Alo! Tiền Phong xin nghe!

0:00 / 0:00
0:00
TP - LTS: Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày báo Tiền Phong ra số đầu tiên (16/11/1953 - 16/11/2023), từ hôm nay, báo Tiền Phong sẽ chạy chuyên trang hướng đến sự kiện trọng đại này của báo. Những tâm tư, tình cảm, ký ức, cảm xúc của người Tiền Phong như những mảnh ghép làm nên thương hiệu Tiền Phong 70 năm qua sẽ được chuyển tải đến bạn đọc như một sự bày tỏ, như một sự tri ân với tất cả sự yêu thương chân thành và cống hiến.

“Xe taxi che biển số đang đỗ kín cổng bệnh viện Bạch Mai. Nếu có bệnh nhân bị mắc COVID-19 bắt xe đi, làm sao truy vết được! Các anh phải làm sao có cảnh báo ngay!”. Đó là thông tin đầu tiên tôi nhận được khi nhận nhiệm vụ trực đường dây nóng của báo Tiền Phong.

Những thông tin điều tra độc quyền

Cuộc gọi đến đó diễn ra vào khoảng giữa tháng 5/2020, khi dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh. Đầu dây bên kia xưng là người dân đến khám bệnh, phát hiện la liệt xe taxi che biển số đỗ kín cổng bệnh viện Bạch Mai để đón bệnh nhân. Thời điểm đó, Bệnh viện Bạch Mai từng là ổ dịch với nhiều ca mắc COVID-19. Nếu xảy ra trường hợp người bị mắc COVID-19 di chuyển bằng taxi che biển số này thì việc truy tìm đường đi của ca nhiễm (cách làm phổ biến lúc đó) sẽ rất khó khăn.

Tình trạng xe taxi đỗ kín cổng Bệnh viện Bạch Mai chờ đón khách, gây ùn tắc giao thông không mới. Nhưng, điểm mới trong cuộc gọi đó là: Để qua mặt lực lượng chức năng, vô hiệu hóa công cụ camera giám sát gần đó, nhiều taxi che, làm mờ biển số… như trên. Trong bối cảnh COVID-19 căng thẳng, việc truy vết được coi là giải pháp sống còn thì thông tin đó quả là cấp bách.

Tôi lập tức báo cáo lãnh đạo Ban Bạn đọc là nhà báo Hồ Sỹ Lực và anh Lực giao luôn cho tôi xuống hiện trường ghi nhận. Thông tin đúng như những gì bạn đọc phản ánh. “Taxi ‘biến hóa’ biển số, công khai đón khách sai quy định ở Hà Nội” là tiêu đề bài phản ánh ngay hôm đó. Sau khi báo Tiền Phong nêu, nhận thấy vấn đề nghiêm trọng, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội lập tức ra quân xử lý. Những thông tin sau đó về vấn đề này được Tiền Phong bám sát, cập nhật liên tục, thường xuyên.

Alo! Tiền Phong xin nghe! ảnh 1

Hình ảnh phóng viên ghi lại được từ sự việc thu tiền chênh khi làm căn cước công dân gắn chíp tại Hưng Yên năm 2021

Rất may, thời điểm đó không có bệnh nhân mắc COVID-19 nào đi trên những chuyến taxi này. Tình trạng đậu đỗ đón khách trên đã chấm dứt trong thời gian dài. Tuyến bài này đã được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trao giải B giải Báo chí viết về ngành Giao thông vận tải năm đó.

Tháng 4/2021, khi đó, người dân cả nước thực hiện việc đổi căn cước công dân gắn chíp theo quy định mới. Mức phí để chi trả cho mỗi căn cước được cấp đổi đã được quy định rõ ràng. Thế nhưng một số nơi vẫn có tiêu cực, một số cán bộ mập mờ thu phí cao hơn quy định. Tối 9/4 một cuộc điện thoại gọi đến đường dây nóng của báo Tiền Phong xưng là người dân ở xã Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) phản ánh, trong quá trình làm căn cước gắn chip (thay thế CMTND và căn cước cũ) bị thu phí cao hơn nhiều lần so với quy định, không có phiếu thu... Chỉ trong mấy ngày, hàng nghìn người dân đã bị thu chênh với số tiền rất lớn. Người dân phát hiện và phản ánh sự việc và “mời nhà báo xuống tìm hiểu thực tế”.

Điện thoại với các tính năng, ứng dụng công nghệ chính là công cụ kết nối, tương tác nhanh, nhạy, gần gũi giữa toà soạn báo và bạn đọc. Dĩ nhiên, các thông tin đến đường dây nóng bằng cuộc gọi điện thoại, qua ứng dụng zalo, facebook, viber bất chợt đến lúc sáng sớm, hay lúc nửa đêm, cá nhân tôi và những cán bộ ở Ban Bạn đọc sẽ tiếp tục thay mặt báo tiếp nhận. Sau mặt báo, những người trực đường dây nóng luôn “nóng” với việc giải quyết thông tin và hồi đáp lại bạn đọc. Và để duy trì, chúng tôi hiểu rằng, những người làm công tác bạn đọc phải có trái tim nóng, cái đầu lạnh và đôi chân dẻo dai để đối diện với những tình huống phức tạp, căng thẳng cả về thể xác lẫn tinh thần…

Thông tin này được chuyển tới lãnh đạo Ban Bạn đọc và Ban Biên tập. Ít phút sau, lãnh đạo Ban Bạn đọc chỉ đạo tôi liên lạc lại với bạn đọc để hẹn xuống tìm hiểu thực tế. Cũng lường trước được đây là vụ việc nhạy cảm, lại ở địa bàn khá phức tạp (với nhà báo) vì đã có nhiều nhà báo bị hành hung tại khu vực này, lãnh đạo Ban Bạn đọc cử thêm nhà báo Kiến Nghĩa (một phóng viên kỳ cựu, đã kinh qua nhiều điểm nóng, phức tạp ở Thái Bình, Thanh Hoá) đi cùng để hỗ trợ nếu có khó khăn. Sau cả ngày vào vai người dân, chúng tôi đã ghi lại đầy đủ quy trình cấp đổi căn cước và thu tiền sai quy định của những nhân viên tại đây.

Sự việc được báo cáo về và Ban Biên tập quyết định đăng tải. Sau khi bài xuất bản, người thực hiện bài viết tiếp tục làm việc với các cơ quan công an và ngành chức năng tỉnh Hưng Yên để làm rõ những người vi phạm và xử lý… Sau những bài báo trên, việc thu phí trái quy định khi đổi căn cước công dân gắn chíp đã chấm dứt không chỉ ở Văn Giang (Hưng Yên) mà trên cả nước.

Những cuộc gọi lúc nửa đêm

Gần đây, vào lúc chỉ ít phút nữa là đúng 12 giờ đêm, một cuộc gọi của bạn đọc ở miền Nam, giọng ngập ngừng. Sau khi trao đổi, người này phản ánh một đường dây tái chế dầu thải gây ô nhiễm môi trường quy mô lớn, muốn tòa soạn cử phóng viên từ ngoài Bắc vào điều tra. Bạn đọc này tỏ ra khá thận trọng và sau đó đề nghị giấu thông tin cá nhân vì đã cung cấp nội dung này cho một số cơ quan nhưng không thấy xử lý mà bản thân ông lại bị một số đối tượng đe dọa… Thông tin trên sau đó được báo cáo lãnh đạo Ban Bạn đọc và Ban Biên tập. Sau khi nhận được chỉ đạo cụ thể, phóng viên Ban Bạn đọc lên kế hoạch điều tra và phối hợp với phóng viên báo Tiền Phong tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức triển khai và lật tẩy các vi phạm. Vụ việc sau đó đã được Tiền Phong phanh phui trên mặt báo, các cơ quan chức năng đang rốt ráo vào cuộc kiểm tra xử lý.

Trực đường dây nóng, việc nhận các cuộc gọi lúc nửa đêm như vậy là chuyện thường. Có khi, đó là một cuộc gọi từ nước ngoài về nhưng không thấy người gọi nói chuyện. Có cuộc gọi lúc 2h sáng với lời chào trầm buồn: “Tôi có việc bức xúc quá, không thể chờ đến sáng được!”. Hỏi mãi, người này này mới thốt rằng, đó là việc tranh chấp đất của 4 anh em trong gia đình. Rồi có những cuộc gọi từ tờ mờ sáng vì “nhầm số”, hay hỏi đây có phải là số của nơi bán cái này cái kia không (Những cuộc gọi dạng này thường xuất hiện khi báo có những tuyến bài điều tra, đấu tranh chống tiêu cực). Cũng có những cuộc gọi chỉ để hỏi thông tin một ca sĩ, một người đẹp. Có những cuộc gọi chỉ để bày tỏ sự mến mộ, quan tâm của bạn đọc với một nhân vật, một sự kiện mà báo Tiền Phong vừa đăng bài.

Alo! Tiền Phong xin nghe! ảnh 2

Đường dây nóng báo Tiền Phong

Đường dây nóng báo Tiền Phong còn nhận được các cuộc gọi kiểu “bạn đọc cùng làm báo”. Đó là những bạn đọc thân thiết, họ gọi đến để góp ý ngay với tòa soạn về thông tin, lỗi chính tả trong các tin, bài thời sự vừa đăng…

Trong suốt thời gian trực đường dây nóng, tôi nhận được rất nhiều lời khen, lời cảm ơn vì những bài viết phản ánh kịp thời về vấn đề bạn đọc quan tâm. Nhưng, cũng không ít những lần, tôi phải đón nhận những cuộc gọi, tin nhắn bức xúc, thóa mạ, thiếu văn hóa. Đơn cử, như trong làn sóng phản đối một ca sĩ ngồi ghế giám khảo một cuộc thi hoa hậu năm 2021. Đây là cuộc thi do một doanh nghiệp tổ chức, mời lãnh đạo báo Tiền Phong làm Trưởng Ban Giám khảo, bạn đọc cứ nghĩ là báo Tiền Phong chủ trì hoàn toàn nên liên tục gọi điện đến đường dây nóng của báo để chỉ trích, thậm chí văng tục chửi bới. Trước việc đó, tôi bình tĩnh tiếp nhận, thận trọng đáp lại, rồi báo cáo lãnh đạo Ban Bạn đọc, Ban Biên tập. Và sau đó, khi nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi lên tiếng giải thích rõ, những cuộc gọi điện “tra tấn” này mới chấm dứt...

MỚI - NÓNG
Anh Thạo bên mộc bản. Ảnh: Nguyễn Thắng
Kỳ nhân khắc mộc bản ở Bắc Ninh
TPO - Anh Nguyễn Văn Thạo (xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được xem là một kỳ nhân khắc mộc bản vùng đất Kinh Bắc. Nhiều năm qua, anh chuyên tâm với niềm đam mê khắc mộc bản, với mong muốn giữ lại những giá trị người xưa để lại.