100 ngôi nhà cổ nghìn năm tuổi được tái hiện ở Thành phố Thiên niên kỷ

0:00 / 0:00
0:00
Thời gian gần đây, du khách không khỏi trầm trồ trước mô hình 100 ngôi nhà cổ được tái hiện từ thời Đinh Tiên Hoàng Đế trị vì tại Thành phố Thiên niên kỷ - Hoa Lư. Việc tái hiện những ngôi nhà này không chỉ là niềm vui mà còn là niềm vinh dự của chính quyền và nhân dân Ninh Bình.

Kỳ quan được tái tạo từ sử sách

100 ngôi nhà cổ nghìn năm tuổi được tái hiện ở Thành phố Thiên niên kỷ ảnh 1

Nhộn nhịp phố cổ Hoa Lư.

Trong vùng đất bí ẩn và huyền bí của Việt Nam, Thành phố Thiên niên kỷ - Hoa Lư được tái tạo qua sử sách từ núi Kỳ Lâm với miền Di sản Tràng An. Khi du khách đến với Ninh Bình, đây là một trong những đích đến không thể bỏ qua đối với những ai muốn khám phá sự hòa quyện giữa thiên nhiên tuyệt vời và Di sản văn hóa độc đáo của quốc gia. Trong bức tranh đó, 100 ngôi nhà giả cổ nổi bật như một điểm nhấn độc đáo, tạo nên sự phong phú và đa dạng của Thành phố Thiên niên kỷ Hoa Lư, kết nối với vùng Di sản Tràng An, nơi được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới vào năm 2014.

Chia sẻ với Tiền Phong, anh Nguyễn Quang Minh ở TP Ninh Bình nói, thời gian gần đây, đặc biệt là kể từ khi Di sản Tràng An, nơi được UNESCO công nhận, những ngọn núi, con sông được quan tâm bảo vệ trở thành lá phổi không chỉ giúp người dân và còn giúp lữ khác thập phương về đây được hít thở bầu không khí trong lành, mát mẻ.

Bên cạnh đó là việc tái hiện lại khu phố cổ Hoa Lư, và tới đây là Thanh phố Thiên niên kỷ - Hoa Lư với những làng nghề truyền thống như, gốm Bồ Bát, nem Yên Mạc (Yên Mô); Cá rô Tổng Trường (Hoa Lư)…giúp nhịp sống trở nên sôi động. Việc làm này cũng góp phần thu hút du khách đặc biệt là lượng du khách quốc tế.

Chị Trịnh Thị Lan (ở TP Thanh Hoá) cho biết, kể từ khi khu phố cổ Hoa Lư được tái tạo, chị và gia đình hầu như cuối tuần nào cũng qua vãn cảnh, chụp ảnh lưu niệm và đặc biệt là được bách bộ, ngắm cảnh, thưởng thức những món đặc sản truyền thống ở đây.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Ngô Tiến Nha (du khách đến từ Thái Nguyên) phân tích, 100 ngôi nhà giả cổ không chỉ là những công trình kiến trúc độc đáo, mà còn là biểu tượng của sự thịnh vượng và sự hòa mình của con người vào thiên nhiên. Những ngôi nhà này được xây với kiến trúc mang đậm dấu ấn của các nền văn hóa cổ xưa. Từ những bức tường gạch và đá đến những mái vòm cong và cánh cửa lạ mắt, mỗi ngôi nhà đều là một tác phẩm nghệ thuật sống động.

Niềm mong mỏi của người dân

100 ngôi nhà cổ nghìn năm tuổi được tái hiện ở Thành phố Thiên niên kỷ ảnh 2

Tuyến phố nghìn năm tuổi được tái hiện thần kỳ bên bờ sông Sào Khê.

Ngạn ngữ xưa có câu: "Lấy núi làm thành, sông làm đường". Trong quá trình phát triển, hầu hết các thành phố cổ đều dựa vào địa hình sông núi để phát triển. Ninh Bình, được bao bọc và phát triển từ "tứ giác nước" gồm bốn con sông: Sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Bến Đang và sông Vân. Những con sông này không chỉ tạo nên ranh giới tự nhiên đặc biệt cho văn hóa và chính trị của Ninh Bình mà còn là nguồn sống, nuôi dưỡng cho sự phát triển của thành phố.

Với vị trí địa lý chiến lược, Ninh Bình nằm ở trung tâm của các tuyến giao thông huyết mạch liên vùng, kết nối với đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc. Ngoài ra, nó còn nằm trong "Tứ giác tăng trưởng kinh tế" gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa.

Với vai trò cầu nối quan trọng, thành phố Hoa Lư - Đô thị thiên niên kỷ chính là điểm giao thoa của các hoạt động kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật trên toàn quốc.

100 ngôi nhà cổ nghìn năm tuổi được tái hiện ở Thành phố Thiên niên kỷ ảnh 3

Ninh Bình không chỉ sở hữu địa hình độc đáo, mà còn là một miền đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Thành phố đặt mục tiêu xây dựng một đô thị di sản thiên niên kỷ, lấy Tràng An làm trung tâm, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn minh của vùng đất này cho các thế hệ tương lai.

Nhận thấy tiềm năng từ thiên nhiên và sự quan tâm từ các cơ quan chính quyền, Doanh nghiệp Xuân Trường đã đầu tư mạnh vào việc xây dựng phố cổ Hoa Lư. Dự án này không chỉ tạo ra một phố cổ mới mà còn mang lại cơ hội việc làm cho người dân địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Anh Đinh Văn Hạnh, một doanh nhân ngành cà phê tại Thành phố Ninh Bình, chia sẻ rằng kể từ khi tuyến phố cổ Hoa Lư được tái hiện, giá trị tài sản của mỗi gia đinh nơi đây tăng lên rất nhiều lần do giá trị thương hiệu của phố cổ Hoa Lư mang lại. “Minh chứng là, trước đây, gia đình tôi đầu tư mảnh đất này chỉ vài tỷ đồng nhưng giờ đây, có nhiều người đã trả giá vài chục tỷ đồng nhưng tôi không bán”, anh Hạnh nói. Bên cạnh đó, việc kinh doanh cà phê không chỉ mang lại thu nhập đáng kể mà còn góp phần vào việc nâng cao thu nhập cho gia đình.

Anh Hạnh cũng lưu ý rằng hiện nay, lượng người dân và du khách đổ về khu phố cổ Hoa Lư đã vượt quá tải, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Có những ngày mà việc di chuyển trở nên khó khăn do sự đông đúc, và vì lẽ đó, anh Hạnh mong muốn chính quyền sớm hoàn thiện hệ thống đường kết nối từ núi Kỳ Lân đến bến thuyền Tràng An, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách khi đến tham quan khu vực này. “Tôi mong muốn, Ninh Bình sớm có tuyến phố đi bộ, không chỉ đáp ứng nhu cầu du khách mà còn giúp gia đình có trẻ em được vãn cảnh 1 cách an toàn”, anh Hạnh nói.

Thấu hiểu được nhu cầu của cả người dân và du khách, đại diện từ Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã cho biết rằng trong giai đoạn thử nghiệm, Ninh Bình sẽ tập trung vào việc mở rộng tuyến đường sông Sào Khê và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá cảnh quan thiên nhiên kết nối giữa Thành phố Thiên niên kỷ Hoa Lư và bến thuyền Tràng An. Mục tiêu là xây dựng một thành phố ven sông sôi động, sáng tạo và hướng tới việc bảo tồn và phát triển di sản thiên nhiên.

Qua việc khai thác và phát triển bền vững các nguồn lực tự nhiên và văn hóa, Ninh Bình đang tạo ra một miền di sản sống đầy sức sống, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của tỉnh. Trong quá trình này, việc tôn trọng và bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử của vùng đất là rất quan trọng. Việc xây dựng phố cổ Hoa Lư không chỉ là để tạo ra một điểm du lịch mới mà còn là cơ hội để tôn vinh và tái hiện lại di sản lịch sử của đất nước.

Thông tin từ Sở Du Lịch Ninh Bình cho biết, tính chung 3 tháng đầu năm 2024, số lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đạt gần 3,9 triệu lượt khách, gấp hơn 1,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình cộng dồn 3 tháng đầu năm ước đạt gần 3.700 tỷ đồng, gấp hơn 1,4 lần cùng kỳ.

MỚI - NÓNG