Ảnh hưởng của Nga ở Trung Á giảm: Bất ổn khu vực có thể tăng

TP - Việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã làm suy yếu ảnh hưởng của nước này trong khu vực Trung Á, đặc biệt là ở Kazakhstan. Điều này có thể làm gia tăng bất ổn khu vực; căng thẳng giữa Kyrgyzstan và Tajikistan đặc biệt nguy hiểm.

Bất chấp ảnh hưởng giảm sút của Mátxcơva ở Trung Á, các quốc gia trong khu vực không thể hoàn toàn phớt lờ các lợi ích của Nga. Hy vọng của phương Tây về việc các nguồn khí đốt Trung Á sẽ được bơm về phía tây và vượt qua Nga vẫn khó có thể hiện thực hóa, ông Maximilian Hess, nghiên cứu viên Trung Á trong Chương trình Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), nhận định.

Vị thế “anh cả”

Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã coi Trung Á là “khu vực ổn định nhất” của Nga. Quan điểm của ông Putin về Trung Á là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Nga không phải là không chính đáng. Trong 21 năm cầm quyền đầu tiên của ông, quan hệ của Nga hầu như không thay đổi với cả 5 quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đến đầu năm 2022, Nga vẫn là “anh cả” trong khu vực.

Ảnh hưởng của Nga ở Trung Á giảm: Bất ổn khu vực có thể tăng ảnh 1

(Từ trái sang) Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon và Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdymukhamedov dự một hội nghị ở Kazakhstan hồi tháng 10/2022. Ảnh: AP

Vị thế của Nga được củng cố bởi việc Kazakhstan nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn vào tháng 1 năm ngoái. Biểu tình ở Kazakhstan bùng phát, lan rộng vì chi phí sinh hoạt tăng mạnh. Các lực lượng Nga đã giúp phía Kazakhstan xử lý tình trạng bất ổn. Trung Quốc tán thành hành động của Nga và phương Tây hầu như không phản đối.

Tuy nhiên, một năm sau, tình hình đã thay đổi đáng kể sau khi lãnh đạo Nga quyết định thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2/2022. Chính phủ Kazakhstan đã dành cả năm ngoái để tích cực tiếp cận với phương Tây, mong muốn thiết lập một ranh giới giữa họ và Điện Kremlin. Tổng thống Kazakhstan công khai chào đón những người Nga chạy trốn lệnh nhập ngũ vào tháng 9/2022 của Tổng thống Putin. Chính phủ Kazakhstan cũng gây áp lực buộc các đài truyền hình phải hạn chế phát sóng các kênh truyền thông nhà nước của Nga.

Thay đổi về kinh tế

Tuy nhiên, những thay đổi quan trọng nhất trong mối quan hệ của Kazakhstan với Nga là về kinh tế. Đất nước này là thành viên lớn thứ hai của Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga đứng đầu, lớn hơn nhiều so với bất kỳ thành viên nào khác ngoài Nga. Để đối phó việc Kazakhstan không sẵn sàng công khai ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, năm 2022, Điện Kremlin liên tục giảm nguồn cung cho Caspian Pipeline Consortium - tuyến đường ống chính xuất khẩu dầu mỏ Kazakhstan sang các thị trường quốc tế (đồng thời là tên công ty). Chính phủ của ông Tokayev chuyển sang tăng xuất khẩu qua Azerbaijan, vận chuyển dầu qua Biển Caspi để phân phối tới các cảng Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan. Mặc dù tuyến đường đó không thể thay thế Caspian Pipeline Consortium, Astana nhận ra rằng khả năng gây áp lực của Mátxcơva đối với mình là hạn chế.

Các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Nga dưới hình thức giới hạn giá mua (có hiệu lực từ tháng 12/2022) có nghĩa là Nga phải tìm thị trường mới cho hàng xuất khẩu của mình, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc. Các đường ống của Kazakhstan đã giúp vận chuyển thêm dầu thô của Nga sang Trung Quốc. Nhưng với các đường ống dẫn dầu của chính Nga tới châu Âu bị hạn chế bởi trần giá dầu, Điện Kremlin đã phải chuyển sang Astana để bù đắp. Đến tháng 1/2023, Điện Kremlin từ bỏ chiến lược hạn chế xuất khẩu của Caspian Pipeline Consortium và cấp cho Kaztransoil của Kazakhstan sử dụng đường ống Druzhba của họ để vận chuyển dầu đến Đức và Ba Lan.

Ảnh hưởng của Nga cũng đang suy yếu ở Uzbekistan, quốc gia đông dân nhất Trung Á. Dù Uzbekistan vẫn vui mừng chào đón đầu tư của Nga, nhưng họ đã sử dụng tư cách quan sát viên của mình trong Liên minh Kinh tế Á-Âu để chỉ trích nỗ lực của lãnh đạo Nga trong việc sử dụng đòn bẩy năng lượng trong khu vực. Tháng 12/2022, Bộ trưởng Năng lượng Uzbekistan Zhurabek Mirzamakmudov nói rằng Uzbekistan sẽ “không bao giờ đồng ý với các điều kiện chính trị để đổi lấy khí đốt” để đáp lại các đề xuất của Nga nhằm tạo ra một liên minh khí đốt Kazakhstan-Uzbekistan-Nga.

Nga cũng phải đối mặt những giới hạn mới đối với ảnh hưởng của mình ở Tajikistan và Kyrgyzstan, hai quốc gia theo truyền thống trong khu vực phụ thuộc nhiều nhất vào Mátxcơva. Nền kinh tế của cả hai quốc gia đều phụ thuộc vào kiều hối từ Nga và trong khi Kyrgyzstan trong quá khứ tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Nga bằng cách phát triển quan hệ với phương Tây, nước này cũng hướng tới sự liên kết chặt chẽ hơn với Nga trước xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

Tuy nhiên, Tajikistan và Kyrgyzstan đã đụng độ nhiều lần trong suốt năm 2022 trong bối cảnh tranh chấp về đường biên giới chung được phân định sơ sài. Nhưng Nga - có căn cứ ở cả Tajikistan và Kyrgyzstan - bận tâm đến cuộc chiến ở Ukraine nên không tham gia giải quyết vấn đề của hai nước.

Turkmenistan là một trường hợp khác biệt. Trên danh nghĩa là trung lập, Turkmenistan không phải là thành viên của bất kỳ khối nào do Nga lãnh đạo trong khu vực. Trong hai năm trước năm 2022, Nga theo đuổi chính sách nối lại một số giao dịch mua khí đốt của Turkmenistan để cố gắng cung cấp cơ sở kinh tế mới cho mối quan hệ của họ sau khi các thương vụ giảm nhanh chóng sau một vụ nổ bí ẩn vào năm 2009 và chấm dứt hoàn toàn vào năm 2016.

Nhưng với việc Nga đang phải đối mặt tình trạng dư thừa khí đốt của riêng mình, có rất ít khả năng Mátxcơva sẽ sớm mua nhiều khí đốt trở lại từ Ashgabat. Thay vào đó, Turkmenistan đã chuyển sang tham gia lại ý tưởng xây dựng một tuyến liên kết xuyên Caspi để vận chuyển khí đốt của họ tới phương Tây thông qua Azerbaijan, Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, vị trí địa lý của khu vực có nghĩa là các nước Trung Á không thể hoàn toàn rời xa Nga, và một số người nghi ngờ rằng thương mại Trung Á đã giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt, ông Maximilian Hess nhận định.

Mỹ “dọa” Trung Á

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 1/3 kết thúc chuyến công du ngắn ngày tới Trung Á sau khi gặp các quan chức cấp cao của Uzbekistan tại Tashkent và những người đồng cấp của ông đến từ cả 5 quốc gia Trung Á. Ngoại trưởng Mỹ nói ngụ ý rằng, nhìn vào cuộc chiến ở Ukraine, các nước Trung Á nên lo giữ biên giới của mình. “Chúng tôi đã cam kết và vẫn cam kết ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập không chỉ của Ukraine, mà còn của các quốc gia trên khắp Trung Á”, ông nói. Năm quốc gia Trung Á không công khai ủng hộ cũng không chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Họ bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhân kỷ niệm một năm cuộc chiến.

Rời Trung Á đến Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ tham dự cuộc họp hai ngày của các bộ trưởng ngoại giao Nhóm G20 khai mạc hôm 2/3. Bên lề cuộc họp, ông gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong vòng 10 phút. Trước đó, ông Blinken nhắc lại rằng Washington sẽ trừng phạt các công ty Trung Quốc hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và cáo buộc Bắc Kinh hành động thiếu thiện chí.

Tin liên quan