3 năm không yên ả ở trường ĐH Hoa Sen

3 năm không yên ả ở trường ĐH Hoa Sen
SVVN - Chưa có trường đại học nào mà trong 3 năm thay hiệu trưởng đến 4 lần và thay hội đồng Quản trị đến 3 lần. Sự thay đổi liên tục ở thượng tầng chắc chắn sẽ gây nên sự rối loạn nhất định trong công tác quản lý nhà trường. Đó là chưa kể, điều này không đến từ yêu cầu phát triển mà lại do tranh chấp quyền lực.

Cột mốc 2/8/2014

Sáng 2/12/2016, ông Trần Văn Tạo, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH Hoa Sen cùng Chủ tịch Hội đồng Quản trị cũ đã bàn giao lại nhiệm vụ, chức vụ, tài liệu, hồ sơ cho ông Lưu Tiến Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị mới của trường ĐH Hoa Sen, nhiệm kỳ 2012 - 2017. Hai bên đồng ý bàn giao và nhận bàn giao tất cả hồ sơ, tài liệu của Hội đồng Quản trị nhà trường, nhiệm kỳ 2012 - 2017. Ông Lưu Tiến Hiệp được công nhận chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nhiệm kỳ 2012 - 2017, theo Quyết định 5891/QĐ-UBND, ngày 9/11/2016, của UBND TP. HCM. Theo đó, Hội đồng Quản trị của trường ĐH Hoa Sen có 7 thành viên, gồm: ông Lưu Tiến Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và các ủy viên: Nguyễn Trung Đức, Nguyễn Trọng Duy, Trần Phước Huy, Huỳnh Minh Việt, Tô Ngọc Ngời, Nguyễn Đệ. Đây là những người được bầu tại Đại hội cổ đông bất thường, ngày 2/8/2014. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký, thay thế quyết định ngày 4/10/2014 về việc công nhận Hội đồng Quản trị trường ĐH Hoa Sen của Chủ tịch UBND TP. HCM. Ngay sau đó, các chức danh Ban Giám hiệu, hoạt động giảng dạy của trường ĐH Hoa Sen cũng có sự thay đổi. Ông Lưu Tiến Hiệp thay TS Bùi Trân Phượng làm Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen, kéo theo hàng loạt nhân sự nghỉ việc ở trường ĐH Hoa Sen.

Để có được Quyết định 5891/QĐ-UBND, ngày 9/11/2016, Hội đồng Quản trị cũ của trường ĐH Hoa Sen do TS Bùi Trân Phượng đứng đầu và Hội đồng Quản trị mới do bà Nguyễn Thị Hòa lãnh đạo đã có 2 năm đấu tranh qua lại. Hàng loạt cuộc họp giữa hai bên, giữa hai bên với Bộ GD - ĐT và với UBND TP. HCM, mới đi đến được kết quả cuối cùng. Tuy thua cuộc nhưng nhóm cổ đông do TS Bùi Trân Phượng đứng đầu vẫn không chịu bỏ cuộc và tiếp tục gửi đơn kêu cứu lên Thành uỷ TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ và kiện ra Tòa án Nhân dân TP. HCM. Nhóm cổ đông do TS Bùi Trân Phượng đứng đầu cho rằng, Đại hội cổ đông bất thường ngày 2/8/2014 đã triệu tập không đúng trình tự quy định của pháp luật tại thời điểm đó và số đại biểu tham dự không có đủ số cổ phần biểu quyết theo quy chế hoạt động của trường, do có sự không thống nhất về cổ phần giữa các thành viên. Do đó, việc UBND TP. HCM ký Quyết định 5891/QĐ-UBND ngày 9/11/2016 là sai.

Khi đó, việc tranh chấp cổ phần giữa các bên được Tòa án giải quyết thông qua các vụ kiện. Chẳng hạn, vụ các công ty I. Connect và Co-ordinate kiện trường ĐH Hoa Sen chi trả cổ tức đã có kết quả xét xử phúc thẩm. Bên cạnh đó là 24 vụ kiện của các thành viên góp vốn cá nhân khởi kiện các công ty I. Connect và Co-ordinate để giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu cổ phần đã được tòa án thụ lý. Trong giai đoạn 2014 - 2016, nhóm cổ đông do bà Nguyễn Thị Hòa đứng đầu nói rằng, mình là có hơn 80% cổ phần và phải được điều hành trường. Còn phía TS Bùi Trân Phượng cho rằng,  trường ĐH Hoa Sen là trường phi lợi nhuận. Trường này cũng khẩn trương xây dựng đề án trình Bộ GD - ĐT thẩm định để trình Thủ tướng công nhận là trường đại học hoạt động không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, việc quyết định trường ĐH Hoa Sen hoạt động theo loại hình trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận hay không, thuộc thẩm quyền của Đại hội cổ đông trường ĐH Hoa Sen, theo đúng quy định pháp luật. Để được công nhận là đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, trường ĐH Hoa Sen thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định tại Điều lệ Trường đại học, ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/12/2014.

5 năm không yên ả ở trường ĐH Hoa Sen

Sau ngày 2/12/2016, trường ĐH Hoa Sen bước vào cơ hội mới nhưng chưa được bao lâu thì lại gặp rắc rối mới, khi bị Tập đoàn Nguyễn Hoàng thâu tóm. Như vậy, nhóm cổ đông do bà Nguyễn Thị Hòa đứng đầu chỉ điều hành trường từ tháng 12/2016 đến 30/10/2018, tức chưa tròn 2 năm. Trong gần 2 năm này, trường ĐH Hoa Sen cũng vướng vào lao lý, khi liên tục phải hầu Tòa để giải quyết tranh chấp với nhóm cổ đông do TS Bùi Trân Phượng đứng đầu. Sự kiện “Giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành cũng ít nhiều làm danh tiếng của trường bị ảnh hưởng. Tiếp đó, sự ồn ào về GS. TS Trương Nguyện Thành, khi đó là Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen đã đủ tiêu chuẩn Giáo sư ở Mỹ nhưng không được công nhận là Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen, do chưa đủ 5 năm làm quản lý giáo dục tại Việt Nam. Sau đó, ông Thành rời trường ĐH Hoa Sen về Mỹ, thỉnh thoảng ông về lại Việt Nam làm các dự án cho giới trẻ. Thay thế ông Thành là PGS. TS Trần Đan Thư. Ông Thư được UBND TP. HCM công nhận là Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen, như đề nghị của Hội đồng Quản trị trường vào ngày 14/6/2018. PGS. TS Trần Đan Thư sinh năm 1966, trước đó là Trưởng khoa Công nghệ thông tin của trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. HCM. Ông Thư tốt nghiệp cử nhân ngành Toán, học thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính và làm tiến sĩ chuyên ngành Tin học tại Pháp. Ông giữ chức Trưởng khoa qua hai nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2007 đến năm 2017. Tuy nhiên, ngồi ghế Hiệu trưởng chưa đầy 4 tháng, ông Thư sẽ bị Tập đoàn Nguyễn Hoàng thay thế bằng người khác.

Đổi chủ mới

Đến ngày 30/10/2018, trường ĐH Hoa Sen lại tổ chức Đại hội cổ đông bất thường tại cơ sở số 8 Nguyễn Văn Tráng, P. Bến Thành, Q. 1, TP. HCM, sau khi Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng mua lại cổ phần. Theo thông báo triệu tập, Đại hội sẽ sửa đổi và bổ sung một số điều tại Quy chế Tổ chức và hoạt động của nhà trường, bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị, Trưởng ban Kiểm soát và thành viên Ban Kiểm soát, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Tham dự đại hội này có 42 cổ đông và đại diện ủy quyền của cổ đông, đại diện cho hơn 8.608 triệu cổ phiếu đủ quyền biểu quyết, chiếm tỷ lệ hơn 91% số cổ phần của nhà trường. Tại Đại hội, các cổ đông đã thông qua đơn từ nhiệm của các thành viên Hội đồng Quản trị và tiến hành bầu bổ sung 6 thành viên Hội đồng Quản trị mới, nhiệm kỳ năm 2017 - 2022 gồm: PGS. TS Thái Bá Cần, TS Nguyễn Khắc Huy, TS Đinh Quang Nương, TS Trần Xuân Thảo, TS Đỗ Mạnh Cường và ông Hoàng Quốc Anh Vũ. Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ do Hội đồng Quản trị bầu và được UBND TP. HCM công nhận. Đại hội cổ đông bất thường của trường ĐH Hoa Sen cũng đã bầu các thành viên của Ban Kiểm soát thay thế các thành viên cũ đã từ nhiệm, gồm các ông: Nguyễn Hữu Tướng, Trịnh Minh Trung. Trưởng ban Kiểm soát là ông Nguyễn Hữu Tướng.

Hiện tại, có nhiều thông tin cho biết Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã mua lại 51% cổ phần trường ĐH Hoa Sen. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng cho biết, số cổ phần mà Tập đoàn này chính thức sở hữu là hơn 80%. Như vậy, Nguyễn Hoàng đã nắm quyền kiểm soát trường ĐH Hoa Sen. Sau Đại hội, Hội đồng Quản trị sẽ đề xuất Hiệu trưởng mới. Người được phía Nguyễn Hoàng lựa chọn để ngồi vào ghế Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen là GS. TS Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP. HCM, vừa nghỉ hưu. Trả lời câu hỏi của Sinh Viên Việt Nam về việc vì sao Tập đoàn Nguyễn Hoàng liên tục mua nhiều trường đại học? Việc sở hữu cùng lúc nhiều trường đại học, dù hoạt động độc lập với các mục tiêu riêng nhưng liệu có chồng chéo và kém cạnh tranh không?, phía Nguyễn Hoàng cho rằng, hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ việc xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. Tập đoàn Nguyễn Hoàng mong muốn tham gia công cuộc xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà. Các trường đại học có sự tham gia của Nguyễn Hoàng ngày một phát triển. “Việc chúng tôi tham gia đầu tư vào một số trường đại học trong thời gian qua phù hợp với chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước là tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, tư nhân tham gia đầu tư giáo dục. Song song đó, Tập đoàn Nguyễn Hoàng xem việc tôn trọng tự do học thuật là tối thượng. Do đó, đối với trường ĐH Hoa Sen, định vị chất lượng giáo dục phát triển sẽ phụ thuộc vào nỗ lực thực hiện của chính tập thể cán bộ giảng viên, nhân viên và Ban Giám hiệu nhà trường. Tập đoàn Nguyễn Hoàng chỉ đầu tư để đồng hành, hỗ trợ và khích lệ, tuyệt đối không can dự làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nhà trường. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển năng động và toàn cầu hóa mạnh mẽ, một trong những vai trò và trách nhiệm của trường đại học là cung cấp nhân lực để hội nhập quốc tế. Trong xu hướng đó, Nuyễn Hoàng đầu tư bằng tất cả tâm huyết của mình vào mảng giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng mọi nhu cầu phát triển của xã hội. Mỗi trường đại học trong hệ thống giáo dục Nuyễn Hoàng đều có một hướng đi riêng để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau đó”, đại diện Tập đoàn Nguyễn Hoàng nói.

Trả lời câu hỏi về việc, đã chắc chắn nắm quyền điều hành tại trường ĐH Hoa Sen thì Tập đoàn Nguyễn Hoàng sẽ ổn định và phát triển trường này theo hướng như thế nào? Vị đại diện cho Nguyễn Hoàng cho biết, trường ĐH Hoa Sen là một đại học có chất lượng tốt và Tập đoàn Nguyễn Hoàng luôn mong muốn Hoa Sen tiếp tục phát triển. Trong thời gian tới, Nguyễn Hoàng cam kết giữ vững sự ổn định và phát triển của trường ĐH Hoa Sen. Việc làm gì để ổn định và phát triển trường sẽ là nhiệm vụ chính của Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu nhà trường. Nguyễn Hoàng tin rằng, Hội đồng Quản trị, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ đề ra các phương hướng cụ thể để đưa trường phát triển lên một tầm cao mới. Công tác nhân sự, trong đó có Hiệu trưởng sẽ do Hội đồng Quản trị trường ĐH Hoa Sen đề xuất và được UBND TP. HCM công nhận.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

SVVN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch số 299/KH-BGDĐT về việc tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ 24/4 đến 28/4, Bộ sẽ tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

SVVN - “Giá trị con người không nằm ở điểm số, nhưng nó giúp con đường đi sau này dễ dàng hơn, nếu các bạn có mục tiêu và hoạch định được con đường đi của mình”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", sáng 8/4, tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình, TP. HCM).