15 triệu công nhân cần thích nghi với chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương cho rằng, 15 triệu công nhân Việt Nam, những công nhân, kỹ sư, người thợ lành nghề, người trực tiếp sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước, cần phải thích nghi tốt nhất với quá trình chuyển đổi số.

Sáng 9/5, T.Ư Đoàn tổ chức tọa đàm “Thanh niên công nhân tiên phong chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất kinh doanh”. Dự và chủ trì tọa đàm có anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn.

Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến đến 64 điểm cầu trên cả nước.

Ứng dụng chuyển đổi số vào công việc hàng ngày

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương cho biết, chuyển đổi số đang dần trở thành xu thế không thể đảo ngược và là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế và mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng là những thách thức, yêu cầu mới.

15 triệu công nhân cần thích nghi với chuyển đổi số ảnh 1

Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Bảo Anh

Theo anh Cương, Đảng và Nhà nước ta đề ra mục tiêu tới năm 2045 “Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh”.

“Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đó thì một trong những lực lượng quan trọng là 15 triệu công nhân Việt Nam, những công nhân, kỹ sư, những người thợ lành nghề, những người trực tiếp sản xuất hàng hoá và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước, cần phải thích nghi tốt nhất với quá trình chuyển đổi số”, anh Cương nhấn mạnh.

15 triệu công nhân cần thích nghi với chuyển đổi số ảnh 2

Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến đến 64 điểm cầu trên cả nước. Ảnh: Bảo Anh

Theo anh Cương, doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số. Và người lao động cũng phải thay đổi cách làm trước nay để có thể thích nghi và thay đổi trong công việc, hoà mình vào dòng chảy chuyển đổi số.

“Ở đây không chỉ quá trình tự thân của người lao động mà còn có vai trò của doanh nghiệp, của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên trong đồng hành, tạo lập môi trường để thanh niên công nhân, người lao động trẻ trong các doanh nghiệp được nâng cao tay nghề, tiếp cận khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số vào công việc hàng ngày”, anh Cương nói.

Anh Cương đề nghị các đại biểu, đoàn viên, thanh niên tham dự tọa đàm cần trao đổi những vấn đề đặt ra đối với thanh niên công nhân và lao động trẻ trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Đồng thời, trao đổi Chính sách pháp luật lĩnh vực công pháp, tư pháp quốc tế; khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế về cơ hội vấn đề lao động, việc làm và sự chuẩn bị của thanh niên công nhân trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, phân tích, chỉ ra vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội LHTN Việt Nam trong việc đồng hành, hỗ trợ và phát huy vai trò của thanh niên công nhân trong quá trình áp dụng chuyển đổi số trong lao động, sản xuất, kinh doanh.

“Ban Tổ chức Diễn đàn hy vọng sẽ đón nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự Tọa đàm, đề xuất được các sáng kiến, giải pháp từ thực tế triển khai các hoạt động tiên phong, xung kích, sáng tạo chuyển đổi số trong lao động, sản xuất của thanh niên công nhân và lao động trẻ trong thời gian qua”, anh Cương nói.

15 triệu công nhân cần thích nghi với chuyển đổi số ảnh 3

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, giới thiệu các mô hình hiệu quả về chuyển đổi số tăng năng suất lao động; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao năng lực số, phát huy vai trò của thanh niên công nhân trong quá trình áp dụng chuyển đổi số trong lao động, sản xuất, kinh doanh…

15 triệu công nhân cần thích nghi với chuyển đổi số ảnh 4

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Trang bị văn hóa số cho thanh niên công nhân

Anh Nguyễn Hiếu Trung, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Nai nêu thực trạng hiện lao động có trình độ cao chưa được xã hội quan tâm đúng mức. “Thực tế ở Đồng Nai nguồn lao động đổ về rất lớn nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, còn lao động có trình độ cao còn ít và nhiều hạn chế. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội”, anh Trung nói.

15 triệu công nhân cần thích nghi với chuyển đổi số ảnh 5

Anh Nguyễn Hiếu Trung, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Nai trao đổi từ điểm cầu Tỉnh Đoàn Đồng Nai

Anh Trung nêu, báo cáo PCI cấp tỉnh năm 2022 cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) ít hài lòng về chất lượng đào tạo nghề tại các địa phương và cho biết họ phải chi nhiều hơn cho việc đào tạo lại lao động mới tuyển vào. Cơ cấu đào tạo và giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề kỹ thuật cao, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu.

Anh Trung cho rằng, Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế số, tăng cường đổi mới sáng tạo đòi hỏi nhiều hơn và cao hơn các kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng xúc cảm xã hội. “Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển liên quan đến tự động hóa, số hóa, nhu cầu về kỹ năng thay đổi nhanh chóng, một số nghề sẽ biến mất, một số khác xuất hiện và những ngành khác lại thay đổi. Nguồn nhân lực nói chung và nhân lực chất lượng cao cũng phải được chuẩn bị sớm hơn, nhanh hơn, cập nhật hơn và theo cách tiếp cận thực tế hơn”, anh Trung nói.

Anh Trung đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thanh niên không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng để không tụt hậu trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm chính sách khuyến khích người học đi học giáo dục nghề nghiệp, thể hiện ở chế độ tuyển sinh, chế độ học bổng và học phí, chính sách tín dụng vay vốn sản xuất đối với học sinh có chứng chỉ đào tạo nghề xuất sắc.

“Cần có các chính sách đảm bảo học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi học lên trình độ cao hơn. Đặc biệt những học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp giáo dục nghề được ưu tiên hơn khi xét nhận vào các khoa tương ứng của các trường cao đẳng, đại học”, anh Trung nói.

Đồng thời, ban hành cơ chế phối hợp giữa nhà trường với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp để tạo “đầu ra” cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giao cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của chính họ.

15 triệu công nhân cần thích nghi với chuyển đổi số ảnh 6

Các bạn trẻ tham gia tọa đàm

Thượng tá Trần Hữu Dũng, Phó Trưởng ban Thanh niên Quân đội cho rằng, muốn chuyển đổi số trước hết phải thay đổi tư duy; tư duy thay đổi mới dẫn đến hành động đúng đắn. Và điều quan trọng, người “thủ lĩnh” Đoàn phải tiên phong, kiên định trên con đường chuyển đổi số, từ đó truyền cảm hứng cho các bạn trẻ noi theo.

Thượng tá Dũng cho rằng, để thanh niên tiên phong chuyển đổi số nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất kinh doanh, một vấn đề quan trọng là cần trang bị văn hóa số cho thanh niên công nhân. Đó là trang bị kỹ năng, văn hóa chấp hành quy tắc sử dụng văn hóa số; tiếp nhận thông tin lành mạnh trên môi trường số cho đội ngũ thanh niên công nhân.

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...