Ba Động đâu rồi? - Bài cuối: Vì đâu nên nỗi?

 Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải bên đê biển. ẢNH: SÁU NGHỆ
Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải bên đê biển. ẢNH: SÁU NGHỆ
TP - Trong một báo cáo mới đây, UBND huyện Duyên Hải đánh giá: “Các công trình trọng điểm khai thác, nạo vét tận thu cát san lấp mặt bằng cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã gây ra sạt lở”. 

Công trình trọng điểm là Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, Kênh đào Trà Vinh mở luồng vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố.

Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống bão lụt tỉnh Trà Vinh, nói rằng, nguyên nhân biến đổi khí hậu nước biển dâng thì đã rõ; còn nguyên nhân hút cát cho các công trình trọng điểm thì phải nghiên cứu thêm vì nhiều điểm sạt lở cách xa nơi hút cát hàng chục cây số và xảy ra trước khi xây dựng công trình.

Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, ông Châu Hoàng Nghĩa, đồng ý là cần nghiên cứu nhưng cũng nói, hút cát nhiều có thể gây biến động cả vùng rộng lớn và thực tế, từ khi mở ra các công trình thì sạt lở dữ dội hơn.

Trầy trật đắp đê

Kênh đào Trà Vinh mở luồng mới từ biển vào sông Hậu, khởi công cuối tháng 12/2009 nhưng suy thoái kinh tế nên tạm dừng và mới khởi động lại vào ngày 15/3/2014. Còn Trung tâm Điện lực Duyên Hải có 3 nhà máy nhiệt điện, rộng 641 ha (306 ha lấn biển) ở xã Dân Thành và Trường Long Hòa; khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 ngày 19/9/2010, khởi công xây dựng cảng biển tiếp nhận than ngày 21/4/2013. Tổng thầu đều là doanh nghiệp Trung Quốc.

Ba Động đâu rồi? - Bài cuối: Vì đâu nên nỗi? ảnh 1

Ông cựu chiến binh Phạm Văn Cứng: “Chiến tranh đã khổ, hòa bình còn phải di cư khổ hơn”.

Trung tâm Điện lực cần hơn 26 triệu m3 cát san lấp mặt bằng. Một số nhà thầu phụ cho tổng thầu Trung Quốc, hút cát san lấp mặt bằng có nhiều vi phạm, thậm chí do quen thân với lãnh đạo địa phương nên hoạt động không có giấy phép.

Sau thời gian dài phạt hành chính không có kết quả, ngày 24/4/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định tạm ngừng việc khai thác cát ven biển để kiểm tra, đánh giá lại tác động môi trường (chỉ những điểm hút cát cách bờ biển 300 - 500 m trở ra và có giấy thép mới được tiếp tục). Đây cũng là thời điểm Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh bị đồn thổi chuyện không hay và ông đã viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.

“Việc lấy cát từ bãi biển để tôn nền dẫn đến hậu quả khôn lường vì sẽ làm thay đổi địa hình bãi biển và tạo nên một dòng chảy xoáy. Dòng chảy này sẽ xói lở bờ biển tại chỗ và trong một vùng lân cận, rộng hay hẹp tùy thuộc vào khối lượng cát lấy đi”.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân

Tình trạng khai thác cát lậu nóng bỏng cả cuộc họp HĐND tỉnh Trà Vinh tháng 12/2013 và sạt lở bờ biển thì vẫn dữ dội. Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, ông Châu Hoàng Nghĩa, cho biết, huyện có bờ biển dài 55 km. 

Năm 2011, triều cường gây sạt lở mất hàng trăm héc-ta đất, phá nhiều cánh rừng phi lao, phải di dời khẩn cấp 52 hộ dân. Năm 2012, sạt lở tấn công vào đê biển phòng hộ ở nhiều điểm, tổng chiều dài hàng cây số.

Cuối năm 2013, tổng chiều dài các điểm sạt lở đê biển phòng hộ lên tới gần 14 km, phá nốt nhiều cánh rừng phi lao, hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Mỗi năm, ngân sách chi hàng tỷ đồng để gia cố lại đê biển nhưng đều tan thành bọt nước ở mùa gió chướng tiếp theo.

Ông Phạm Văn Cứng, 67 tuổi, ở ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, cho biết sau khi bãi biển rộng cả cây số bị sạt lở hết, dăm năm nay đê biển cũng bị sạt lở. Lúc đầu, đê sạt lở ít thì dân tự đắp lại nhưng về sau sạt lở nhiều, chính quyền phải huy động xe, máy đến đắp.

“Năm 2013 lở nhiều quá, đến nay, nhiều đoạn tỉnh chưa có tiền đắp lại”, ông Cứng nói và chỉ đoạn bờ biển hàng trăm mét trống trơn trước mặt. Từ năm 2010, một số nơi được xây kè bê tông nhưng năm 2013, kè bê tông cũng bị sóng biển phá mấy chỗ, sửa chữa tốn tiền tỷ.

Dù vậy, phân tích của ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống bão lụt tỉnh Trà Vinh, bây giờ muốn hạn chế sự tàn phá của biển, giữ đất huyện Duyên Hải, chỉ có giải pháp xây kè bê tông ở những khu vực xung yếu. 

Vì giồng cát, các loại cây trồng không chống chọi được với triều cường, đê biển đắp đất thì không thể đứng vững. Phải xây kè bê tông phía ngoài để đương đầu với sóng biển, rồi lùi vào trong trăm mét mới xây đê biển kết hợp giao thông.

Mấy năm qua ở huyện Duyên Hải đã xây dựng 3 đoạn kè bê tông, dài hơn 2 km, tốn 83 tỷ đồng, bảo vệ được đất phía trong. Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ông Đồng Văn Lâm cho biết, nhu cầu cấp bách của tỉnh hiện nay cần 475 tỷ đồng để làm 6 km kè bê tông ở những khu vực xung yếu, 743 tỷ đồng xây dựng đê biển. Khi có hệ thống này, hàng vạn hộ dân ven biển mới hy vọng an cư.

“Đừng quên tiếng sóng gào”

Hy vọng vì ông Chi cục trưởng Nguyễn Văn Trưởng nói: “Trồng được rừng ngập mặn thì mới giữ được bờ biển ổn định lâu dài”. Ông Trưởng giải thích, vùng biển Ba Động có hai mùa, từ tháng 10 năm trước tới đầu tháng 3 năm sau là mùa gió chướng xói lở bờ biển, những tháng còn lại là mùa gió Nam bồi lắng phù sa. Khi không có rừng ngập mặn, phù sa bồi lắng trong mùa gió Nam sẽ bị gió chướng cuốn đi; cây trồng trong mùa gió Nam vừa bén rễ cũng bị gió chướng quét sạch.

Ba Động đâu rồi? - Bài cuối: Vì đâu nên nỗi? ảnh 2

Một đoạn đê biển vừa gia cố sạt lở, hy vọng đứng vững trong mùa gió chướng cuối năm nay nếu xây được kè bê tông bên trái để ngăn bớt sóng dữ

“Phải giữ phù sa thì mới trồng được rừng”, ông Trưởng khẳng định. Ông Trưởng kể, dưới tỉnh Cà Mau và cả ở nước ngoài đã thành công với giải pháp “đê mềm” phục hồi rừng. Đó là đê chỉ có cọc với rọ đá giăng ngoài biển, vừa hạn chế sóng dữ vừa cho nước biển tràn lên mà giữ phù sa ở lại. Vùng phù sa giữ được ấy, tích cực trồng cây với cây mọc tự nhiên sẽ cho rừng xanh tốt. 

“Lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương làm thí điểm 500 mét, sắp tới chúng tôi sẽ triển khai”, ông Trưởng phấn khởi. Cùng với trồng rừng ngập mặn sẽ trồng rừng trên dải đất giữa kè bê tông và đê biển, tạo thêm một lớp áo xanh ngăn sóng gió ở những khu vực xung yếu.

Tuy nhiên, hình ảnh yên ổn đẹp đẽ ấy còn trong mơ ước vì điều kiện đầu tiên giản đơn nhất cho nó hình thành vẫn chưa có, đó là tiền. Nếu tình trạng sạt lở làm biến mất Ba Động, thực sự có nguyên nhân ở việc lấy cát san lấp mặt bằng Trung tâm Điện lực Duyên Hải, thì quả là tai họa quá lớn so với lợi ích đã khai thác.

Năm ngoái, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân làm việc với Bộ GT&VT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào ngày 25/6/2013, đã cảnh báo việc khai thác cát cho Trung tâm Điện lực. 

Ông nói: “Việc lấy cát từ bãi biển để tôn nền dẫn đến hậu quả khôn lường vì sẽ làm thay đổi địa hình bãi biển và tạo nên một dòng chảy xoáy. Dòng chảy này sẽ xói lở bờ biển tại chỗ và trong một vùng lân cận, rộng hay hẹp tùy thuộc vào khối lượng cát lấy đi. Quy luật này đã được kiểm nghiệm qua thực tế, tại hiện trường”.

GS.TSKH Trân phát hiện, dự án Trung tâm Điện lực và mở luồng mới từ biển vào sông Hậu “đều chưa tính đến tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng”, trong lúc “tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng không phải chỉ là ngập tĩnh mà còn là những thay đổi về động lực học biển ven bờ trong tương tác với công trình và đường bờ”. Nên nguy cơ ở đây rất lớn về nhiều mặt. Cũng theo GS.TSKH Trân, trong buổi làm việc, ông có hỏi khối lượng cát tôn nền Trung tâm Điện lực và nhận được hai con số là 1,7 triệu m3 và 3 triệu m3, ông đã nghĩ thực tế “phải cao hơn nhiều lần”. Thực tế, cần hơn 26 triệu m3.

Bây giờ Ba Động kỳ vĩ đã mất, người dân ven biển đang sống hết sức bất an và chưa biết bao giờ yên ổn trở lại. PV Tiền Phong đi cùng ông Phạm Văn Cứng trên bờ biển khu vực Khâu Lầu, ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, chứng kiến sự mong manh có khi còn hơn quả trứng của vùng đất hiện nay. Khâu Lầu có 85 hộ dân, như vừa trải qua cơn đại hồng thuỷ, và đang thường trực nỗi lo bị xói lở.

Ông Cứng kể, năm 1966, ông đi bộ đội thì bãi biển này còn mênh mông rừng ngập mặn, ban ngày ở trong đó địch không thể phát hiện. Rồi địch rải chất độc hóa học làm rừng chết một phần, hòa bình có lúc trồng phi lao thì cũng đỡ. 

Mấy năm nay, biển xâm thực dữ dội, xói lở hết bãi biển, lấy vào của ông gần một héc-ta đất và đến mùa gió chướng, gia đình ông cùng nhiều gia đình khác phải di cư. “Chiến tranh đã khổ, hoà bình còn phải di cư khổ hơn. Mong nhà nước hỗ trợ để cuộc sống không phải di cư nữa”, giọng ông cựu chiến binh 67 tuổi tha thiết.

Biển Ba Động nước xanh cát trắng xưa có câu “Xin mời du khách về đây/Viếng thăm cho rõ chốn này thần tiên”, nay đục ngầu và bất ổn. Chao ôi, thiên nhiên tạo lập hàng trăm hàng nghìn năm, đến thời biến đổi khí hậu nước biển dâng, con người có thể phá trong thời gian ngắn và muốn tái lập thì khó khăn, tốn kém kinh khủng mà chẳng biết có được không. Nên cô gái Ba Động xưa nhắn nhủ “Anh đi dù tới phương nào/Cũng đừng quên tiếng sóng gào phía em”, đẹp nghĩa bóng nay nhức nhối thêm nghĩa đen.

Sau thời gian dài phạt hành chính không có kết quả, ngày 24/4/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định tạm ngừng việc khai thác cát ven biển để kiểm tra, đánh giá lại tác động môi trường. Đây cũng là thời điểm Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh bị đồn thổi chuyện không hay và ông đã viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.

MỚI - NÓNG
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
TPO - Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau vừa kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp treo biển hiệu tiệm vàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là trang sức kim loại màu vàng (vàng nữ trang).