50% người bị đột quỵ được cứu sống nhờ trí tuệ nhân tạo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chỉ riêng bệnh lý đột quỵ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp mở rộng thời gian vàng trong can thiệp cho người bệnh từ 6 giờ lên 24 giờ. Khoảng 50% bệnh nhân được sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán, điều trị đột quỵ quá thời gian vàng trước đây, nay đã được cứu sống.

Đây là thông tin được TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết vào ngày 20/7, khi Bệnh viện Nhân Dân 115 TPHCM chính thức đưa Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vào hoạt động. Trung tâm sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khoa học công nghệ trong lĩnh vực sức khỏe, phát triển y tế chuyên sâu mang tầm khu vực để phục vụ người bệnh trong nước và quốc tế.

TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết, theo định hướng của Bộ Chính trị, TPHCM sẽ trở thành trung tâm y tế chuyên sâu. Để góp phần thực hiện nhiệm vụ trên, bệnh viện đã triển khai xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển quy tụ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế, khoa học công nghệ trong nước và quốc tế. Đây sẽ là trung tâm nghiên cứu ứng dụng nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho người bệnh trong và người nước với trọng tâm là sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ 4.0.

50% người bị đột quỵ được cứu sống nhờ trí tuệ nhân tạo ảnh 1

Trung tâm nghiên cứu và phát triển là nền tảng quan trọng phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM

Dẫn chứng cho tính hiệu quả và lợi ích rất lớn của công nghệ trong y tế, TS.BS Báu cho biết, chỉ riêng bệnh lý đột quỵ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp mở rộng thời gian vàng trong can thiệp cho người bệnh từ 6 giờ lên 24 giờ. Khoảng 50% bệnh nhân được sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán, điều trị đột quỵ quá thời gian vàng trước đây, nay đã được cứu sống. “Trí tuệ nhân tạo tưởng như cao siêu nhưng thực tế lại rất đơn giản và hiệu quả. Việc đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh” – BS Báu nói.

Cũng theo BS Báu, trong các chuyên khoa nói chung nếu bác sĩ chẩn đoán độ chính xác chỉ đạt khoảng 92%, khi phối hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán, độ chính xác được nâng lên tới 98%. Với hiệu quả thực tế trên, Trung tâm Nghiên cứu phát triển sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trở thành nơi tích hợp dữ liệu lớn (big data) là nguồn dự trữ, xử lý số liệu làm nền tảng phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong y tế phục vụ người bệnh.

50% người bị đột quỵ được cứu sống nhờ trí tuệ nhân tạo ảnh 2

Trung tâm Nghiên cứu phát triển sẽ là nơi ứng dụng, đào tạo, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực y tế

Bên cạnh đó, trung tâm sẽ phối hợp với các trường đại học khối chuyên ngành sức khỏe và khối khoa học, kỹ thuật đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các phần mềm ứng dụng, hệ thống robot vào chăm sóc bệnh nhân, ứng dụng robot trong phẫu thuật để giảm thiểu đến mức tối đa sang thương, xâm lấn, tai biến cho người bệnh. Đây cũng sẽ là nơi đào tạo cho cán bộ y tế sau đại học, truyền thông sức khỏe đến cộng đồng, huấn luyện chuyển giao chuyên môn kỹ thuật cho tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

50% người bị đột quỵ được cứu sống nhờ trí tuệ nhân tạo ảnh 3

Nhân viên y tế đang thực hành siêu âm trên mô hình tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Văn Xồi, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Sở Y tế TPHCM kỳ vọng, Trung tâm Nghiên cứu phát triển tại Bệnh viện Nhân Dân 115 sẽ là mũi nhọn tiên phong để đưa ngành y tế TPHCM trở thành trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực.

MỚI - NÓNG