10 vấn đề cần được bàn thêm khi nới lỏng quy chế về đào tạo tiến sĩ

0:00 / 0:00
0:00
10 vấn đề cần được bàn thêm khi nới lỏng quy chế về đào tạo tiến sĩ
SVVN - TS Lê Văn Út cho rằng, quy chế đào tạo tiến sĩ mới đã nới lỏng yêu cầu kết quả công bố trong luận án trước khi bảo vệ, tốc độ đào tạo tiến sĩ của Việt Nam có thể sẽ nhanh hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, có những quan điểm khá thú vị và cũng có phần bất ngờ về việc nới lỏng của quy chế mới về đào tạo tiến sĩ rất cần được bàn thêm.

Bộ GD - ĐT vừa bàn hành Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021, có những điểm khác so với quy chế năm 2017. Theo TS Lê Văn Út, Trưởng Nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, trường ĐH Tôn Đức Thắng, có những quan điểm khá thú vị và cũng có phần bất ngờ về việc nới lỏng của quy chế mới về đào tạo tiến sĩ rất cần được bàn thêm.

Thứ nhất, có ý kiến cho rằng việc chấp nhận các công bố trên tạp chí trong nước có chất lượng tốt (đạt khung từ 0,75 điểm trở lên) sẽ là động lực để các tạp chí khoa học trong nước (mà theo phân tích thì nên được gọi là các tạp chí không quốc tế hay các tạp chí quốc gia) phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Vấn đề này khá tế nhị.

10 vấn đề cần được bàn thêm khi nới lỏng quy chế về đào tạo tiến sĩ ảnh 1

TS Lê Văn Út.

Việc nâng chất lượng một tạp chí khoa học phải được cụ thể hóa bằng chất lượng của lãnh đạo tạp chí, của hội đồng thẩm định tạp chí và quan trọng là đẳng cấp của các tác giả có bài được công bố trên tạp chí này. Việc các nghiên cứu sinh công bố công trình trên những tạp chí này thì đương nhiên là tốt, trước mắt là về mặt số bài, nhưng nếu nói là để nâng chất lượng và tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế thì nên được cân nhắc thêm, bởi lẽ nghiên cứu sinh cũng chỉ là những người đang học làm nghiên cứu và năng lực của họ cũng rất khác nhau.

Thứ hai, có ý kiến cho rằng có những lĩnh vực chỉ công bố ở Việt Nam. Thật ra quan điểm như thế này là không đúng tinh thần của nghiên cứu khoa học, bởi lẽ nghiên cứu khoa học là không biên giới. Chỉ có việc công bố kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học rộng lớn thì mới nâng được chất lượng. Khi chúng ta sử dụng các sản phẩm công nghệ thì chúng ta hay ưa chuộng những sản phẩm “made in USA, made in Japan, made in Finland” thì cớ gì trong công bố kết quả chỉ trên các diễn đàn khoa học “made in Vietnam”.

Thứ ba, có ý kiến cho rằng cộng đồng khoa học khó chấp nhận các nghiên cứu mang tính đặc thù của Việt Nam như lịch sử Việt Nam, Triết học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh… Nhận định chủ quan như thế là không đúng với tinh thần khoa học. Hãy thử vào các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín của thế giới mà xem, các học giả trên thế giới công bố rất nhiều kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực thuộc đặc thù của Việt Nam như đã liệt kê ở trên. Do đó, rất cần các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam cũng công bố về những đặc thù của Việt Nam để có thể quảng bá, thông tin và phản biện thêm với các học giả quốc tế.

Thứ tư, có ý kiến cho rằng nếu công bố những kết quả về ô nhiễm, các vấn nạn xã hội, tham nhũng… trên các tạp chí quốc tế có thể làm xấu hình ảnh Việt Nam. Thật ra, một khi đã công bố một kết quả khoa học trên các tạp chí (dù quốc gia hay quốc tế) thì các học giả trên thế giới đều có thể tiếp cận được. Hầu hết các tạp chí quốc gia bằng tiếng Việt thì đều có phiên bản điện tử và các nhà khoa học nước ngoài có thể dùng các công cụ dịch để biết nội dung.

Thứ năm, có ý kiến cho rằng yêu cầu chuẩn luận án tiến sĩ cao nên dễ dẫn đến việc “mua bán” trong công bố khoa học. Thật vậy, đã gọi là mua bán thì chuẩn nào cũng có thể mua bán cả. Nguy hiểm hơn nữa, chuẩn càng thấp thì có thể việc mua bán càng dễ dàng hơn, giá rẻ hơn nhưng có thể khó phát hiện hơn vì ít bị cộng đồng khoa học quốc tế quan tâm.

Thứ sáu, ý kiến cho rằng bộ lọc ISI/ Scopus chưa chắc tốt. Ý kiến này đúng. Thật chất thì bộ lọc ISI/ Scopus chỉ là bước đầu thôi và trong số các tạp chí ISI/ Scopus thì có cả những tạp chí không tốt, tạp chí “ăn thịt”… và do đó hiện nay có đại học ở Việt Nam chỉ công nhận khoảng 50% tốp đầu các tạp chí trong danh mục ISI.

Thứ bảy, có ý kiến cho rằng tư duy “duy ngoại” trong công bố khoa học có thể làm cho khoa học Việt Nam không phát triển. Cần nhấn mạnh lại rằng nếu chúng ta hiểu cách phân loại tạp chí khoa học theo hai nhóm gồm tạp chí quốc tế và tạp chí quốc gia thì khái niệm “duy ngoại” có thể trở nên mơ hồ. Như đã nói ở trên, có những tạp chí khoa học do Việt Nam sở hữu và được xuất bản hoàn toàn bằng tiếng Anh và đã được vào các cơ sở dữ liệu uy tín ISI/ Scopus, và việc công bố trên những tạp chí này chẳng lẽ là “duy ngoại”?

Thứ tám, có ý kiến cho rằng công bố trên các tạp chí quốc gia để tạo sự tự tin. Ý kiến này khá mới và cũng có phần bất ngờ. Theo hiểu biết cơ bản của một người làm khoa học thì khi họ thực sự tự tin về kết quả nghiên cứu do họ làm ra thì họ sẽ lựa chọn những tạp chí khoa học lớn trong chuyên ngành để công bố, và đó chính là những tạp chí uy tín cao của thế giới được điều hành bởi những nhà khoa học uy tín cao trong chuyên ngành. Rất ít khi các nhà khoa học chọn công bố kết quả nghiên cứu tốt của họ trên các tạp chí chưa uy tín.

10 vấn đề cần được bàn thêm khi nới lỏng quy chế về đào tạo tiến sĩ ảnh 2

Có những quan điểm khá thú vị và cũng có phần bất ngờ về việc nới lỏng của quy chế mới về đào tạo tiến sĩ rất cần được bàn thêm.

Thứ chín, có ý kiến cho rằng quy chế đào tạo tiến sĩ mới sẽ làm giảm việc mua bán công trình. Ý kiến này cũng thú vị nhưng thực sự là rất bất ngờ. Theo logic thông thường thì yêu cầu sản phẩm càng dễ thì việc mua bán càng thuận lợi và dễ dàng thực hiện chứ nhỉ? Nếu yêu cầu sản phẩm càng cao thì việc mua bán chắc chắn sẽ khó hơn vì giá sẽ cao hơn và cũng dễ bị phát hiện (do phải công khai). Như vậy, nói nới lỏng yêu cầu khoa học của luận án tiến sĩ sẽ góp phần làm giảm tệ nạn mua bán trong khoa học thì là vấn đề cần được nghiên cứu một cách cẩn thận hơn.

Thứ mười, có ý kiến cho rằng gửi công bố các công trình trên tạp chí quốc tế đã làm lãng phí nguồn lực của đất nước, thay vì công bố những kết quả đó trên các tạp chí quốc gia. Xét về mặt hình thức thì ý kiến này cũng có thể có lý. Thực chất là để nghiên cứu và công bố một công trình trên tạp chí uy tín của thế giới thì có thể tốn nhiều nguồn lực, chi phí đầu tư cho nghiên cứu, chi phí xuất bản… Tuy nhiên, các cơ sở nghiên cứu có thể tối ưu hóa nguồn lực căn cứ theo thực trạng của họ. Chi phí xuất bản thường được mang ra để đánh đồng cho tất cả các tạp chí ISI/ Scopus là hết sức sai lầm.

Thực tế thì rất nhiều tạp chí dạng này không thu phí xuất bản từ tác giả, và cũng có những tạp chí ISI/ Scopus mà tác giả muốn trả vài ngàn USD cũng chưa chắc đã được đăng, như Nature, Science hay PNAS (vài ngàn USD là phí xuất bản mở của các tạp chí này nhưng các khoản phí đó chỉ được xét tới sau quá trình phản biện nghiêm túc và có kết quả nhận đăng).

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Hoàng Minh Sơn: Công tác tuyển sinh 2024 sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Hoàng Minh Sơn: Công tác tuyển sinh 2024 sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định

SVVN - Phát biểu khai mạc Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 – 2023, tại TP. HCM, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, 9 năm qua, ngành giáo dục đã có những điều chỉnh mang lại lợi ích tốt hơn cho các trường đại học và cho thí sinh. Đến nay, công tác tuyển sinh đã từng bước đi vào quy củ.