbon); giảm rủi ro sức khỏe. Còn hợp tác xã được nâng cao năng lực, vai trò, mở rộng hoạt động…

Đối với doanh nghiệp, được tiếp cận công nghệ mới; ổn định vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu; nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường; tiếp cận tín dụng theo chuỗi.

Ở góc độ nhà nước và cộng đồng, Đề án mang lại sự phát triển bền vững sản xuất lúa gạo, nâng cao giá trị; góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng được cơ chế quản lý, vận hành được thị trường carbon từ sản xuất nông nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển các vùng sản xuất khác…

1 triệu ha lúa chất lượng cao: Giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu ảnh 2

Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Bùi Bá Bổng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CK

Chia sẻ thêm về lợi ích của đề án, ông Bùi Bá Bổng – Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết, ở khía cạnh quốc gia, Đề án sẽ góp phần tạo dựng một thương hiệu gạo thân thiện với môi trường, gạo xanh, chống biến đổi khí hậu, không chỉ cho hạt gạo mà là cho nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

“Đối với nông dân, lợi ích là tiết kiệm được chi phí sản xuất, lúa có chất lượng cao, giá bán tốt. Lợi ích trực tiếp từ việc được chi trả tín chỉ carbon, nhưng quan trọng nhất chính là giá trị hạt gạo được nâng lên. Như vậy, cả nông dân, doanh nghiệp và cộng đồng đều có lợi, đó là win – win – win (cả ba cùng thắng – PV)”, ông Bổng nói.

Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ cao Trung An cho rằng, Đề án vô cùng ý nghĩa, cả về môi trường và giá trị hạt gạo, đề án sẽ giúp ổn định sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Việt Nam. “Gạo thế giới ngày càng khan hiếm, giá tăng, nhưng tại sao giá gạo Việt Nam vẫn bấp bênh, đề án sẽ giải quyết được vấn đề này”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng nêu vấn đề: “Đề án có thành công hay không, người tham gia thực hiện mới quan trọng. Cơ quan nhà nước có, nhà khoa học có, nhưng không thể để người nông dân làm, người nông dân chỉ đồng hành, người làm phải là hợp tác xã, doanh nghiệp, nếu không thì không ai có thể làm, cùng sự chung sức về tín dụng của ngân hàng”, ông Bình nói.

1 triệu ha lúa chất lượng cao: Giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu ảnh 3

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: CK

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, vấn đề cốt yếu và nặng nề nhất là đầu tư hạ tầng thì Chính phủ đảm nhận, cho thấy sự quan tâm rất lớn đối với đề án; cùng với đó là lo đầu ra cho sản phẩm. “Thủ tướng tuyên bố với thế giới đây là dự án sản xuất lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới, chúng ta rất quyết tâm làm”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tuyên bố đây là dự án trọng điểm của WB ở khu vực, điều này cũng cho thấy dự án có những vấn đề khó. Khi có cơ chế chi trả tín chỉ carbon, các doanh nghiệp tham gia vào phải theo cơ chế này. “Chúng tôi ủng hộ, kêu gọi các bạn tham gia nhưng phải theo cơ chế, đảm bảo đôi bên cùng có lợi”, ông Nam nói thêm.

Nhắc lại hai lực lượng chính trong thực hiện Đề án, thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, đó là thành viên hợp tác xã và cán bộ khuyến nông cộng đồng tại cơ sở, đây là những thành phần đo đếm tín chỉ carbon. Trọng tâm của đề án là thực hiện quy trình canh tác bền vững (quy trình đã ban hành, đã được Viện Lúa Quốc tế công nhận); kế hoạch đo đếm, báo cáo tín chỉ carbon… “Đề án có những cái khó, nên các địa phương cần xúm vào làm, chứ không ngồi than thở”, ông Nam đề nghị.

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL có mục tiêu: Áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của đề án, đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha; giảm lượng giống; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng (chấm dứt hoàn toàn việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm); giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống...

Đề án được triển khai tại 12 tỉnh/thành vùng ĐBSCL (trừ Bến Tre).

MỚI - NÓNG
Bạn trẻ miền Tây nghỉ lễ hỗ trợ nước ngọt giúp người dân mùa hạn mặn
Bạn trẻ miền Tây nghỉ lễ hỗ trợ nước ngọt giúp người dân mùa hạn mặn
TPO - Không quản nắng nóng, ngày nghỉ lễ, các bạn trẻ, thanh niên tình nguyện ở Đồng bằng sông Cửu Long miệt mài tiếp nước giúp người dân vượt qua khó khăn trong mùa hạn mặn. Người già neo đơn được các bạn mang nước đến tận nhà. Hình ảnh màu áo xanh có mặt khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn đã tạo ấn tượng đẹp trong lòng người dân.