10 năm “cưỡi đại xa” không xảy ra va chạm

TP - Tài xế xe buýt Dương Tuấn Anh vừa được TP Hà Nội bầu chọn là 1 trong 10 Công dân ưu tú Thủ đô năm 2014. Ngoài thành tích 10 năm lái xe không gây tai nạn, Tuấn Anh còn góp công ngăn chặn nạn móc túi, giữ bình an cho hành khách trên các tuyến buýt.
10 năm “cưỡi đại xa” không xảy ra va chạm ảnh 1

Lái xe buýt Dương Tuấn Anh là 1 trong 10 công dân ưu tú Thủ đô

Nghề làm dâu… bị chê

Năm 2003, lái xe Dương Tuấn Anh đã dự thi và trúng tuyển tài xế xe buýt tại Xí nghiệp xe buýt 10/10 (Tổng Cty Vận tải Hà Nội). Bằng kinh nghiệm đã nhiều năm cầm vô lăng và luôn sống có trách nhiệm, sau khi được nhận vào làm việc, anh Tuấn Anh còn được bầu làm tổ trưởng sản xuất.

Tuy nhiên, theo anh Tuấn Anh trong mắt bạn bè, hàng xóm, anh vẫn chỉ là một anh lái xe, hơn nữa thời điểm ấy do xe buýt mới phát triển, hoạt động còn thiên về lợi nhuận, lái phụ xe chưa được quản chặt.

“Hình ảnh xe buýt lúc đó không khác gì “hung thần” đường phố mà dư luận vẫn phản ánh, thậm chí đôi khi về nhà, một vài người hàng xóm còn nói với tôi rằng: tao ghét mấy ông lái xe buýt…”, anh Tuấn Anh tâm sự.

Từ thực tế đó, Tuấn Anh luôn cố gắng, rèn luyện tay nghề với mong muốn làm thay đổi hình ảnh tài xế xe buýt trong mắt mọi người. Theo Tuấn Anh, nghề lái xe buýt khác với lái xe đường dài là trên xe lúc nào cũng đông người, chật chội, hành khách tính cách khác nhau nên ngoài lái xe tốt, tài xế còn phải biết giao tiếp, biết trả lời những khúc mắc về đường sá của khách.

Cùng với đó, thời gian làm việc thường phải dậy từ 3 giờ (nếu chạy ca sáng), về vào lúc 23 giờ (nếu chạy ca chiều) nên sinh hoạt gia đình luôn bị xáo trộn; trong quá trình làm việc còn rơi vào một số giờ cao điểm, đường ùn tắc lái xe thường phải căng tai, căng mắt để quan sát, điều khiển phương tiện.

“Nếu không có sự kiên nhẫn vào thời điểm này, lái xe thường hay mất bình tĩnh dẫn đến chạy ẩu, lạng lách hoặc bực bội với hành khách”, Tuấn Anh nêu thực tế. Theo anh, hầu hết các vụ lái phụ xe buýt xích mích với khách hàng thời gian qua đều xuất phát từ những tình huống này và đa phần rơi vào những lái phụ xe còn trẻ tuổi.

Giúp công an chặn móc túi, trả trẻ lạc

So sánh xe buýt hôm nay với 10 năm trước, Tuấn Anh cho rằng, hiện nay xe buýt đã được đầu tư khá đồng bộ. Xe chạy có lộ trình, tuyến rõ ràng. Chất lượng xe không ngừng được đổi mới và áp dụng tối đa công nghệ khiến việc vận hành của anh em tài xế thuận lợi.

Tuy nhiên, lượng khách đi xe buýt hiện nay so với 10 năm trước đã tăng gấp nhiều lần, cùng với đó, hệ thống đường sá chưa theo kịp với sự tăng nhanh của phương tiện cá nhân khiến xe buýt hoạt động rất khó khăn.

“Hầu hết xe buýt đang phải đi chung với các loại xe hỗn hợp trên một làn đường, làm giảm những ưu điểm vốn có của xe buýt. Hơn nữa tại các điểm nhà chờ hiện nay đang bị chiếm dụng khiến xe buýt không thể tiếp cận để đón trả khách”, Tuấn Anh nêu khó khăn.

Một vấn nạn nữa mà theo Tuấn Anh cũng đang làm xấu hình ảnh xe buýt Thủ đô, đó là tình trạng móc túi tại các điểm nhà chờ.

Theo anh, tuyến buýt số 50 (Sân vận động quốc gia Mỹ Đình - điểm trung chuyển Long Biên) anh đang chạy hằng ngày có lộ trình xuyên tâm thành phố nên đi qua rất nhiều điểm nhà chờ đông khách.

Qua quan sát thì hành vi móc túi của kẻ xấu chủ yếu diễn ra ở điểm nhà chờ chứ không phải trên xe. Mỗi khi xe buýt tiếp cận nhà chờ lợi dụng lúc hành khách ào ào lên xe, kẻ gian đã ra tay vào lúc này. Từ sự quan sát trên, sau khi Tổng Cty Vận tải Hà Nội và Công an thành phố có kế hoạch 142 phối hợp ra quân nhằm ngăn chặn tình trạng móc túi trên xe buýt, anh đã cung cấp thông tin để công an thành phố có thêm phương án ngăn chặn.

Nói về những kỷ niệm đáng nhớ trong 10 năm lái xe buýt vừa qua, Tuấn Anh cho rằng, nghề làm dâu trăm họ và hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều người, mỗi ngày lái hàng chục lượt buýt qua lại thành phố đều là những kỷ niệm đáng nhớ.

Tuy nhiên, kỷ niệm làm anh nhớ nhất vẫn là lần tìm được mẹ cho một cháu bé bị bỏ quên trên xe buýt. Dịp gần 2/9 năm 2012, khi đang chạy trên tuyến thì có 2 mẹ con lên xe buýt, khi đến cuối tuyến chỉ còn lại cháu bé, không thấy mẹ đâu.

Biết hai mẹ con bị lạc nhau và thế nào mẹ cháu cũng đi tìm nên anh đã cho cháu bé ngồi ở hàng ghế đầu để tiện quan sát. Vậy là sau 3 vòng chạy xe qua lại trên tuyến, đến một điểm đón trả khách trên đường Hoàng Diệu, anh thấy mẹ của cháu bé đang nháo nhác tìm con. Theo anh Tuấn Anh, với trường hợp hai mẹ con bị lạc nhau trong hoàn cảnh này nếu mang cháu đến đồn công an trình báo sẽ mất thêm rất nhiều thời gian họ mới có thể gặp được nhau.

Đánh giá về công nhân lái xe tại đơn vị mình, ông Tạ Đăng Khoa, Giám đốc Xí nghiệp xe buýt 10/10 cho biết, sau hơn 10 năm công tác tại Xí nghiệp xe buýt 10/10, với vai trò là công nhân lái xe và tổ trưởng sản xuất, lái xe Tuấn Anh luôn gương mẫu, đảm bảo an toàn cho hành khách, có ý thức giữ gìn phương tiện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đặc biệt qua 10 năm chạy xe buýt, anh Tuấn Anh chưa bao giờ để xảy ra tai nạn…

Với những cố gắng trong công tác, ngoài các danh hiệu như “Người tốt việc tốt”, “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”, năm 2012, anh Dương Tuấn Anh được Ủy ban ATGTQG tặng danh hiệu lái xe an toàn.

Năm 2013, anh Tuấn Anh được Công đoàn Bộ GTVT tặng bằng khen trong phong trào thi đua lao động giỏi, Ủy ban ATGTQG cấp giấy chứng nhận đạt giải thưởng “Vô lăng vàng” năm 2013.

Năm 2014, TP Hà Nội bầu chọn anh là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

MỚI - NÓNG