10 năm, bệnh viện 1.500 giường chưa rõ ngày về đích

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bệnh viện Bình Dương quy mô 1.500 giường là bệnh viện tuyến cuối để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Thế nhưng, sau 10 năm xây dựng, đến nay công trình vẫn chưa biết ngày về đích sau nhiều lần trì hoãn với lý do chậm giải phóng mặt bằng và gặp khó trong đấu thầu vật tư.

Nhiều lần trì hoãn ngày bàn giao

Bệnh viện này có 17 tầng, vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng là dự án hình thành từ năm 2012, được bố trí vốn khởi công xây dựng từ năm 2014. Theo kế hoạch ban đầu, dự án đến năm 2016 sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, công trình sau đó ngưng thi công suốt gần 3 năm liền với lý do vướng khâu giải phóng mặt bằng của một hộ dân.

“Hiện nay địa phương đang thiếu vật tư y tế, do vướng mắc trong thủ tục đấu thầu (nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, đấu thầu trong lĩnh vực y tế đòi hỏi cao hơn…). Mặt khác, từ vụ sai phạm liên quan kit test của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á phần nào ảnh hưởng đến tâm lý sợ sai, thận trọng dẫn đến chậm tiến độ so với trước đây”.

TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương

Cụ thể, đó là hộ bà V.T.K.T ở tổ 7, khu phố 1, phường Định Hoà, TP Thủ Dầu Một (cách đường Mỹ Phước - Tân Vạn 50m giáp công trình khu Bệnh viện 1.500 giường) với diện tích 3.516,5m2 và nhà cấp 4. Bà T không đồng ý di dời với lý do giá tiền đền bù thấp. Sau thời gian dài vận động, điều chỉnh giá, hộ bà T. đã đồng ý bàn giao mặt bằng.

10 năm, bệnh viện 1.500 giường chưa rõ ngày về đích ảnh 1

Dự án Bệnh viện 1.500 giường Bình Dương Ảnh: H.C

Đến năm 2019, dự án được thi công trở lại và hứa hẹn đến khoảng tháng 6/2020 thì hoàn thành, bàn giao cho Sở Y tế tỉnh Bình Dương để đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, do công tác mua sắm trang thiết bị gặp nhiều khó khăn nên dự án tiếp tục trễ hẹn. Cũng năm 2020, Ban Quản lý dự án có văn bản đôn đốc các nhà thầu thi công tập trung triển khai các công việc. Riêng hệ thống kỹ thuật của công trình, đã được đặt hàng sản xuất tại Nhật Bản và dự kiến thời gian hoàn thành vào tháng 12/2021.

Tuy nhiên, với lý do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và một số gói thầu vật tư y tế gặp khó khăn nên dự án một lần nữa lại được hẹn vào khoảng tháng 6/2022 sẽ hoàn thành. Thế nhưng, tháng 6/2022, trả lời PV Tiền Phong, tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, khó khăn trong đấu thầu vật tư y tế, khối kỹ thuật chưa tháo gỡ nên dự kiến phải đến quý 3/2022 mới hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, đến ngày 5/8, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi dẫn đầu đoàn đến kiểm tra dự án và được các đơn vị báo cáo những khó khăn trước đây chưa kịp tháo gỡ, đồng thời hứa sẽ hoàn thành trong năm 2022 để đầu năm 2023 bàn giao công trình. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, bệnh viện có khai trương được trong 2023 hay không còn phải phụ thuộc vào khối kỹ thuật.

Xử lý trách nhiệm nếu tiếp tục chậm trễ

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đánh giá, đối với Dự án Bệnh viện 1.500 giường đến nay điều đáng lo nhất vẫn là khối kỹ thuật, vì cho đến nay khối kỹ thuật mới thực hiện được 22%. Do đó, theo ông Hiếu, để hoàn thành trong năm nay cần phải sớm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết đơn vị đã có tờ trình UBND tỉnh thành lập Hội đồng khoa học tư vấn Dự toán gói thầu trang thiết bị y tế (Hội đồng) bệnh viện 1.500 giường. Sau đó, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị đưa thêm một số nhà khoa học đầu ngành ở Hà Nội và TPHCM vào Hội đồng. Hiện nay, Sở Y tế Bình Dương đang tiến hành mời các chuyên gia tham dự.

“Công tác mua sắm trang thiết bị rất khó khăn, nên cần các chuyên gia kỹ thuật đầu ngành tư vấn cho Ban quản lý dự án tỉnh Bình Dương. Mua sắm các thiết bị làm sao đảm bảo hiện đại, tiên tiến, sử dụng hiệu quả và thực hiện đúng các quy định, tránh sai sót vi phạm pháp luật”, tiến sĩ Chương giải thích thêm lý do chậm dự án.

Nói về dự án Bệnh viện 1.500 giường, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, tiến độ thực hiện dự án đến nay là rất chậm so với yêu cầu đề ra. “Các đơn vị báo cáo nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ như do dịch bệnh cũng không hợp lý. Việc báo cáo về khó khăn của dự án, không chỉ ra cụ thể là khó cái gì, cứ nói chung chung. Tôi đề nghị đã chậm rồi, bây giờ phải tăng tốc, làm cả ngày lẫn đêm, làm cuốn chiếu, việc gì xong việc đó”, ông Lợi nói và cho biết, nếu dự án tiếp tục chậm, tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm.

Ông Phạm Văn Kỷ Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng số 1 (đơn vị thi công) cam kết đến cuối tháng 9/2022, công ty sẽ hoàn thành phần xây dựng; các thiết bị, vật tư lắp đặt hoàn thành cuối tháng 11/2022.

MỚI - NÓNG