400 nhà lãnh đạo học thuật, chuyên gia giáo dục bàn về dạy học sau đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm qua, Bộ GD&ÐT cùng Trường Ðại học (ÐH) Vinuni, ÐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học.
400 nhà lãnh đạo học thuật, chuyên gia giáo dục bàn về dạy học sau đại dịch COVID-19 ảnh 1
Sinh viên trường ĐH Vinuni nghiên cứu, học tập tại phòng Lab

Hội nghị có sự tham gia của 400 nhà lãnh đạo học thuật, chuyên gia giáo dục nổi tiếng đến từ các cơ sở giáo dục và các trường ĐH hàng đầu trong nước và ngoài nước để bàn về việc dạy và học sau đại dịch COVID-19.

Với chủ đề “Giáo dục sinh viên thế kỷ thứ 21” tại hội nghị, các diễn giả uy tín chia sẻ sự hiểu biết sâu sắc của mình về phương pháp giáo dục, những điển hình tốt, sáng kiến trong đổi mới giảng dạy và học tập có tính thực tiễn và thực nghiệm cao. Nội dung của hội nghị đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp có khả năng tái định vị giáo dục ĐH nhằm đem lại những thay đổi mang tính đột phá trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu dự hội nghị là thúc đẩy nghiên cứu đối với sinh viên. GS. Wray Buntine, Giám đốc Chương trình Khoa học Máy tính, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Trường ĐH Vinuni khẳng định cần đưa nghiên cứu vào chương trình đào tạo để sinh viên được trải nghiệm. “Nghiên cứu không phải được quy định cứng nhắc là bao nhiêu tín chỉ mà mục tiêu là tăng khả năng làm việc nhóm của sinh viên.

Các diễn giả tại hội nghị đều cho rằng sinh viên làm nghiên cứu không phải để có được tấm bằng đẹp. Quan trọng hơn là hình thành được tinh thần nghiên cứu, kỹ năng nghiên cứu trong mỗi sinh viên. Học thông qua trải nghiệm là xu hướng mới của thế giới.

Phát triển trường đại học kết nối toàn cầu tại Việt Nam

GS. TS Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc điều hành Trung tâm Hợp tác và Giáo dục quốc tế, ĐH Bang Arizona, Mỹ cho biết đã có quan hệ hợp tác lâu dài trong 12-15 năm qua giữa trường của Mỹ và Việt Nam. Ngày nay các trường ĐH của Việt Nam ngày càng tự chủ trong dạy và học. Đây là cơ hội để tăng cường quốc tế hóa. 12 năm qua, các ĐH công lập của Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng. Giờ đây, các trường ĐH tư có vai trò tương đương.

TS Nguyễn Thị Anh Thư, ĐH Đà Nẵng cho hay trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sinh viên chính là những công dân cần học hỏi nhiều kiến thức, kỹ thuật công nghệ, kỹ năng mới để giải quyết được các vấn đề phức hợp. “Chúng ta không chỉ tập trung vào công nghệ mà phải hướng tới con người, có tư duy của doanh nhân”, TS Anh Thư nói.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, đây là diễn đàn mở, tạo cơ hội để các nhà khoa học, các cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên, giảng viên phát triển quan hệ hợp tác, trao đổi, nghiên cứu với các đồng nghiệp trong cùng một lĩnh vực, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Từ đó, nhận diện và thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời; phát triển hợp tác trong mạng lưới quản trị giáo dục.

MỚI - NÓNG