Trong cuốn sách Teaching a Stone to Talk (tạm dịch: Dạy một viên đá biết nói chuyện), tác giả Annie Dillard tiết lộ một câu chuyện buồn nhưng rất thấm thía. Bà kể về cuộc thám hiểm Bắc Cực của người Anh, khởi hành vào năm 1845, nhằm vẽ hải đồ cho tuyến đường phía Tây Bắc, vòng qua Bắc Cực gần Canada, tới Thái Bình Dương. Có hai chiếc tàu cùng 138 người lên đường thám hiểm nhưng thật không may, không có ai trở về.
Tác giả Dillard cho rằng, Thuyền trưởng Sir John Franklin chuẩn bị cho chuyến thám hiểm như thể họ lên đường đi một chuyến du lịch cho vui, chứ không phải là một cuộc hành trình cực kỳ vất vả, gian khổ, xuyên qua một trong những vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất trên Trái Đất. Ông mở một thư viện trên tàu với 1.200 đầu sách, một chiếc đàn hộp, bát đĩa bằng sứ sang trọng cho tất cả mọi người, những chiếc ly uống rượu xa xỉ và dao thìa dĩa bằng bạc, được thiết kế rất đẹp đẽ và tinh xảo. Nhiều năm sau, một số đồ dùng này được tìm thấy gần một cụm những xác người đã bị xẻ nát và đóng băng.
Cuộc hành trình đã thất bại khi hai con tàu đi vào vùng nước lạnh buốt và bị mắc kẹt trong băng. Đầu tiên, băng giá phủ lên những boong tàu, những cột buồm, những dây chằng. Rồi nước đóng băng quanh những bánh lái và hai con tàu bị mắc kẹt một cách vô vọng giữa đại dương lúc này cũng hóa thành băng.
Các thủy thủ rời tàu, đi tìm sự giúp đỡ. Lúc này, có lẽ họ cũng không còn tỉnh táo, do nhiễm độc chì từ những hộp đựng thực phẩm mang theo. Thế rồi, họ nhanh chóng bị đánh gục bởi thời tiết khủng khiếp ở Bắc Cực và họ chết do chẳng có chỗ nào trú chân trước những cơn gió mạnh giá buốt cùng mức nhiệt độ xuống âm. Trong suốt 20 năm sau, những gì còn lại của chuyến thám hiểm được tìm thấy rải rác ở khắp vùng đất đóng băng đó.
Dillard viết lại rằng, đoàn thám hiểm đã không chuẩn bị đầy đủ cho cái lạnh hay cho khả năng (chắc chắn) rằng, hai con tàu sẽ kẹt trong băng. Trong một chuyến đi sẽ kéo dài hai đến ba năm, mà họ lại chỉ mang theo những bộ đồng phục Hải quân và thuyền trưởng thì chỉ mang theo lượng than đủ dùng trong 12 ngày. Cuối cùng, cái xác đóng băng của một sĩ quan cũng được tìm thấy, cách con tàu nhiều dặm. Ông ấy vẫn mặc bộ đồng phục màu xanh trang trọng, viền bằng lụa, một chiếc áo khoác to cũng màu xanh và khăn quàng cổ cũng bằng lụa – loại trang phục rất quý phái và sang trọng nhưng tuyệt đối không phù hợp.
Nhiều nhà sử học có thể nghi ngờ về tính xác thực của một chuyến đi được chuẩn bị yếu kém đến như thế. Nhưng điều quan trọng với chúng ta là câu hỏi: Liệu chúng ta có luôn chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình mà chúng ta gọi là “cuộc sống”?
Tôi thì muốn càng sẵn sàng càng tốt cho bất kỳ điều gì ở phía trước, theo nhiều cách:
1. Về tình cảm: Tôi không cần quá nhiều người ở bên cạnh nhưng tôi muốn ở bên một số người thực sự biết quan tâm. 2. Công việc và tài chính: Tôi muốn làm việc chăm chỉ, sống tiết kiệm và giúp đỡ người khác khi có thể. 3. Về tinh thần: Tôi tập giữ tâm trí bình tĩnh và tâm thế bình thản, như thế thì tôi có thể đối diện với hầu hết mọi chuyện. 4. Trí tuệ và cơ thể: Ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên cả thể chất lẫn trí óc để cơ thể vận hành tốt hơn. 5. Thái độ sống: Luôn giữ thái độ tích cực và biết ơn. Đó là điều mỗi chúng ta đều tự kiểm soát được. 6. Cảm xúc: Ai cũng có thể lựa chọn cách mình phản ứng trong mỗi trường hợp. |
Chừng nào chúng ta còn sống thì hành trình của chúng ta còn tiếp tục. Và trong phần lớn thời gian thì thành công của cuộc hành trình đó sẽ được quyết định bằng sự chuẩn bị đều đặn và có hệ thống của chúng ta.
Tôi luôn muốn mình sẵn sàng như thế, còn bạn thì sao?