Nhà đầu tư thiếu năng lực
Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình của Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa, thuộc Tập đoàn Dohwa (Hàn Quốc) được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 8/4/2016, với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng (tương đương 11 triệu USD). Dự án được xây dựng trên diện tích 3ha, dự kiến đến quý 2/2017 đưa vào vận hành, công suất cao nhất đạt 200.000 tấn viên nén/năm.
Dự án chỉ là bãi đất trống với 1 ngôi nhà 2 tầng. |
Từ năm 2016 đến nay, dự án viên nén Dohwa chỉ xây một ngôi nhà 2 tầng, phần hàng rào chưa hoàn thiện, diện tích đất còn lại để cho cỏ mọc và người dân đổ trộm rác và xà bần. Từ năm 2017 (năm cam kết nhà máy đi vào hoạt động) đến nay, Dohwa đã xin gia hạn đến 5 lần và dự án vẫn “án binh bất động”, khu đất được cho là “kim cương” trong Khu kinh tế Hòn La cỏ vẫn mọc, trâu bò vẫn chăn thả như bãi đất hoang vô chủ.
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 6538382480, chứng nhận lần đầu ngày 8/4/2016, mức đầu tư 240 tỷ đồng được cam kết là 100% vốn chủ sở hữu, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn: Đến nay, vốn chủ sở hữu đã góp theo báo cáo tài chính 50,354 tỷ đồng (chiếm 21% tổng vốn đầu tư đăng ký); đã đầu tư thực tế vào dự án 17 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mới đây trong hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Dohwa thay đổi vốn chủ sở hữu từ 100% xuống còn 20%, số còn lại 80% đi vay ngân hàng trong nước. Động thái này khiến dư luận nghi ngờ về năng lực tài chính của Tập đoàn Dohwa.
Dự án làm nơi đổ trộm rác thải và xà bần. |
Bỗng dưng “quay xe”?
Ngày 22/2/2024, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình có công văn gửi Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo và đề xuất hướng xử lý đối với dự án viên nén năng lượng Dohwa.
Công văn có đoạn viết: “Tại buổi làm việc, nhà đầu tư đề xuất mong muốn được tiếp tục gia hạn tiến độ để có cơ hội thực hiện dự án. Tuy nhiên, xét thấy đề xuất của nhà đầu tư không thuộc trường hợp quy định điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án nêu trên của Luật Đầu tư, Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế sẽ xem xét chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của pháp luật và báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chủ trương trước khi thực hiện. Trường hợp dự án bị thu hồi thì nhà đầu tư chấp nhận thực hiện các thủ tục chấm dứt dự án theo quy định của pháp luật”.
Ngày 11/3/2024, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình báo cáo và xin ý kiến xử lý dự án viên nén Dohwa.
“Sau khi xem xét báo cáo đề xuất của BQL Khu kinh tế; thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thống nhất theo báo cáo của BQL Khu kinh tế và báo cáo đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương về việc chấm dứt dự án nêu trên” - công văn viết.
Rác thải trên phần đất dự án viên nén của Dohwa. |
Tuy nhiên, mới đây BQL Khu kinh tế Quảng Bình lại “quay xe” bằng một công văn khác gửi UBND tỉnh Quảng Bình ký ngày 17/6/2024.
Công văn này cho rằng, dự án viên nén năng lượng Dohwa có vốn đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc) của Tập đoàn Dohwa Engineering có dự án đầu tư Nhà máy điện mặt trời (Lệ Thủy) đang hoạt động tại Quảng Bình. Vì vậy, BQL Khu kinh tế báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình cho chủ trương về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình theo đề nghị của nhà đầu tư.
Sáng 25/6, PV Tiền Phong đặt câu hỏi về việc "quay xe" liên quan đến dự án viên nén Dohwa, ông Phan Văn Thường - Giám đốc BQL Khu kinh tế Quảng Bình - từ chối trả lời vì các cấp có thẩm quyền đang xem xét, xử lí. Ông Thường cũng khẳng định không có áp lực nào đó buộc ông phải "quay xe".
Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình - cho PV Tiền Phong biết ông là người ký công văn gửi Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình về việc xin ý kiến không gia hạn cho dự án viên nén Dohwa. Hiện ông chưa nhận được công văn đề xuất xin gia hạn cho dự án viên nén Dohwa. Nếu có công văn đó, ông vẫn bảo luuw ý kiến là không thể tiếp tục gia hạn cho Dohwa, vì Luật Đầu tư không cho phép.