Áo dài nam nơi công sở nhiều lần gây tranh cãi

TPO - Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp và gây xôn xao dư luận. Trước đó, sự hiện diện của áo dài cho nam giới nơi công sở nhiều lần là chủ đề nóng trên các diễn đàn. 

Lựa chọn thay vì bắt buộc

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) vừa đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp.

Ông khẳng định việc cho phép mặc áo dài ngũ thân nam tại các hội nghị, các sự kiện giúp cho cơ quan có trách nhiệm và người dân có cái nhìn thực tế, có thời gian để nhìn rõ hơn về giá trị truyền thống. Đại biểu hướng đến đề xuất xây dựng riêng một bộ lễ phục truyền thống cho người Việt tại các hội nghị văn hóa lớn, các sự kiện ngoại giao nhà nước.

Áo dài nam nơi công sở nhiều lần gây tranh cãi ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp.

“Bộ lễ phục này vẫn giữ gìn nét truyền thống, phù hợp với sinh hoạt, công việc trong xã hội hiện đại và tương xứng với trang phục của người đồng cấp trong sự kiện ngoại giao, trong hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế”, đại biểu đoàn Bình Định bày tỏ.

Đề xuất của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua. Bên cạnh một số ý kiến cho rằng bối cảnh đề xuất chưa hợp lý do nhiều vấn đề quốc kế dân sinh bức thiết hơn, tuy thế cũng có những người bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Trao đổi với Tiền Phong, nhà thiết kế (NTK) chuyên phục dựng cổ phục Nguyễn Đức Lộc cho rằng đề xuất của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho thấy trang phục truyền thống đang dần có tiếng nói và được quan tâm nhiều hơn. Dù thực tế không dễ dàng và cũng không cần vội vàng để các đại biểu Quốc hội mặc áo ngũ thân truyền thống.

Áo dài nam nơi công sở nhiều lần gây tranh cãi ảnh 2

Áo dài cho nam nhiều lần gây dậy sóng dư luận.

"Trang phục truyền thống của Việt Nam đa dạng, mang nhiều ý nghĩa khác nhau, đại diện cho các vùng miền khác nhau. Vì vậy khi đưa đề xuất này thành quy định chính thức cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Cần mặc kiểu dáng như thế nào, quy chuẩn ra sao, cách thức mặc như thế nào.... cần xem xét", NTK Đức Lộc nói.

Anh đồng tình với ông Nguyễn Văn Cảnh khi coi áo dài chỉ là một trong số những lựa chọn về trang phục cho đại biểu khi dự họp, không thể là quy định bắt buộc.

Với ý kiến chỉ trích áo dài khó vận động, rườm rà, thiếu nam tính, NTK Đức Lộc cho rằng những người đưa ra nhận xét chưa hiểu rõ, hiểu đúng, thậm chí hiểu sai về thời trang, văn hóa và trang phục truyền thống.

Áo dài cho nam nhiều lần gây xôn xao

Đề xuất mặc áo dài ngũ thân của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh không phải lần đầu tiên gây tranh cãi. Trước đó đề xuất và phong trào nam giới mặc áo dài nơi công sở gây nhiều luồng ý kiến

Tháng 9/2020, lần đầu tiên công chức Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài đến công sở, trên áo có tấm thẻ bài với 4 chữ "nguyên phong chấp sự", nghĩa là giữ gìn nếp xưa.

Lãnh đạo Sở VHTT Thừa Thiên - Huế cho hay cán bộ, công chức của Sở sẽ mặc áo dài truyền thống khi đi làm việc, trong đó nam công chức mặc áo dài ngũ thân, quy định áp dụng vào ngày thứ hai đầu mỗi tháng, đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung toàn cơ quan.

Áo dài nam nơi công sở nhiều lần gây tranh cãi ảnh 3

Huế lắng nghe ý kiến đóng góp, đưa ra điều chỉnh phù hợp về việc cho nhân viên, cán bộ khối văn phòng mặc áo dài vào buổi chào cờ sáng thứ hai đầu tháng.

Sở VHTT Thừa Thiên - Huế là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế triển khai ý tưởng nam công chức mặc áo dài đến công sở. Nhiều ý kiến cho rằng trang phục áo dài nam không phù hợp ở nơi công sở vì kém thuận tiện, song không ít luồng dư luận bảo vệ và khen ngợi cách làm của Huế.

Tháng 3/2021, các đại biểu thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ với nhiều ý kiến tâm huyết. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất việc nam giới mặc áo dài trong các sự kiện quan trọng. Nữ đại biểu Hà Nội cho biết nhiều cử tri đặt câu hỏi khi mặc lễ phục, tại sao nữ giới mặc áo dài truyền thống còn nam giới lại phải mặc comple.

Đại biểu này đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu đưa áo dài ngũ thân nam truyền thống để báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ xây dựng luật về nghi lễ, quốc phục, quốc hoa.

Áo dài nam nơi công sở nhiều lần gây tranh cãi ảnh 4

Chưa có quy định thống nhất về quốc phục tại Việt Nam.

Đầu năm 2013, tại hội thảo "Lễ phục nhà nước", GS. Trần Ngọc Thêm đề xuất dùng comple, áo dài nam và áo dài nữ là lễ phục nhà nước. Để các nhà ngoại giao có thêm bộ trang phục thể hiện bản sắc dân tộc, ông đề nghị cần chọn thêm trang phục truyền thống.

Đó có thể là áo dài dành cho nam đi cùng với áo dài dành cho nữ. "Tất nhiên, cũng cần nghiên cứu và quy định một số tiêu chuẩn để trang phục truyền thống được đúng theo quy chuẩn chung", GS. Trần Ngọc Thêm nói.

Dù Bộ VHTTDL từng nhiều lần lấy ý kiến, tổ chức cuộc thi thiết kế quốc phục nhưng kết quả còn dang dở. Quy định quốc phục vẫn chưa tìm được tiếng nói đồng thuận.

Tin liên quan