90% sừng tê giác ở Việt Nam là sừng trâu

Các đại sứ thiện chí có mặt trong buổi lễ bắt tay khẳng định quyết tâm hành động vì tê giác.
Các đại sứ thiện chí có mặt trong buổi lễ bắt tay khẳng định quyết tâm hành động vì tê giác.
TPO - Giám đốc Điều hành Tổ chức WildAid, ông Peter Knights, cho biết, hơn 90% lượng sừng tê bán tại Việt Nam thực chất là sừng trâu hoặc các loại sừng khác.    

Ngày 3/3, tại Khách sạn Sheraton Hà Nội, diễn ra lễ công bố chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê” nhằm nâng cao ý thức về nạn săn bắn tê giác và kêu gọi người dân không tiêu thụ các sản phẩm này vì “Không có người mua - Không còn kẻ giết”. 

Các đại sứ thiện chí, gồm: nhạc sĩ Quốc Trung, Đỗ Bảo, MC Anh Tuấn, diễn viên Hồng Ánh, nghệ sỹ Minh Trang, Hoa hậu Thu Thủy, ca sĩ Đức Tuấn và Lê Cát Trọng Lý, tham gia buổi lễ, đã kêu gọi người dân không tiêu thụ các sản phẩm sừng tê giác vì “Không có người mua - Không còn kẻ giết”.

Các nghệ sỹ này sẽ cùng ca sỹ Mỹ Tâm, Tùng Dương, diễn viên Johnny Trí Nguyễn, Á hậu Quý bà thế giới Thu Hương, Hoa hậu Thu Thảo, MC Phan Anh, Golf thủ Trần Lê Duy Nhất sẽ sánh vai diễn viên Thành Long, ngôi sao bóng rổ Yao Ming (Diệu Minh) và nữ diễn viên gốc Việt Maggie Q (Lý Mỹ Kỳ) trong chiến dịch quốc tế “Chấm dứt sử dụng sừng tê”.

Chương trình do Tổ chức WildAid (Cứu trợ Hoang dã), African Wildlife Foundation (Quỹ Hoang dã Phi Châu) và Trung tâm CHANGE phối hợp thực hiện.

90% sừng tê giác giả

Giám đốc Điều hành Tổ chức WildAid, ông Peter Knights cho biết: “Mặc dù hơn 90% lượng sừng tê bán tại Việt Nam thực chất là sừng trâu hoặc các loại sừng khác, nhưng chỉ cần 10% lượng tiêu thụ đã có thể tác động rất lớn đến sự tồn vong của loài vật này, lại vừa không có lợi cho sức khỏe. Người dân cần thấy được rằng vấn nạn kinh hoàng này phát sinh từ chính niềm tin hoang đường của mình”.

"Sừng tê giác về cơ bản chỉ chứa keratin, một loại protein tìm thấy trong móng tay và tóc người. Không có bằng chứng chứng minh chúng có thể chữa khỏi hoặc giúp thuyên giảm các chứng bệnh. Tất cả những niềm tin sai lầm đó đã dẫn đến tình trạng thảm sát tê giác trên khắp thể giới trong những năm gần đây”, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm CHANGE khẳng định.

Nạn săn bắn tê giác đã tăng kỷ lục với 1.004 cá thể bị giết để lấy sừng được ghi nhận tại Nam Phi trong năm 2013.

Báo cáo mới nhất của Bộ Môi trường Nam Phi cho biết đến hết ngày 26/02/2014 đã có ít nhất 146 tê giác đã bị giết hại, một sự tương phản quá lớn so với con số 13 cá thể bị giết trong cả năm 2007.

MỚI - NÓNG