200 trường Đại học thảo luận gỡ vướng tự chủ

200 trường Đại học thảo luận gỡ vướng tự chủ
TPO - Tự chủ trong giáo dục đại học – từ chính sách đến thực tiễn là nội dung hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày hôm nay 27/11.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết hội thảo lần này tập trung bàn về 2 nội dung chính: Tự chủ tài chính đại học và cơ chế tự chủ.

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ giáo dục ĐH (GD ĐH), nhất là từ sau khi Luật GDĐH (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) có hiệu lực thi hành.

Trên cơ sở đó, đề xuất những ý tưởng, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về tự chủ trong GDĐH; đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách và việc thực thi chính sách, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm và nâng cao hiệu quả tự chủ trong GDDH; phát huy tính sáng tạo của các cơ sở GDĐH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 200 trường ĐH trên cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khẳng định một trong những chính sách mới liên quan đến giáo dục ĐH là tự chủ. Tuy nhiên trong thực thi còn những khó khăn, còn rào cản, còn khoảng cách. Đây là một nội dung trong những thách thức, đòi hỏi phải đổi mới của giáo dục ĐH Việt Nam.

200 trường Đại học thảo luận gỡ vướng tự chủ ảnh 1 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội thảo sáng nay
Chính vì vậy, Phó Chủ tịch thường trực của Quốc hội đề nghị hội thảo tập trung bàn về các vấn đề như: các cơ sở GD ĐH thực hiện quyền tự chủ phải có trách nhiệm giải trình theo quy định, các cơ quan có trách nhiệm đã tôn trọng quyền đó của các cơ sở ĐH hay chưa? Điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GD ĐH, trách nhiệm của hội đồng trường; hội đồng ĐH phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng? quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế về quản lý nội bộ, các chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn Nhà nước quy định thế nào? Thứ hai là về quyền tự chủ học thuật, trong hoạt động chuyên môn thế nào? Các quy định về thực hiện tiêu chuẩn, chất lượng, việc mở ngành, việc tuyển sinh, việc đào tạo gắn hoạt động khoa học công nghệ, việc hợp tác trong nước và quốc tế sao cho phù hợp với quy định của pháp luật nhà nước. Về quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự liên quan đến cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, tiêu chuẩn, danh mục việc làm liên quan đến tuyển dụng, sử dụng hoặc cho thôi việc với giảng viên, các viên chức người lao động. Cuối cùng bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh đặc biệt rất cần hoàn thiện và mẫu mực về quyền tự chủ trong tài chính và tài sản (kể cả nguồn thu) quản lý sử dụng tài chính, tài sản, chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển, chính sách học phí, học bổng đối với người học? Với trách nhiệm khi chúng ta bàn về tự chủ ĐH rất cần quan tâm đến trách nhiệm giải trình của các cơ sở GD ĐH? Nếu không thực hiện đúng cam kết thì phải xử lý thế nào khi liên quan đến tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, đến mức lương, thưởng, đến các báo cáo tài chính hằng năm và phải thực hiện kiểm toán đầu tư mua sắm, và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GD ĐH trước chủ sở hữu, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền, đặc biệt vai trò của Bộ GD&ĐT khi phải chịu trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật trước Chính phủ. Tại hội thảo, tham luận của các chuyên gia cũng đề cập nhiều đến câu chuyện của trường ĐH Tôn Đức Thắng trong bối cảnh hiện nay để cùng bàn thảo và có hướng giải quyết.
MỚI - NÓNG