Mahatma Gandhi từng nói: “Sẽ chẳng đáng có tự do, nếu sự tự do đó không bao gồm quyền tự do được mắc sai lầm”. Bạn có được tự do mắc sai lầm, hay chính bạn tự chối bỏ quyền tự do ấy?
Không phải ai cũng cảm thấy được tự do mắc sai lầm. Có một câu chuyện vui về tướng George Patton ở thời Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Một lần, ông nhận lời mời đến ăn tối ở một trại của giới báo chí ở châu Phi. Trên bàn ăn, rượu vang được rót vào những chiếc ca nhôm kiểu quân đội nhưng tướng Patton lại tưởng là người ta mời cà phê. Cho nên, ông rót kem tươi vào ca của mình. Sau đó, ông tiếp tục cho đường vào và khuấy. Lúc này, có người lên tiếng nhắc ông rằng, trong chiếc ca của ông là rượu vang đỏ chứ không phải cà phê.
Tướng Patton, dù thế nào, cũng không bao giờ, không bao giờ có thể sai lầm được! Vì vậy, chẳng một chút do dự, ông đáp: “Tôi biết chứ! Tôi thích uống rượu vang kiểu này!”. Rồi ông cầm ca lên và uống hết.
Tất nhiên, không ai trong chúng ta thích nhầm lẫn hay mắc sai lầm và cũng không dễ gì để thừa nhận mỗi khi chúng ta chẳng may sai sót.
Tôi tin rằng, ba từ khó khăn nhất để nói trong cuộc sống chính là: “Tôi đã sai”. Mà đặc biệt là trong gia đình và giữa những người bạn thân thì đây lại là ba trong số những từ mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể nói ra. “Tôi đã sai” phá vỡ những rào cản giữa mọi người. Nó mang những người xa lạ lại gần nhau. Và nó tạo ra môi trường mà sự thân thiết và yêu thương có thể lớn lên. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy bao nhiêu người có phản ứng tích cực trước những từ đơn giản đó. Chúng chính là những từ mà chúng ta cần sử dụng thường xuyên hơn.
Tất nhiên, về bản chất, nói ra ba từ “Tôi đã sai” là chấp nhận một rủi ro. Nhưng thừa nhận mình sai không phải là dấu hiệu rằng, bạn là một người “tồi tệ”. Mà chỉ đơn giản, điều đó chứng tỏ bạn là một người trung thực. Và những người bạn tốt sẽ trân trọng bạn hơn vì điều đó.
Mahatma Gandhi cũng nói rõ hơn về việc này: “Tôi khẳng định, mình là một con người đơn giản, có khả năng mắc lỗi như bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định rằng, mình có đủ sự khiêm tốn để thừa nhận những sai lầm của mình và thoái lui một bước”.
Đúng, phải có đủ sự khiêm tốn để thừa nhận lỗi lầm. Và có thể cần nhiều sự khiêm tốn hơn nữa để thoái lui một bước – để sửa lại cho đúng. Nhưng chúng ta sẽ luôn cảm thấy vui hơn khi sử dụng ba từ mạnh mẽ đó và cho phép mình – đôi khi – có sự tự do mắc sai lầm. Đó là một món quà mà mỗi người tự tặng cho chính bản thân mình.