7 năm luyện tập và 8 phút tỏa sáng

TP - Tiết mục “Đu son” của Việt Nam được xướng tên ở giải thưởng “Vương miện Vàng” danh giá tại Liên hoan quốc tế Công chúa xiếc diễn ra tại Nga vào cuối tháng 10/2022 vừa qua. Ít ai biết, để có được 8 phút tỏa sáng trên sân khấu, 2 nghệ sĩ Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng đã phải miệt mài 7 năm luyện tập và hơn 20 năm nỗ lực theo nghề.

“Mang chuông đi đánh xứ người”…

“Khi nghe Ban tổ chức xướng tên “Đu Son Việt Nam” thì tim tôi như ngừng đập. Cảm xúc vỡ oà, nước mắt cứ trào ra. Rồi chúng tôi ôm lấy nhau...”, Phạm Hướng nhớ lại. “Vỡ oà, vui sướng, không thể tưởng tượng được” - Hồng Thúy chia sẻ thêm... Tất cả xúc cảm đó, dường như vẫn còn nguyên vẹn với 2 cô gái tài năng vừa mang vinh quang về cho Xiếc Việt.

Một ngày cuối tháng 10 tại thành phố Saratov (Nga). Trên sân khấu tròn, âm nhạc bắt đầu vang lên. Nghệ sĩ Hồng Thúy xuất hiện bên đạo cụ hình khóa son lớn treo lơ lửng giữa không trung. Nghệ sĩ Phạm Hướng vừa tạo dáng vừa kéo đàn vĩ cầm. Tiếng nhạc cao trào, khóa son được kéo dần lên cao, Thúy lập tức leo lên khóa son, nhanh chóng treo ngược người và nắm tay Hướng kéo lên. Hướng uyển chuyển nhào lộn người ở tư thế ngược, say sưa chơi đàn ở độ cao gần chục mét so với mặt đất. Chiếc khóa son vẫn quay tròn quanh sân khấu, tốc độ ngày càng tăng dần.

Âm nhạc càng sôi động, tiết tấu biểu diễn càng nhanh hơn. Hai nữ nghệ sĩ liên tục di chuyển thoăn thoắt trên khóa son với những tạo hình mềm mại, đẹp mắt. Khán giả vừa mãn nhãn, vừa ồ lên thót tim với nhiều chuỗi động tác có độ mạo hiểm cao. Ví như lúc Thúy dốc ngược người móc một chân vào khóa son, dùng răng cắn vào một đầu đạo cụ để đỡ toàn bộ cơ thể Hướng, trong khi ở phía dưới Hướng cũng đang dốc ngược người móc chân vào một đầu đạo cụ còn lại, thực hiện những động tác xoay tròn nhanh trên không.

Hồi hộp nhất là khi các nữ nghệ sĩ liên tiếp đẩy, thả và bắt nhau trên không hoàn toàn bằng tay và chân. Màn kết đầy cao trào khiến cả khán đài như nín thở khi Thúy treo ngược người, dùng răng cắn lấy đạo cụ được móc vào tóc của Hướng, tác động lực để Hướng xoay tròn 360 độ liên tục trên không với độ văng mạnh… Tiết mục kết thúc, cả đoàn giám khảo quốc tế cùng khán giả có mặt đều phải đứng lên vỗ tay đầy cảm xúc.

7 năm luyện tập và 8 phút tỏa sáng ảnh 1

Tiết mục “Đu son” của nghệ sĩ Phạm Hướng và Hồng Thúy giành giải Vàng tại Liên hoan quốc tế Công chúa xiếc 2022 diễn ra tại Nga

Là trưởng đoàn kiêm tác giả, đạo diễn của tiết mục, Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng cho hay: Tiết mục “Đu son” được bạn bè quốc tế đánh giá cao vì có động tác khó, kỹ thuật điêu luyện, đòi hỏi diễn viên phải biến hóa liên tục. Sự kết hợp giữa kỹ thuật, nghệ thuật, âm nhạc và phong cách biểu diễn trong tiết mục đã để lại ấn tượng cho khán giả và Ban Giám khảo ngay từ phút diễn đầu tiên. “Tiết mục hoàn toàn không sử dụng dây bảo vệ, tính mạo hiểm rất cao nên đòi hỏi sự chuẩn xác của các động tác kỹ thuật phải gần như tuyệt đối. Có những động tác với đu tĩnh đã khó, để thực hiện với đu động như này càng khó hơn.”- Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhận định.

Đây cũng là giải Vàng quốc tế đầu tiên trong lịch sử xiếc Việt có được từ nước Nga - nơi được coi là cái nôi của xiếc chuyên nghiệp. Trước đó, tiết mục “Đu son” cũng từng giành giải thưởng Huy chương Bạc Liên hoan Xiếc quốc tế 2019.

Mồ hôi, nước mắt và… máu

7 năm luyện tập và 8 phút tỏa sáng ảnh 2

Hai nghệ sĩ chụp ảnh kỷ niệm tại Lễ trao giải cùng NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam.

Nhìn hai nữ nghệ sĩ xiếc Việt Nam nhỏ nhắn nhưng lại có thể vừa tạo dáng trên không vừa nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của bản thân cùng bạn diễn bằng một chân, thậm chí bằng răng hay bằng tóc khiến tất cả người xem không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ. “Thật sự phải đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt, và cả máu”- Phạm Hướng nói về những ngày tháng chị cùng bạn diễn phải tập luyện khổ cực để có được 8 phút cháy hết mình và tỏa sáng trên sân khấu quốc tế.

Cùng sinh năm 1990, Chu Hồng Thúy làm quen với xiếc từ năm 11 tuổi, còn Phạm Thị Hướng đến với xiếc từ năm 13 tuổi. Cuối năm 2015, họ chính thức luyện tập cùng nhau. “Để có thể kết hợp nhuần nhuyễn, chúng tôi phải tập riêng những kỹ thuật đơn lẻ, làm quen với đạo cụ sao cho có thể nắm bắt, di chuyển cùng đạo cụ một cách thuần thục nhất. Sau đó thì mới tập ghép với nhau. Chẳng hạn, người làm con quay phải làm thật tốt kỹ thuật quay chân mới có thể ghép được với người làm trụ khi trụ treo ở bên trên tạo đà”, Phạm Hướng chia sẻ.

Một tiết mục có thời lượng chỉ 7-8 phút nhưng lại tổng hòa nhiều kỹ thuật khó. Thời gian thực hiện mỗi kỹ thuật khó không tính bằng tháng mà đôi khi phải hàng năm trời. “Có khi hôm nay làm được nhưng hôm sau lại mất cảm giác, phải tập lại, hoặc nhiều khi tập đơn lẻ đã ổn nhưng ghép với nhau lại không ăn khớp”, Hồng Thúy cho biết thêm.

Để có được màn biểu diễn xuất sắc với những cú bắt tay chuẩn xác, những pha đu, thả chuyên nghiệp trên sân khấu như hôm nay, cả hai nghệ sĩ trẻ đã luôn phải thử nghiệm, tìm những đạo cụ mới, làm thế nào để cả hai kết hợp ăn ý, rồi hòa quyện với âm nhạc, vũ đạo… Cũng vì đó, không ít lần Hướng và Thúy phải đối mặt với chấn thương, những cú ngã đau đớn từ trên cao do bản thân hay bạn diễn sơ sẩy trong tích tắc.

“Những lần bị đạo cụ mài, miết vào tay chân gây chảy máu thì không đếm xuể. Hoặc bị dây thắt vào chân đến bầm tím là chuyện bình thường. Hồi mới tập, có lần, tôi quấn tay vào dây lụa, Hướng nắm vào dây để tôi kéo Hướng lên. Nhưng do sơ sẩy, tôi đã để dây lụa bị tuột và Hướng ngã xuống dưới rất đau. Lúc đó tim tôi như ngừng đập. Từ đó về sau, tôi không cho phép mình quên kỷ niệm ấy, để luôn nhắc nhở bản thân phải cẩn thận, không được phép để sai sót xảy ra lần nữa”, Hồng Thúy xúc động nhớ lại.

Cùng trải qua nhiều năm chia ngọt sẻ bùi trên sàn tập và sân khấu, Thúy và Hướng thân thiết với nhau như chị em. Đều đã có gia đình riêng và không còn ở độ tuổi hoàng kim của nghề xiếc, nhất là Phạm Thị Hướng đã quay lại luyện tập sau thời gian nghỉ sinh, nhưng cả hai nghệ sĩ trẻ vẫn sắp xếp để tập luyện cùng nhau hàng ngày. Nắng cũng như mưa, hôm tờ mờ sáng, hôm tranh thủ giờ nghỉ trưa, hôm lại tối muộn. Tiết mục “Đu son” bắt buộc phải tập ở sân khấu với đủ đạo cụ nên 2 cô gái phải tranh thủ mọi lịch trống trong ngày để tập.

Hiện tại, cùng với “Đu son”, hai nữ nghệ sĩ còn tham gia vào nhiều tiết mục đu cao của Liên đoàn Xiếc Việt Nam như: “Đu nón” bốn nữ, “Đu sen” bốn nữ. Đây cũng là những tiết mục đã giúp họ gặt hái nhiều giải Vàng, Bạc ở các cuộc thi, liên hoa xiếc chuyên nghiệp trong nước. “Chúng tôi sẽ tiếp tục luyện tập, nghiên cứu để nâng cao sức hấp dẫn của các tiết mục theo định hướng của lãnh đạo Liên đoàn. Cũng có những lúc đau quá, vừa khóc vừa muốn bỏ cuộc. Nhưng tình yêu nghề vẫn còn nên chúng tôi lại nắm tay nhau đứng dậy tập tiếp”, nghệ sĩ Phạm Hướng cười thổ lộ.

Chu Hồng Thúy phải mang vết chai sần thâm đen vòng quanh cổ chân cô sau nhiều năm luyện tập, hay thời gian đầu mới tập động tác cắn răng treo người, toàn bộ phần hàm của cô đau nhức tới tận óc, thậm chí còn không muốn mở miệng nói hay nhai. Còn Phạm Hướng, khi tập treo người bằng tóc, mỗi buổi tập là nước mắt nước mũi chảy giàn giụa, khi thả tóc ra cả mảng da đầu sưng đỏ vì tụ máu, nhức buốt nhiều ngày. Nhiều hôm trời lạnh, Hướng cũng phải nhúng đầu làm ướt tóc để bảo đảm tóc được búi thành khối chắc chắn…