'Bà tiên' Nga

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cách đây không lâu, tôi có kể câu chuyện về một người phụ nữ ở Bình Định đã dành hơn 30 năm nâng đỡ những mảnh đời khuyết tật, người được nhiều người gọi với cái tên đầy thi vị là “bà tiên”.
'Bà tiên' Nga ảnh 1
Nụ cười những đứa trẻ khuyết tật ở "mái nhà chung". Ảnh: Trương Định.

Dù đã ngoài 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Thanh Nga (Chi hội trưởng Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga) hằng ngày vẫn miệt mài vun đắp cho “mái nhà chung” và luôn đau đáu cho những dự định trong tương lai để giúp đỡ được nhiều hơn những mảnh đời bất hạnh.

“Bà tiên” Nga chia sẻ về bước ngoặt cuộc đời mình. Đó là năm 1990, khi em trai của bà bị tai nạn gãy xương đùi, bà phải theo em nằm viện để chăm sóc, hết ở Quy Nhơn, Đà Nẵng rồi đến Hà Nội. Suốt 3 năm trời ròng rã khắp các bệnh viện, bà chứng kiến những hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều bệnh nhân, để rồi từ cảm xúc xót xa đồng cảm, bà nhen nhóm ý tưởng phải làm gì đó để giúp những người khuyết tật.

'Bà tiên' Nga ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga.

Năm 1993, bà xây dựng trung tâm dạy nghề cho những người khuyết tật ở thành phố Quy Nhơn. Đây là trung tâm đầu tiên ở tỉnh Bình Định thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho người khuyết tật. Những ngày đầu gặp vô vàn khó khăn, khi điều kiện kinh tế không cho phép, bà phải chạy vạy khắp nơi để có tiền duy trì hoạt động của trung tâm. Ngày càng có nhiều mảnh đời thua thiệt đã tìm đến trung tâm để được giúp đỡ. Với phương châm “không bao giờ từ chối ai”, trung tâm luôn dang tay đón nhận, đào tạo dạy nghề để người khuyết tật có thể tự làm ra sản phẩm của chính bản thân mình, tạo ra nguồn thu nhập.

Một trường hợp khá đặc biệt, mà theo bà Nga là điều kỳ diệu đáng tự hào ở mái nhà chung, đó là có một người khiếm thị đang từng ngày làm nên những “mũi thêu cảm xúc”. Bà Nga đã gọi như vậy, về những mũi kim thêu đầy ngẫu hứng nhưng chứa đựng những giọt mồ hôi, nước mắt và thậm chỉ là cả những giọt máu của chị Huỳnh Thị Diệu Nguyệt (37 tuổi, ở huyện Phù Cát). Là người bị khiếm thị từ nhỏ nhưng chị lại có đam mê chỉ dành cho những người mắt sáng, đó là thêu tranh!

Tưởng chừng bất hạnh sẽ theo suốt cuộc đời cùng với ước mơ mãi mãi xa vời, cho đến khi chị tìm đến trung tâm. Bằng quyết tâm, nghị lực bền bỉ và nhờ sự dìu dắt giúp đỡ của bà Nga, chị Nguyệt đã trở thành một nghệ nhân thực thụ về tranh thêu. Hiện chị đã hoàn thành một bộ tranh thêu chữ với hơn 65 tác phẩm. Theo bà Nga, Nguyệt là người khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam thêu được tranh chữ. Hiện hai cô cháu Nga-Nguyệt đang mong muốn có một cơ hội nào đó để có thể trưng bày, giới thiệu bộ tranh thêu đặc biệt này, qua đó nhắn gửi cho tất cả mọi người thấy được điều kỳ diệu mà chỉ có sự quyết tâm và niềm đam mê mới có thể làm được.

Mới đây, bà Nga nhắn tin cho tôi, báo rằng tại sự kiện “Ngày Bình Định Xanh” do Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Bình Định) phối hợp tổ chức, trung tâm của bà sẽ tham gia triển lãm những sản phẩm tái chế từ rác thải của những bạn khuyết tật và triển tác phẩm tranh thêu của Nguyệt. Với bà, đây là một tin vui mà bản thân nhiều năm ấp ủ. Và có lẽ vui hơn ai hết đó chính là Nguyệt và những bạn khuyết tật ở mái nhà chung!

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...