10.000 cơ sở được 'gỡ vướng' về PCCC

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trên cơ sở tổ chức hướng dẫn, cơ quan chức năng đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khoảng 10.000 cơ sở. Tuy nhiên, đến nay còn 38.140 cơ sở đã đưa vào hoạt động còn tồn tại, không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tại thời điểm thẩm duyệt hoặc đưa vào sử dụng, buộc phải sửa chữa, khắc phục.
10.000 cơ sở được 'gỡ vướng' về PCCC ảnh 1

Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội nêu những khó khăn vướng mắc trong công tác PCCC.

Ngày 20/7, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về kỹ thuật và phương tiện PCCC và CNCH và thiết bị an ninh, an toàn, bảo vệ năm 2023”, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị tổ chức buổi lắng nghe, đối thoại về các khó khăn, vướng mắc từ phía các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

Thông tin tại buổi đối thoại, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết thêm, những năm qua, nhà và công trình ngày càng được xây dựng nhiều, gia tăng cả về số lượng, quy mô, tính chất hoạt động. Theo đó, tình hình cháy, nổ cũng diễn biến ngày càng phức tạp, số vụ cháy, thiệt hại có chiều hướng gia tăng.

“Nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình như vụ cháy tại quán karaoke An Phú (tỉnh Bình Dương) tháng 9/2022 làm chết 32 người và nhiều vụ cháy nhà dân, nhà vừa để ở vừa kinh doanh làm nhiều người trong một gia đình bị chết, trong đó có nhiều trẻ em…” - Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh thông tin.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC trên toàn quốc. Quá trình tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC&CNCH, lực lượng chức năng phát hiện 47.719 cơ sở trên tổng số 1.182.722 cơ sở được rà soát còn tồn tại, vi phạm về PCCC.

Trên cơ sở tổ chức hướng dẫn, đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được khoảng 10.000 cơ sở, tính đến nay còn 38.140 cơ sở đã đưa vào hoạt động còn tồn tại, không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tại thời điểm thẩm duyệt hoặc đưa vào sử dụng, buộc phải sửa chữa, khắc phục.

Hiện nay, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đang tích cực tham mưu cho Bộ Công an sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và triển khai nhiều giải pháp để hướng dẫn các cơ sở khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC. Tuy nhiên, thời gian qua, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH vẫn nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC.

10.000 cơ sở được 'gỡ vướng' về PCCC ảnh 2

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (giữa) giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp.

Giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp

Tại buổi đối thoại, Ban Tổ chức nhận được hơn 10 ý kiến của các doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp địa phương về những khó khăn, vướng mắc như việc yêu cầu một số khu resort, du lịch có bể bơi rất lớn nhưng vẫn yêu cầu phải có bể nước chữa cháy hay đơn vị thất lạc hồ sơ thẩm duyệt PCCC công trình đã đưa vào sử dụng; phải thiết kế thêm bể nước ngoài công trình phục vụ chữa cháy…

Trả lời câu hỏi trên, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an khẳng định, các cơ sở có bể bơi hoàn toàn có thể sử dụng thay thế bể nước ngầm chữa cháy, nhưng phải đảm bảo trữ lượng nước theo quy định, lúc nào cũng phải có nước và có đường cho xe chữa cháy vào lấy nước khi cần.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết thêm, hiện nay có một số doanh nghiệp “kêu” bể nước chữa cháy nhiều quá, về vấn đề này tôi lưu ý các đơn vị công an địa phương theo Quy chuẩn 06 hướng dẫn đối với trường hợp không có hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà thì do cơ quan PCCC tư vấn, tham mưu cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào phương tiện chữa cháy của mình đã có để giảm lượng không phải làm cấp nước ngoài nhà.

Còn về câu hỏi của doanh nghiệp làm thất lạc hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC, Thiếu tướng Tuấn Anh cho rằng, đây đầu tiên là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, tuy nhiên việc làm thất lạc hồ sơ và bây giờ phải thẩm duyệt lại là không đúng.

“Tôi khẳng định không có quy định nào về việc làm thất lạc hồ sơ phải thẩm duyệt lại. Bởi thẩm duyệt là việc làm trước khi thi công chứ không phải là xong rồi mới thực hiện. Chỉ có trong trường hợp cải tạo, thay đổi công năng… mới phải thẩm duyệt lại” - Thiếu tướng Tuấn Anh cho biết.

Ngoài ra, đối với trường hợp thất lạc hồ sơ, theo Nghị định 136 sửa đổi thì không phải nộp lại. Tuy nhiên, cơ sở nên liên hệ với cơ quan PCCC kiểm tra, đánh giá lại tổng thể công trình…

"Thời gian qua, Bộ Công an nhận được nhiều văn bản kiến nghị của các đơn vị, doanh nghiệp về việc đề nghị sửa đổi Quy chuẩn 06 và đã được tập hợp, có công văn của lãnh đạo Bộ Công an gửi sang Bộ Xây dựng. Hiện Bộ Công an và Bộ Xây dựng đang phối hợp tích cực để sửa. Có nội dung có thể sửa được nhưng cũng có nội dung rất khó khăn, nếu mà sửa quá thì lại không đảm bảo an toàn...” - Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh thông tin.

Doanh nghiệp cho rằng về việc chuyển đổi công năng của doanh nghiệp làm về dệt may, gỗ đã có phương án về PCCC rất tốt nhưng khi chuyển sang làm trái cây đóng hộp, trái cây tươi, tức là hạ mức về PCCC nhưng vẫn phải thẩm duyệt lại. “Chúng ta đọc trong quy định nó bé nhưng khi triển khai lại thế này thế kia…” - đại diện doanh nghiệp nêu.

Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo quy định khi chuyển đổi công năng thì vẫn phải lập hồ sơ, vẽ lại mặt bằng đúng như hiện trạng bản vẽ hoàn công để chuyển qua cơ quan PCCC nhằm quản lý hồ sơ.

“Tất cả hồ sơ hiện nay được gửi online rất thuận lợi. Cá nhân nào, chiến sĩ nào mà đến nhũng nhiễu thì doanh nghiệp có thể báo cáo tới giám đốc công an địa phương hoặc trao đổi thẳng với Cục. Tôi khẳng định luôn là không cho phép vấn đề đó” - Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh nói.

MỚI - NÓNG