Ân tình thổ cẩm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau thời gian dài nghề dệt thổ cẩm vắng bóng, mấy năm trở lại đây, nghề dệt đang dần được hồi sinh ở các buôn đồng bào dân tộc bản địa. Ngoài thời gian làm nương rẫy, nhiều phụ nữ Êđê lại gắn mình bên khung cửi dệt nên sắc màu văn hóa truyền thống.

Trong ngôi nhà cấp 4, chị H Doen Êban (buôn Jung A, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đang tỉ mẩn khâu viền áo. Chị chia sẻ, tuổi ấu thơ gắn với hình ảnh khung dệt trong nhà sàn của nhiều phụ nữ ở buôn làng. Ngày ấy, không được ai truyền dạy, cô bé H Doen mon men lại gần khung cửi nhà hàng xóm, say sưa nhìn mọi người dệt rồi tự mày mò, học hỏi. Năm 10 tuổi H Doen biết dệt các họa tiết hoa văn đơn giản.

Ân tình thổ cẩm ảnh 1
Ðồ thổ cẩm chị H Doen may cho khách hàng

Chị kể, gia đình khó khăn, những năm học cấp 2 chị dệt túi, móc khăn choàng bán kiếm tiền mua sách vở. Năm 19 tuổi, thực hiện ước mơ đi học nghề may, chị móc len, móc áo lạnh bán lấy tiền mua phụ liệu. Học xong để có vốn mua máy móc về may tại nhà, chị đi làm công nhân ở Đồng Nai 3 năm. Trở về quê, cuộc sống kinh tế khó khăn, nghề dệt truyền thống của người Êđê dần bị lãng quên. Chị chuyển qua may đồng phục cho học sinh để kiếm thêm thu nhập. Nhưng mỗi ngày chị dành thời gian ngồi dệt thổ cẩm để nâng cao tay nghề.

Ân tình thổ cẩm ảnh 2
Chị H Doen bên tấm thổ cẩm

“Cách đây 2 năm, nhiều người đặt may đồ thổ cẩm, tôi như được sống lại đam mê, có cơ hội phát huy nghề dệt truyền thống, ngày ngày cặm cụi bên khung cửi để tạo ra những tấm vải với nhiều hoa văn độc đáo. Đây cũng là cách duy trì nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, chị bộc bạch.

Theo anh Y Dương Adrơng, Bí thư chi bộ buôn Dung A, những năm trở lại đây người dân thích mặc đồ truyền thống, nên nhiều phụ nữ quay lại nghề dệt như chị H Doen. Gia đình chị H Doen trước đây là hộ nghèo, từ ngày có thêm nghề dệt cuộc sống khấm khá, hiện đã thoát nghèo. Chị H Doen còn liên kết với các hộ gia đình trong buôn cùng giữ nghề truyền thống này.

Hiện chị may váy áo, các phụ kiện truyền thống. Để phù hợp với thị hiếu khách hàng, chị tìm tòi tạo ra các sản phẩm, mẫu mã thổ cẩm mới đẹp, phong phú và giá cả hợp lý thu hút người mua. Chị tích cực quảng bá sản phẩm của mình trên trang mạng xã hội, Zalo, Facebook. Sản phẩm làm ra đến đâu người ta tiêu thụ đến đó. Sau khi trừ hết chi phí một tháng mang lại cho chị thu nhập khoảng 15 triệu đồng.

Chị H Doen cho biết, bao đời nay người Êđê vẫn làm ra những hoa văn, họa tiết đặc trưng của mình trên từng tấm vải. Dệt được một chiếc váy, áo, khố, một người phụ nữ phải mất một thời gian dài vì tuỳ thuộc vào khổ rộng và độ tinh xảo, cầu kỳ của sản phẩm.

MỚI - NÓNG