Âm hưởng chuyến Chủ tịch nước thăm Áo, Italia và Vatican: Giữa trời nhìn lại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khoảng gần 9 giờ tối ngày 28/7/2023 (giờ Italia), trên một khoang của chiếc máy bay mang số hiệu VN1 vừa cất cánh rời thủ đô Roma được đã diễn ra một cuộc liên hoan đặc biệt, một cuộc liên hoan giữa trời, ở độ cao trên 10 cây số, một cuộc liên hoan nhỏ thôi nhưng tràn ngập niềm vui của những người vừa thực hiện thành công những việc trọng của quốc sự.

Đây là chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam chở Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trở về sau khi thực hiện thắng lợi các chuyến thăm chính thức tới Cộng hoà Áo, thăm cấp nhà nước Cộng hoà Italia và thăm Toà thánh Vatican.

Vì khoang máy bay đó chật nên chỉ có Chủ tịch nước và phu nhân, các thành viên chính thức của Đoàn đại biểu cấp cao và một số thành viên của đoàn tuỳ tùng dự cuộc liên hoan chỉ có rượu sâm banh, một số đồ ăn nguội và hoa quả. Tôi nhìn thấy Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân Phan Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn… ai cũng rạng rỡ trong một niềm vui lan toả mặc dù vừa trải qua một cuộc marathon tốn nhiều trí lực và thể lực để thực hiện khoảng 50 sự kiện trong vòng 5-6 ngày ở ba quốc gia Lục địa già, mà hầu hết trong số đó là những sự kiện quốc gia đại sự.

Âm hưởng chuyến Chủ tịch nước thăm Áo, Italia và Vatican: Giữa trời nhìn lại ảnh 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân vẫy tay chào tạm biệt trước khi lên chuyên cơ từ Ý về Việt Nam ngày 28/7.

Tôi biết khi ở trên máy bay này, các nhà lãnh đạo của chúng ta đang nâng ly chúc mừng nhau sau những nỗ lực thành công thì ở dưới kia, báo chí Italia đang đưa tin những hoạt động cuối cùng của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong ngày và đánh giá lại kết quả của chuyến thăm. Chắc chắn phải là những lời tốt đẹp vì trong các bài phát biểu của mình, các lãnh đạo của Cộng hoà Italia và Vatican đều ca ngợi sự phát triển của mối quan hệ của các thực thể này với Việt Nam cũng như đánh giá rất cao kết quả của các cuộc làm việc trong chuyến thăm và rất lạc quan về triển vọng mối quan hệ của họ với Việt Nam. Đặc biệt là Tổng thống Italia Sergio Mattarella, ông luôn dùng những từ ngữ cao nhất trong đánh giá mối quan hệ hai nước. Phát biểu trong Quốc yến mà ông và con gái là bà Laura Mattarella mở để chiêu đãi Chủ tịch nước cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Tổng thống nói: “Cách đây 10 năm, nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Italia, hai nước chúng ta đã nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đây là khuôn khổ chính trị đã giúp quan hệ giữa Việt Nam và Italia lên mức xuất sắc như hiện nay” (chữ “xuất sắc” do tác giả nhấn mạnh). Trong một bài phát biểu trong một sự kiện trước đó, ông nói: “Mức độ quan hệ của chúng ta là tuyệt vời từ mọi quan điểm, chính trị, kinh tế, văn hóa và không ngừng phát triển về chiều rộng, cường độ và chất lượng của sự hợp tác” (Chữ “tuyệt vời” do tác giả nhấn mạnh).

Đánh giá rất cao này cũng là âm hưởng chung trong các phát biểu của những nhà lãnh đạo hàng đầu khác của Italia như Chủ tịch thượng viện Italia Ignazio La Russa và Chủ tịch Hạ viện Italy Lorenzo Fontana, Thủ tướng Giorgia Meloni. Việc Tổng thống Sergio Mattarella và 3 nhà lãnh đạo này, tức là những lãnh đạo cao nhất của Italia đều hội đàm hoặc gặp, tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và hầu hết họ đều có mặt ở Quốc yến, cũng như việc Nghị viện Italia đã thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA) ngay trong thời điểm chuyến thăm của Chủ tịch nước chứng tỏ sự trọng thị rất lớn mà lãnh đạo và đất nước Italia dành cho Chủ tịch và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Nó cũng chứng tỏ vị trí quan trọng của Việt Nam trong chiến lược và chính sách đối ngoại của Italia đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đặc biệt là ASEAN, điều mà tất cả các nhà lãnh đạo này đều nói ra lời.

Sự trọng thị đối với Chủ tịch nước và đánh giá cao vai trò của Việt Nam của lãnh đạo Italia còn thể hiện ở nghi thức đón tiếp rất trang trọng mà bạn dành cho Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu Việt Nam. Một thành viên trong Đoàn ta cho tôi biết là trong thời gian chỉ khoảng 2 ngày Chủ tịch nước có mặt trên dải đất hình chiếc ủng, Quốc ca Việt Nam đã vang lên 5 - 6 lần. Chính Chủ tịch nước trong câu chuyện bên lề với các nhà báo có mặt trong đoàn tuỳ tùng cũng nói rằng ông khá bất ngờ khi nghi lễ ông đặt vòng hoa tại Đài Tổ quốc Altare della Patria, ở thủ đô Rome lại được phía bạn tổ chức hoành tráng ngang tầm một lễ đón chính thức. Người viết bài này tuy không được tham gia vào đoàn tháp tùng Chủ tịch nước trong sự kiện này nhưng cũng có mặt tại khu vực Đài Tổ quốc đúng vào lúc đó đã chứng kiến ngoài đội hình của các binh sĩ mang trang phục cổ xưa còn có sắc phục của các quân binh chủng khác của Quân đội Italia.

Âm hưởng chuyến Chủ tịch nước thăm Áo, Italia và Vatican: Giữa trời nhìn lại ảnh 2

Tổng thống Italia Sergio Mattarella tặng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân bộ ảnh chuyến thăm. Ảnh: TTXVN

Và không chỉ có sự trọng thị đặc biệt của lãnh đạo Italia, một nhà ngoại giao tiết lộ với tôi rằng thường vào tháng 7 hằng năm thì Giáo hoàng không tiếp ai cả. Nhưng lần này, không những Ngài tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mà còn tiếp vượt gấp đôi thời gian dự kiến. Trong cuộc tiếp, sau khi nghe Chủ tịch nước nêu rõ những quan điểm nhất quán của Việt Nam về chính sách tự do tôn giáo và tạo điều kiện để các tôn giáo cũng như cộng đồng cư dân theo tôn giáo, trong đó có cộng đồng giáo dân Việt Nam phát triển, đóng góp vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời bày tỏ mong muốn Ngài Giáo hoàng và Toà thánh tiếp tục quan tâm chỉ dẫn các chức sắc, tín đồ Công giáo Việt Nam tiếp tục thực hiện đường hướng gắn bó, đồng hành cùng Nhà nước và nhân dân, vì sự phát triển và thịnh vượng của đất nước, Giáo hoàng Fransis đã phát biểu quan điểm rất rõ ràng. Ngài khẳng định Tòa thánh mong muốn quan hệ Tòa thánh-Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp; nhấn mạnh Giáo hội Công giáo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường hướng “đồng hành cùng dân tộc,” “giáo dân tốt là công dân tốt” đồng thời khuyến khích giáo dân và chức sắc Công giáo tại Việt Nam đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước và Giáo hội.

Ngay sau đó, trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, thuộc cấp của Đức giáo hoàng là Hồng y Parolin - Thủ tướng Vatican cũng nhắc lại quan điểm này, đồng thời khẳng định, Vatican nhất trí ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Hồng y cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao đổi về việc hai bên thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam. Đây cũng là một thành tựu quan trọng của chuyến thăm.

Âm hưởng chuyến Chủ tịch nước thăm Áo, Italia và Vatican: Giữa trời nhìn lại ảnh 3

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Giáo hoàng Francis. Ảnh: TTXVN

Trước đó, Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng đã có chuyến thăm chính thức rất thành công ở Cộng hoà Áo, nơi mà lãnh đạo nước này khá tự hào vì Áo là một trong những nước Tây Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, từ năm 1972, tức quan hệ ngoại giao đã tròn 50 năm vào năm ngoái, năm 2022, dịp mà hai nước đã có nhiều hoạt động thiết thực để kỷ niệm, trong đó có tuần văn hoá Việt Nam tại Áo. Cả Tổng thống CH Áo Alexander Van der Bellen và Chủ tịch Thượng viện Áo Claudia Arpa đều đánh rất cao những thành tựu phát triển mọi mặt của Việt Nam và sự phát triển tốt đẹp quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đánh giá cao việc Chủ tịch nước chọn Áo là một trong những nước đầu tiên tại Liên minh châu Âu để đi thăm sau khi nhậm chức; nhấn mạnh Việt Nam là đối tác lớn nhất của Áo ở Đông Nam Á. Trong chuyến thăm, bên cạnh việc ký bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam với cơ quan đồng cấp phía Áo, hai bên có nhiều thỏa thuận quan trọng để phát triển hợp tác trong nhiều lĩnh vực không chỉ giữa Áo mà còn cả giữa Liên minh châu Âu với Việt Nam.

Âm hưởng chuyến Chủ tịch nước thăm Áo, Italia và Vatican: Giữa trời nhìn lại ảnh 4

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Cộng hòa Áo Alexander Van der Bellen chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Liên bang về Các vấn đề Châu Âu và Quốc tế Áo. Ảnh: TTXVN

Trong câu chuyện bên lề với chúng tôi trong cuộc liên hoan vui vẻ giữa trời tối ngày 28/7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định đây là chuyến thăm hết sức thành công. Sau đó, trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam, ông đánh giá tổng quát: “Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chuyến thăm là minh chứng rõ nét của chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đề ra tại Đại hội XIII, thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Cộng hòa Áo, quan hệ đối tác chiến lược với Italy, cũng như quan hệ với Tòa thánh Vatican” và “Trong chuyến công tác, Chủ tịch nước và đoàn đã tiến hành khoảng 50 hoạt động với nội dung, hình thức phong phú, đạt được nhiều kết quả cụ thể và toàn diện trên tất cả các mặt. Các nước đã dành cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu và chu đáo. Dư luận chính giới, báo chí sở tại và quốc tế quan tâm theo dõi, phản ánh đậm nét và bình luận tích cực các hoạt động của Chủ tịch nước trong khuôn khổ chuyến thăm, qua đó tạo nên một bức tranh toàn cảnh thành công của chuyến thăm, phản ánh quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước.”

Những kết quả nổi bật chuyến thăm Áo, Italia, Vatican của Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ 23 đến 28/7/2023

Với Áo

Hai bên đã nhất trí cao về các biện pháp tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận hai nước, nhất là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng, văn hóa, góp phần tạo động lực mới thúc đẩy hơn nữa quan hệ trong thời gian tới. Hai bên cũng nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), phía Áo sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định là quy định về chống đánh bắt hải sản (IUU) đối với hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu...

Việt Nam và Áo cũng cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đồng thời đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước con người hai nước, thúc đẩy hợp tác du lịch, giao lưu nhân dân, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc.

Với Italia

Italia khẳng định coi Việt Nam đối tác quan trọng hàng đầu của Italia tại khu vực Đông Nam Á, nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam- Italia, đề ra các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để đưa hợp tác hai bên đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân.

Hai bên nhất trí phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Italia cùng tham gia khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP).

Đặc biệt, Nghị viện Italia đã thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA) ngay trong thời điểm chuyến thăm của Chủ tịch nước, qua đó tạo điều kiện để hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như kinh tế số, công nghệ cao, phát triển xanh, nông nghiệp thông minh...

Với Tòa thánh Vatican

Hai bên đã công bố thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam, đánh dấu bước phát triển trong quan hệ Việt Nam-Tòa thánh Vatican. Đây là kết quả của một quá trình trao đổi tích cực trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.

Giáo hoàng Francis và Thủ tướng, Hồng y Parolin bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển tích cực, đa dạng, phong phú của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, trong đó có Công giáo; nhất trí cho rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường hướng “đồng hành cùng dân tộc,” “giáo dân tốt là công dân tốt,” đồng thời giáo dân và chức sắc Công giáo tại Việt Nam cần tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước và Giáo hội.

(Lược trích trả lời phỏng vấn TTX Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn)

MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.