8 máy bay cá nhân ở Việt Nam do ai sở hữu?

TPO - Theo Cục Hàng không Việt Nam, tới nay tất cả máy bay phục vụ cá nhân kể trên đều thuộc sở hữu của các công ty hàng không chung để cho cá nhân thuê, hiện không có cá nhân nào ở Việt Nam sở hữu máy bay riêng .

Trong dự thảo báo cáo tổng kết Luật Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông vận tải đánh giá, thời gian qua, do tác động của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không thường lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam, nước ngoài giảm. Thay vào đó, nhu cầu sử dụng máy bay tư nhân tăng mạnh nhằm phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, thói quen sử dụng máy bay cá nhân dần được hình thành và nhu cầu tiếp tục tăng tại Việt Nam.

Trong tổng số 45 máy bay tại Việt Nam được cấp phép hoạt động hàng không chung, chỉ có 8 máy bay phục vụ nhu cầu đi lại của cá nhân, số lớn còn lại phục vụ các nhu cầu dịch vụ dàn khoan, bay du lịch, bay khảo sát…

8 máy bay cá nhân ở Việt Nam do ai sở hữu? ảnh 1

Hiện Việt Nam không có cá nhân nào sở hữu máy bay riêng do việc cấp phép bay còn nhiều rào cản. Trong ảnh là thủy phi cơ của hãng hàng không Hải Âu phục vụ bay du lịch (Ảnh: PT).

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tới nay tất cả máy bay phục vụ cá nhân kể trên đều thuộc sở hữu của các công ty hàng không chung để cho cá nhân thuê, hiện không có cá nhân nào ở Việt Nam sở hữu máy bay riêng.

Trước đó, Việt Nam có một số cá nhân sở hữu máy bay riêng, như ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát, ông Trịnh Văn Quyết (thời kỳ làm lãnh đạo FLC)…

Theo các chuyên gia hàng không, một trong những hạn chế khiến việc sở hữu và khai thác máy bay riêng, cũng như phát triển hàng không chung còn hạn chế (ở Việt Nam) liên quan tới quy định cấp phép bay. Khi mỗi chuyến của máy bay riêng hay bay khai thác hàng không chung đều phải xin cấp phép riêng. Rào cản thủ tục này khiến hoạt động của máy bay riêng ở Việt Nam chưa phát triển, muốn bay gấp lại phải chờ (để đi xin phép cất cánh).

Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện bộ đã cấp 6 giấy phép kinh doanh hàng không chung cho các công ty cổ phần hàng không: Hải Âu, Hành Tinh Xanh, Bầu Trời Xanh, Lưỡng dụng Ngôi sao việt, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Công ty TNHH Sun Air.

Cùng đó, Bộ Giao thông vận tải cấp 4 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại, cho các công ty: Vietjet, Hải Âu, HAV Aviation, Trường hàng không New Zealand.

Đánh giá về phát triển hàng không chung thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, loại hình này đã dần phát triển và đa dạng dịch vụ hơn. Từ khởi điểm chủ yếu phục vụ mục đích tham quan, ngắm cảnh, chụp ảnh, khảo sát địa chất, bay dầu khí… tới nay đã phát triển thêm các dịch vụ bay tư nhân, du lịch, công vụ và đào tạo phi công. Các loại máy bay cũng đa dạng hơn, không chỉ có trực thăng, đã phát triển thêm thuỷ phi cơ, chuyên cơ hạng sang…

MỚI - NÓNG