5 mẹo giúp người bệnh ung thư lạc quan sống khỏe

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Nhiều bệnh nhân trẻ bị ung thư giai đoạn đầu nhưng sống bi quan sẽ nhanh tử vong hơn người lớn tuổi mà sống lạc quan.

Bác sĩ Zee Ying Kiat, Trung tâm Ung thư Parkway Singapore, khuyên mọi người không nên xem ung thư là dấu chấm hết mà hãy nhìn nó với thái độ tích cực hơn, bởi thực tế đây là căn bệnh mạn tính hoàn toàn có thể kiểm soát hoặc chữa khỏi. Với sự tiến bộ không ngừng trong y học và công nghệ, rất nhiều loại ung thư trước đây không có thuốc chữa nhưng đến nay có thể điều trị khỏi. 

thai-do-song-quyet-dinh-tuoi-tho-cua-benh-nhan-ung-thu

Ảnh minh họa:Womenshealth.

Theo bác sĩ Zee, hiệu quả điều trị ung thư và thời lượng sống phụ thuộc rất nhiều vào thái độ sống của người bệnh. Nhiều bệnh nhân trẻ ung thư giai đoạn đầu nhưng sống bi quan sẽ nhanh tử vong hơn người lớn tuổi mà sống lạc quan.

Bác sĩ Zee nhìn nhận trên thực tế không dễ dàng để vượt qua cảm giác u uất khi hay tin mình bị ung thư, song với một số mẹo sau đây có thể giúp họ giảm stress và tăng "khả năng chiến đấu" trong cuộc chiến với ung thư.

Chia nhỏ cuộc sống theo từng ngày

Cố gắng gạt những lo toan về tương lai sang một bên, đừng miên man tự hỏi "Tôi sống được bao nhiêu năm nữa", bởi thực tế ngay cả bác sĩ cũng không thể biết rõ được điều này. Để đối diện với ung thư một cách nhẹ nhàng, hãy chia nhỏ cuộc sống của bạn ra theo từng ngày một, từ đó giúp bạn sử dụng mỗi ngày hiệu quả nhất. 

Học cách quản lý thời gian, nỗ lực vào những việc bạn có thể kiểm soát và bỏ qua những thứ bạn không thể. "Hãy sống như thể ngày mai vẫn là một bí ẩn, đừng đóng khuôn cuộc đời mình. Một ngày sống ý nghĩa còn hơn trăm năm ủ rũ", bác sĩ chia sẻ.

Học cách nói: “Không”

Quá trình điều trị ung thư dường như lấy đi cả sức lực thể chất và tinh thần của bệnh nhân. Vì vậy đừng bao giờ so sánh mình với quá khứ mà hãy học cách nhận ra giới hạn của bản thân và lịch sự từ chối những thứ bạn không có thời gian hay năng lượng để thực hiện.

Chẳng hạn như nếu bạn tiếp tục làm việc trong khi vẫn phải điều trị, hãy thông báo với sếp và đồng nghiệp về tình trạng sức khỏe của mình để họ điều chỉnh khối lượng công việc của bạn ở mức có thể xử l‎ý được. Trong các tình huống khác, nếu bạn muốn được ở một mình trong khi điều trị hoặc những ngày nghỉ ngơi, hãy nói cho bạn bè và người thân biết để họ dành cho bạn không gian riêng.

Cân nhắc mục tiêu và những việc quan trọng

Hãy cân nhắc xem điều gì thực sự quan trọng để dành nhiều thời gian hơn cho những việc đó. Hãy luôn nhớ rằng sức khỏe của bạn có giới hạn, không nên cố quá sức mình.

Hãy thư giãn

Thư giãn giúp trẻ hóa cơ thể, tâm hồn và tinh thần. Mỗi người thích thư giãn một cách khác nhau, hãy tìm xem việc gì hấp dẫn bạn. Chẳng hạn như đọc sách, xem phim, đi chơi với bạn bè và người thân hay ngồi thiền... mỗi ngày đừng quên dành thời gian cho việc mà bạn thích. Thư giãn giúp ích rất nhiều trong quá trình hồi phục.

Mở lòng đón nhận sự giúp đỡ

Đừng cố gồng mình mà hãy nhận thức rằng bản thân cần sự giúp đỡ. Mở lòng đón nhận sự giúp đỡ của người khác là cách rất tốt để giải tỏa stress trong quá trình điều trị ung thư. Hãy để những người xung quanh thể hiện sự quan tâm đến bạn bằng cách cho họ biết bạn cần gì.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Bình luận