Bài 2: 'Đại bàng' ngành bán dẫn vào Việt Nam: Thách thức nguồn nhân lực

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, công nghiệp chip bán dẫn là ngành hết sức mới ở Việt Nam, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đón nhận các cơ hội và phát triển một cách hiệu quả, trong đó đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề mang tính chất nền tảng.

Về việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, theo TS Lê Quốc Cường - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM, với xu thế hiện nay và định hướng chiến lược của quốc gia, lĩnh vực vi mạch bán dẫn đã và đang được chú trọng phát triển.

Theo TS Lê Quốc Cường, ngành công nghiệp vi mạch là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Sự thành công của công nghệ vi mạch sẽ là thành công của những công nghệ chủ đạo của cuộc cách mạng 4.0. Một đất nước muốn làm chủ về công nghiệp, muốn đi nhanh về hiện đại hóa, công nghệ hóa thì phải làm chủ công nghệ lõi và ở thời đại cách mạng 4.0 của thời kỳ chuyển đổi số thì việc làm chủ công nghệ vi mạch bán dẫn cùng với công nghệ điện tử là hết sức cần thiết.

Theo TS Cường, TP. HCM là nơi đầu tiên thiết kế và sản xuất thành công vi mạch của Việt Nam, tự hào là nơi đi đầu phát triển. Đây cũng là thời điểm "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", khi cả thế giới tập trung vào phát triển vi mạch, các tổ chức về vi mạch có sự chuyển dịch. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược phát triển vi mạch trong khi TP. HCM, với Nghị quyết 98 của Quốc hội vừa thông qua, cũng nhấn mạnh ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, cùng các trường đại học, đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực ở lĩnh vực này, hơn 10 năm qua.

"Có thể thấy, ngành công nghệ vi mạch ở TP. HCM được sự tiếp sức của Trung ương, đã có nhiều điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển", TS Lê Quốc Cường nói.

TS Nguyễn Minh Sơn - Trưởng khoa Khoa học Máy tính, trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP. HCM) cho biết, ở Việt Nam, dự báo nhu cầu tăng trưởng nguồn lực thiết kế vi mạch tại Việt Nam dao động từ 10 - 20% mỗi quý. Theo khảo sát của ông Minh Sơn và Cộng đồng Vi mạch, mức lương của một kỹ sư có kinh nghiệm trên 10 năm có thể lên đến khoảng 1 tỷ đồng/năm. Trung bình, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 150 vị trí về thiết kế vi mạch khắp cả nước.

Bài 2: 'Đại bàng' ngành bán dẫn vào Việt Nam: Thách thức nguồn nhân lực ảnh 1

Nhân lực cho ngành bán dẫn cũng sẽ là một trong những thách thức với Việt Nam. Ảnh: Thanh Thế

Nhấn mạnh vai trò của việc đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất và việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo bà Thủy, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự kiến, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch, hy vọng sẽ có đầu tư vào công nghiệp sản xuất. Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế (ĐH Fullbright), trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.

Thu hút nhiều nguồn để đào tạo nhân lực

Ông Võ Xuân Hoài - Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, Thủ tướng đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được khoảng 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong đó có các công đoạn như đóng gói, lắp ráp, kiểm thử, thiết kế và phát triển sản phẩm... Do đó tập trung đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế chip bán dẫn vì đây là một lợi thế của người Việt bởi mạnh về các môn khoa học tự nhiên, về system. Cùng đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng giao cho NIC đánh giá thực trạng đào tạo tại các trường đại học cũng như đào tạo kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trên cơ sở đánh giá sẽ đưa ra giải pháp để làm sao Việt Nam có thể đào tạo được 50.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ.

Theo ông Hoài, đào tạo nguồn nhân lực ở đây không chỉ có đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nước mà mình kết hợp với các đối tác quốc tế để người học có cơ hội học tập, đặc biệt là thực hành ở nước ngoài. Chính vì thế, NIC đã đẩy mạnh kết nối với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về chip bán dẫn, qua đó tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu và các phòng thí nghiệm của họ theo phương châm vừa học vừa làm. Đó là chương trình đào tạo dài hạn chương trình cử nhân.

"NIC cũng đang phối hợp với các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ ngành chip bán dẫn. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng vì Việt Nam muốn nắm công nghệ lõi thì phải có đào tạo chuyên sâu. Điều này hiện nay chúng ta đang rất thiếu”, ông Hoài nói.

Theo đại diện NIC, nguồn lực để đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ đang được NIC tính toán dựa trên kinh nghiệm của các nước. Trong đó, đầu tiên là nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, tiếp đó là nguồn lực tư nhân. Hiện các doanh nghiệp tư nhân trong nước như FPT, CMC họ cũng đang tham gia rất mạnh vào đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ.

Hơn nữa, sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức Đối tác chiến lược toàn diện thì Mỹ đã cam kết sẽ tài trợ, hỗ trợ Việt Nam một phần nguồn lực để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, ngành STEM (ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) tại NIC.

Qua đây, phía Mỹ đang đề xuất NIC phối hợp với ASU để sử dụng một nguồn tài trợ của Chính phủ Mỹ - khoảng 50 triệu USD - nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Hiện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã cam kết hỗ trợ NIC 12,5 triệu USD để đào tạo nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo và ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện NIC đã triển khai một phần gói tài trợ này và năm 2024 sẽ mở rộng triển khai.

Tuy nhiên, nguồn lực quan trọng nhất vẫn là của Nhà nước để cung cấp học bổng cho sinh viên các trường đại học, thậm chí phải xây dựng chương trình đào tạo nghề ngay khi học sinh từ lớp 9 vào lớp 10 có thể tham gia đào tạo về công nghiệp bán dẫn.

"Ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ có công đoạn thiết kế, nhiều công đoạn khác không nhất thiết phải đào tạo đại học, sau đại học. Nhưng với đào tạo sau đại học, đặc biệt đào tạo tiến sĩ, trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn cần có kinh phí lớn để đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) cho sinh viên, học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu”, ông Hoài nói.

MỚI - NÓNG