Âm hưởng chuyến Chủ tịch nước thăm Áo, Italia và Vatican: Đậm màu lịch sử và ngát hương văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một hoạt động ngoại giao thuần chính trị mà thành công đã là một thành tựu lớn. Khi nó lại được lồng một cách khéo léo vào đó những yếu tố lịch sử và văn hóa nữa thì phải gọi là thắng lợi mọi mặt.

Chú ý chúng ta sẽ thấy là trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Cộng hòa Áo, Cộng hòa Italia và Vatican những ân tình lịch sử không gì bị lãng quên. Từ cả hai phía. Lãnh đạo Áo không giấu tự hào khi nhắc lại Áo là một trong những nước phương Tây đã sớm (có thể là sớm nhất - TG) thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Tháng 12 năm 1972, khi chiến sự miền Nam còn đang khốc liệt, Mỹ đang ném bom dữ dội miền Bắc và Hà Nội thì Cộng hòa Áo đã đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam cũng không bao giờ quên điều đó bởi nó làm tăng uy tín quốc tế của Việt Nam, tăng sự ủng hộ của thế giới đối với Việt Nam, nhất là ở các nước Tây Âu.

Những ân tình lịch sử giữa Italia và Việt Nam cũng được hai bên nhắc đến với sự trân trọng đặc biệt. Trong phát biểu của mình tại Quốc yến, Tổng thống Italia Sergio Mattarella nhắc lại những kỷ niệm lịch sử, bắt đầu từ năm 1973 giờ đã cách nay nửa thế kỷ, khi Italia và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lập quan hệ ngoại giao ngay sau Hiệp định Paris, tới chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam 10 năm trước (chuyến thăm mà ông nói đã tạo điều kiện để nâng quan hệ hai nước lên tầm xuất sắc) đến việc hai nước hỗ trợ nhau vắc xin và khẩu trang trong cuộc chiến chống đại dịch COVID - 19 và kết thúc bằng nhắc lại sự kiện mới gần đây: tàu tuần tra Francesco Morosini của Hải quân Italia thăm thành phố Hồ Chí Minh mà Tổng thống coi là sự thực hiện cam kết của Italia đối với tự do hàng hải trong khu vực.

Âm hưởng chuyến Chủ tịch nước thăm Áo, Italia và Vatican: Đậm màu lịch sử và ngát hương văn hóa ảnh 1

Tổng thống Italia Sergio Mattarella lên sân khấu xem các nhạc cụ dân tộc Việt Nam đàn bầu, đàn T’rưng và hỏi chuyện các nghệ sĩ. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Khi tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm vùng Tuscany và thành phố Florence, ông Eugenio Giani - Chủ tịch vùng Tuscany cũng đã nhắc lại sự kiện Thị trưởng Florence Giorgio La Pira thăm Việt Nam và gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1965 để bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến đấu giành độc lập của nhân dân Việt Nam.

Trong bài phát biểu của mình tại Quốc yến đã nói ở trên, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành hẳn một đoạn để nhắc lại những tình cảm và giúp đỡ mà Italia dành cho Việt Nam. Ông nói: “Nhân dân Việt Nam mãi ghi nhớ sự ủng hộ quý báu của nhân dân Italia đối với cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước Việt Nam. Một trong những biểu tượng của sự ủng hộ đó là con tàu hữu nghị Australe chuyển nhu yếu phẩm của nhân dân Italia giúp đỡ nhân dân Việt Nam vào cuối năm 1973, do thuyền trưởng Luciano Sossai chỉ huy xuất phát từ thành phố cảng Genoa.

Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh, Italia tiếp tục ủng hộ thông qua những dự án hỗ trợ phát triển, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Gần đây nhất, trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 bùng phát, Italia đã hỗ trợ Việt Nam gần 3 triệu liều vắc xin phòng chống COVID - 19; Việt Nam hỗ trợ Italia khẩu trang y tế. Chúng ta cùng chia sẻ khó khăn, cùng nhau vượt qua đại dịch”.

Những ân tình lịch sử và sự ghi nhớ của các bên đã luôn là và mãi sẽ là một trong các điểm tựa, bàn đạp vững chắc để quan hệ song phương tiến lên phía trước.

Âm hưởng chuyến Chủ tịch nước thăm Áo, Italia và Vatican: Đậm màu lịch sử và ngát hương văn hóa ảnh 2

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn Việt Nam thăm Nhà thờ Thánh Peter ở Vatican. Ảnh Lê Xuân Sơn

Văn hóa cũng là một yếu tố nổi bật của chuyến thăm của Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Đây là một điểm dụng công đặc biệt bởi cả ba địa chỉ đến của Đoàn gồm Áo, Italia và Vatican đều là những cái nôi của văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật, âm nhạc… châu Âu. Sự giàu có về di sản văn hóa, kiến trúc, hội họa và âm nhạc của Italia là khó có nước nào sánh kịp. Không nhiều nước có cả một chùm những nhạc sĩ thiên tài như Áo với Mozart, Haydn, Strauss... và một mức độ nào đó cả Beethoven vì bậc thầy người Đức này có giai đoạn dài sống và sáng tác nhiều ở thủ đô Vienna. Và Vatican, đầu não của một trong ba tôn giáo lớn nhất thế giới, là tôn giáo có giai đoạn khi văn hóa nghệ thuật châu Âu phát triển rực rỡ đã gắn kết bảo trợ rất nhiều cho các văn nghệ sĩ, dẫn đến những thành tựu rất lớn của họ trong nghệ thuật (mà chính sự bảo trợ đó là một trong những tác nhân thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật).

Tôi quan sát và nghĩ, có lẽ do hiểu và cảm rất sâu những đặc điểm này mà một trong những hoạt động đầu tiên của Chủ tịch nước và Đoàn Việt Nam sau khi đặt chân lên đất Áo là đến thăm Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật ở thủ đô Vienna. Có lẽ cũng chính bởi thế mà mới có việc lần đầu tiên trong một sứ mệnh ngoại giao thượng đỉnh của nguyên thủ Việt Nam ở nước ngoài có một Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (có tăng cường một số nghệ sĩ nhạc dân tộc - đàn bầu và đàn T’rưng) đi cùng đến biểu diễn các tác phẩm kinh điển của âm nhạc bác học châu Âu ở một thánh đường âm nhạc như phòng hòa nhạc Haydn-Saal trong Lâu đài cổ Esterhazy ở thủ phủ bang Burgeland, chính phòng nhạc mà Haydn vĩ đại đã chơi đàn rồi chủ trì và chỉ huy dàn nhạc trong nhiều năm trời. Cũng chính dàn nhạc bác học kết hợp dân tộc đó của Việt Nam đã chơi đầy hứng khởi trong phòng hòa nhạc của Phủ Tổng thống Italia, trước giới tinh hoa chính trị và không ít nhân vật văn hóa của đất nước của quái kiệt vĩ cầm Paganini. Chủ tịch nước và Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam dù có chương trình làm việc rất dày vẫn bố trí thời gian vào Bảo tàng Vatican và Nhà thờ thánh Peter nơi lưu giữ rất nhiều báu vật nghệ của nhân loại từ các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Hi Lạp, La Mã cho đến hiện đại, mà đặc biệt là những kiệt tác hội họa và điêu khắc thuộc về các vĩ nhân Phục hưng như Raphael de Santi, Michelangelo.

Tôi có mặt trong đoàn tùy tùng khi Chủ tịch nước đến thăm Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật ở Áo. Sau khi đón Chủ tịch nước từ ngoài cửa, giới thiệu một số tác phẩm nghệ thuật nổi bật trên lối đi chính, Bà Sabine Haag - Tổng giám đốc Bảo tàng đã chiêu đãi Chủ tịch nước và Đoàn Việt Nam tiệc trà chiều. Tôi cứ tưởng đó là một nghi thức ngắn gọn nhưng không ngờ Chủ tịch nước trò chuyện cùng bà Sabine Haag tới hơn một tiếng đồng hồ. Tôi ngồi ở các bàn bên ngoài nên không biết nội dung cuộc nói chuyện, chỉ thấy sau một thời gian khá lâu thì một trong các lãnh đạo trong đoàn ta ra nói nhỏ với một lãnh đạo Cục Lễ tân đang ngồi cạnh tôi là chú ý kiểm soát thời gian không “cuộc nói chuyện hào hứng quá, sợ quá giờ trong lịch”. Mấy ngày sau, tôi hỏi dò thì được biết trong cuộc trò chuyện đó, Chủ tịch nước đã tìm hiểu nơi bà Tổng Giám đốc thông tin về việc thiết lập và quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa như bảo tàng này, trao đổi với bà một số đặc điểm nghệ thuật và giới thiệu đặc điểm của văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.

Âm hưởng chuyến Chủ tịch nước thăm Áo, Italia và Vatican: Đậm màu lịch sử và ngát hương văn hóa ảnh 3

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật tại Vienna chiếc bình gốm Chăm của Việt Nam. Ảnh Lê Xuân Sơn

Có lẽ sự am hiểu cũng như sự chăm chú lắng nghe của Chủ tịch nước đã khiến người hướng dẫn sau đó đã giới thiệu đầy hứng khởi một số tác phẩm trong bảo tàng. Tôi cảm nhận rõ ràng rằng đó là một chuyến thăm bảo tàng nghệ thuật thực thụ chứ không phải là một thủ tục.

Hôm ở bang Burgeland, trong lâu đài cổ Esterhazy, sau khi làm việc chính thức, Thủ hiến bang là ông Peter Doskozil mở tiệc chiêu đãi, trong đó có biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội tăng cường thêm nhạc trưởng Trần Nhật Minh, ca sĩ Opera Khánh Ngọc và một số nghệ sĩ nhạc dân tộc, chúng tôi nghe nói Chủ tịch nước sẽ có bài phát biểu. Sau phát biểu của ông Thủ hiến, chúng tôi ngạc nhiên thấy Chủ tịch nước đứng dậy phát biểu nhưng không dùng bài đã chuẩn bị sẵn. Trong những điều ông nói khá giản dị nhưng truyền cảm hôm đó, tôi đặc biệt ghi nhớ ý về việc âm nhạc giúp con người hiểu nhau, đồng điệu, gắn kết và gần nhau hơn. Phát biểu đó của Chủ tịch nước đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Nó chắc chắn chạm đến trái tim của những người Áo có mặt trong phòng vì họ thuộc về một dân tộc rất yêu và tôn thờ âm nhạc. Và không chỉ có vậy, nó cũng chạm đến trái tim của các nghệ sĩ Việt Nam có mặt hôm đó. Trên chuyến bay trở về nước sau khi chuyến thăm kết thúc, tôi hỏi chuyện nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy, nhạc trưởng Trần Nhật Minh, nghệ sĩ đàn bầu Lệ Giang, nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh và nghệ sĩ vĩ cầm Phạm Trường Sơn, họ đều thừa nhận đã có sự căng thẳng ở đầu buổi hòa nhạc trong phòng hòa nhạc Haydn-Saal đó. Bởi cử tọa đặc biệt và nhất là lại trong khán phòng của Haydn - người được coi là “người cha của nhạc giao hưởng” và “cha đẻ của tứ tấu dây”. Nhưng sau phát biểu của Chủ tịch nước, họ thấy được giải tỏa để chơi ngày càng sung, càng thăng hoa hơn.

Âm hưởng chuyến Chủ tịch nước thăm Áo, Italia và Vatican: Đậm màu lịch sử và ngát hương văn hóa ảnh 4

Dàn nhạc thính phòng Hà Nội biểu diễn tại phòng hoà nhạc Haydn – Saad, Áo. Ảnh Lê Xuân Sơn

Âm hưởng chuyến Chủ tịch nước thăm Áo, Italia và Vatican: Đậm màu lịch sử và ngát hương văn hóa ảnh 5

Và câu chuyện cuối cùng tôi muốn kể để bạn đọc thấy sứ mệnh ngoại giao vừa kết thúc thực sự ngát hương văn hóa và góp thêm phần kết nối Việt Nam với nước đối tác là phía ta đã đề nghị và phía bạn đã đồng ý để đưa món ăn kết hợp hài hòa văn hóa ẩm thực hai nước Việt Nam và Italia có cái tên “Ravioli Bánh tráng Nem rán tháng bảy” do đầu bếp Việt Nam Đinh Thị Huế - Á quân cuộc thi Vua đầu bếp Italia sáng tạo thành món đầu tiên trong Quốc yến của Tổng thống Italia chiêu đãi Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu ta. Đó là món ăn dùng lá nem Việt Nam gói hình tam giác nhưng nhân lại là của loại bánh truyền thống Ravioli của Italia. Loại nhân đó làm từ hai loại phô mai Ricotta và Pecorino trộn với giá đỗ, cà rốt, lá húng tây và một số gia vị. 400 chiếc nem như thế đã được rán bày lên đĩa cùng với một số loại sốt và rau có màu cờ của hai nước.

Âm hưởng chuyến Chủ tịch nước thăm Áo, Italia và Vatican: Đậm màu lịch sử và ngát hương văn hóa ảnh 6

Món “Ravioli Bánh tráng Nem rán tháng bảy” trong Quốc yến của Tổng thống Italia. Ảnh: Phương Hòa

Tôi đã hỏi đại sứ nước ta tại CH Italia Dương Hải Hưng rằng có dễ đưa được món ăn có yếu tố nước mình vào Quốc yến nước khác không? Câu trả lời là rất khó, bởi mỗi nước đều có lòng tự tôn văn hóa, ẩm thực của mình. Nhưng món Nem tháng bảy được phía bạn đồng ý vì nó kết hợp hài hòa văn hóa ẩm thực hai nước như một biểu tượng của hợp tác, của tình bạn, và cũng vì bạn rất tôn trọng Việt Nam.

MỚI - NÓNG