Trong kế hoạch, UBND TP. HCM nêu rõ cần tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản việc xây dựng xã hội học tập trong năm 2023. Bảo đảm mục tiêu đến năm 2030, mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, hiện đại, góp phần phát triển nguồn nhân lực.
Đối với các cơ sở giáo dục, 70% trường đại học trên địa bàn triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 40% trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 100% trung tâm học tập cộng đồng trang bị máy tính kết nối mạng.
TP. Thủ Đức và các quận, huyện có ít nhất một trung tâm học tập cộng đồng làm điểm để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin.
Mô hình công nghệ được áp dụng trong "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại ĐHQG TP. HCM. |
Ngoài ra, TP. HCM cũng phấn đấu xây dựng các mô hình học tập trong xã hội. Cụ thể, 60% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 55% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập; 55% cộng đồng (tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 60% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn phường, xã, thị trấn được công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”...
Đặc biệt, TP. HCM đặt mục tiêu trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, UBND TP. HCM yêu cầu các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa.
TP. HCM sẽ thực hiện đề án thành phần “Xây dựng kho học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt thời trên hệ sinh thái truyền hình giáo dục Việt Nam”, xây dựng “Mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030”.