Bài 1: 'Đại bàng' ngành bán dẫn vào Việt Nam: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đang mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với đó là hàng loạt thách thức đặt ra với các doanh nghiệp, từ việc chen chân vào chuỗi sản xuất, chuyển đổi số, chuyển dịch sản xuất đến đào tạo nhân lực là những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm

Dồn dập đón vốn từ các "đại bàng

Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đang có sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư Bắc Mỹ đến Việt Nam. Đến nay, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. “Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam.

Vào tháng 6, Tập đoàn N&G của Việt Nam và Tập đoàn SEIN I&D của Hàn Quốc đã tổ chức lễ ký và trao Hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng “Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Hàn Quốc” bên trong Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Theo thỏa thuận, N&G Group và SEIN I&D sẽ cùng với các đối tác lớn của Hàn Quốc và quốc tế, hợp tác đầu tư xây dựng hạ tầng và các công trình chuyên biệt cho phát minh-sáng chế-sản xuất-ứng dụng các sản phẩm Micro-chip theo tiêu chuẩn công nghệ cao toàn cầu.

Tiếp nối làn sóng dịch chuyển sản xuất của các ‘đại bàng’, tháng 9/2023, Công ty TNHH Hana Micron Vina (Hàn Quốc) tổ chức khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn Hana Micron Vina 2 tại Bắc Giang. Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc với doanh thu dự kiến năm nay của công ty đạt 300 triệu USD. Đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động.

Tháng 10/2023, nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) đã khánh thành tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 đạt 1,6 tỷ USD.

Cùng với việc nhiều tập đoàn lớn đặt đại bản doanh ở Việt Nam, mới đây, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip. Theo các chuyên gia, với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, trong năm 2024, Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) cho biết, Mỹ rất quan tâm đến các lĩnh vực ngành nghề mà Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu như sản xuất ô tô, bán dẫn…và hiện tại có rất nhiều công ty Mỹ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam. Những chính sách gần đây của Mỹ như Friend Shoring (dịch chuyển sản xuất của Hoa Kỳ sang các đối tác thân thiện) đã coi Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách này của họ. Hiện tại, nguồn lực cho chính sách này đang được Mỹ bổ sung và một khoản hỗ trợ không nhỏ từ Đạo luật Chip sẽ hỗ trợ đối tác Việt Nam trong ngành bán dẫn.

Bài 1: 'Đại bàng' ngành bán dẫn vào Việt Nam: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt? ảnh 1

Cùng với những cơ hội từ các doanh nghiệp FDI ngành bán dẫn mang lại, các doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt những khó khăn, thách thức mới từ việc chuyển dịch sản xuất để tham gia chuỗi cung ứng. Ảnh: Nguyễn Bằng

Vai trò của Việt Nam sẽ ngày càng lớn hơn

Tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp với Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (AICTI) tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, ông John Neuffer - chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ - cho biết có nhiều doanh nghiệp (DN) Mỹ đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Intel, Mavel, Qualcomm, Amkor.

Theo ông John Neuffer, vai trò của Việt Nam trong chuỗi công nghiệp bán dẫn ngày càng lớn. Các trường đại học, những cơ sở đào tạo hàng đầu ASU, Arizona cũng mở rộng hợp tác với NIC để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.

"Người Mỹ hiểu rằng chuỗi cung ứng bán dẫn cần có sự hợp tác quốc tế, trong đó có Việt Nam", ông John Neuffer lưu ý. Ông cũng cho rằng, với sự hiện diện ngày càng nhiều DN bán dẫn Mỹ ở Việt Nam, ông John Neuffer tin tưởng sẽ phát huy tối đa tiềm năng bán dẫn của Việt Nam.

Đại diện BCG của Hàn Quốc cho rằng, khi các công ty vi mạch đang dịch chuyển nhà máy, Việt Nam cần có sự thống nhất, phù hợp với sự mở rộng các doanh nghiệp bán dẫn như TSMC.

Ông cũng cho rằng, thời gian gần đây, Việt Nam đã thành công với lợi thế lao động rẻ. Đây cũng là lý do để Samsung dịch chuyển các trung tâm sản xuất, R&D đến các quốc gia khác như Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, mong muốn về việc có nhà máy sản xuất bộ nhớ, con chip cần thực hiện trong dài hạn.

Đáng chú ý, không chỉ nhận diện tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất, đóng gói, thử nghiệm thuộc hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn toàn cầu, nhiều chuyên gia, như ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) cho rằng, Việt Nam có tiềm năng tham gia sâu hơn – nghiên cứu, sáng tạo và sản xuất chip Make in Việt Nam.

“Việt Nam là trung tâm phát triển ngày càng lớn mạnh đối với hoạt động kiểm thử và đóng gói bán dẫn. Việt Nam hiện là điểm đến của một số các công ty bán dẫn lớn nhất thế giới như Intel, Samsung, Amkor…Về lâu dài, những yếu tố thúc đẩy thị trường bán dẫn là trí tuệ nhân tạo (AI) điện toán hiệu suất cao, công nghệ di động thế hệ mới 5G, tự động hóa và công nghiệp… Ngành công nghiệp bán dẫn đã tăng trưởng 14% mỗi năm trong 20 năm qua và tăng trưởng hai con số trong 3 năm gần đây. Quy mô thị trường dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 và đây là cơ hội cho Việt Nam”, ông Clark Tseng cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn, một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam đã và đang xây dựng được ngành công nghiệp điện tử đủ lớn ở trong nước cũng như thu hút ngày càng nhiều các đơn vị sản xuất điện tử lớn. Đây là thị trường trực tiếp của công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.

Theo một báo cáo của Gartner, doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Điều này có nghĩa, tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD.

Để không bỏ lỡ cơ hội tỷ USD, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, xây dựng một đề án về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp sản xuất chip điện tử, nhằm tạo động lực phát triển mới.

MỚI - NÓNG