Đến với kinh doanh từ hoạt động thiện nguyện
An Khương hiện cũng là Chủ nhiệm CLB Tình nguyện Heart To Heart. Khương cho biết, CLB Tình nguyện Heart To Heart (thuộc khoa Hàn Quốc học), được thành lập từ năm 2013 và đến nay có hơn 40 thành viên. Trong những năm qua, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiện nguyện hướng đến các đối tượng như nhà già neo đơn, trẻ em, người lang thang cơ nhỡ, các hộ nghèo, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng… Những những năm gần đây, câu lạc bộ mở rộng tuyến hoạt động về môi trường, xây dựng Nông thôn mới. Tính đến nay, câu lạc bộ đã sửa chữa được 1 tuyến đường giao thông nông thôn, 3 hệ thống đèn đường tại Huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cùng hơn 40 hoạt động khác, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng.
Từ khi hoạt động tại câu lạc bộ tình nguyện, Khương đã có nhiều cơ hội tiếp cận các vấn đề về môi trường cũng như nhận thấy rõ các tác hại của rác thải nhựa đến môi trường tự nhiên. Vì lý do này, Khương bắt đầu tìm hiểu đến các vật liệu, các sản phẩm có thể thay thế nhựa. Cùng với niềm đam mê kinh doanh từ nhỏ, Khương đã tìm đến các cơ sở sản xuất ống hút tre để tìm mua và bán lại. Công việc này tiếp tục phát triển và Khương dần hình thành được thương hiệu. Khương đã thành lập công ty TNHH The Greenmart VietNam chuyên cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút tre, ống hút cỏ bàng, bàn chải tre, cốc tre…
Kiên định mục tiêu kinh doanh “sản phẩm sống xanh”
Khương theo học khoa Hàn Quốc học nên từ cuối năm thứ ba, anh đã tìm công việc part-time liên quan đến chuyên ngành mình học và may mắn Khương được nhận làm việc tại một Trung tâm Tư vấn du học Hàn Quốc. “Tại đây, mình được phân công phụ trách mảng marketing. Công việc này giúp mình học được nhiều thứ, chủ động tìm tòi học hỏi nhiều hơn và nó cũng giúp mình vận dụng cho việc marketing của công ty riêng ở thời điểm hiện tại”, Khương bộc bạch.
Cũng như nhiều sinh viên khác khi thử sức kinh doanh, Khương cũng phải đối mặt với vấn đề tài chính và pháp lý. Làm sao để công ty duy trì hoạt động là một bài toán rất khó với một sinh viên khối ngành ngôn ngữ như Khương, nhưng nhờ sự hỗ trợ một phần từ phía gia đình, đến nay mọi thứ đang đi vào ổn định. “Vấn đề vận hành cũng là một khó khăn lớn đối với mình, điều này buộc mình phải tự tìm hiểu cũng như tìm đến những anh chị có chuyên môn để nhờ tư vấn sâu hơn. Mình luôn tin rằng mọi khó khăn đều có cách giải quyết và người có thể giúp mình tháo gỡ khó khăn đó không ai khác là chính bản thân. Vì thế, mình luôn cố gắng tự giải quyết các vấn đề. Trên thực tế, khi quản lý công ty, mình luôn dự tính trước mọi tình huống có thể xảy ra để giảm đến mức thấp nhất các rủi ro”, Khương bày tỏ.
Do công ty cũng mới được thành lập nên doanh thu chỉ ở mức khá, ở giai đoạn đầu này, toàn bộ lợi nhuận sẽ được Khương tiếp tục đẩy mạnh vào mảng tiếp thị sản phẩm và xây dựng hình ảnh thương hiệu. “Hiện tại, sản phẩm thu hút được sự quan tâm của hầu hết khách hàng là ống hút tre, ống hút cỏ bàng và túi lá sen khô… bởi đây là các sản phẩm vừa độc đáo, vừa giúp thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần. Mỗi sản phẩm sẽ có tập đối tượng khách hàng khác nhau nhưng đa phần hướng đến người trẻ - đây là những đối tượng sẵn sàng và tiên phong tiếp cận đến lối sống xanh trong tương lai”, Khương chia sẻ.
Vừa kinh doanh, vừa điều hành câu lạc bộ, với Khương, đây lại là một lợi thế. Khương cho biết: “Về bản thân, những kinh nghiệm về quản lý như quản lý nguồn nhân lực, quản lý tài chính rút ra khi hoạt động trong câu lạc bộ là nền tảng giúp mình điều hành công ty một cách có kế hoạch hơn. Ngoài ra, trong các chương trình về môi trường mà câu lạc bộ tổ chức, công ty của mình cũng sẽ là nhà tài trợ các “sản phẩm xanh”, điều này không những tạo nên thành công cho chương trình mà còn mang các sản phẩm thân thiện môi trường tiếp cận nhiều hơn đến các bạn sinh viên. Có thể nói, vừa kinh doanh, vừa điều hành câu lạc bộ mang đến lợi ích kép cho cả công ty và câu lạc bộ”.
Trong thời gian tới, Khương sẽ tiếp tục mở rộng thị trường và đa dạng hóa các sản phẩm của mình và phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển công ty theo mô hình siêu thị xanh, cung cấp hầu hết các sản phẩm cần thiết và không gây hại đến môi trường.
“Theo quan niệm của mình, ngoài vấn đề lợi nhuận ra thì mỗi doanh nghiệp, mỗi đơn vị kinh doanh phải mang đến tác động xã hội và lợi ích cho cộng đồng. Một doanh nghiệp xã hội là hình mẫu mà công ty mình mong muốn hướng đến nhằm phần nào đồng hành giải quyết các vấn đề của cộng đồng, đặc biệt là vấn đề môi trường”.