Càng lớn tuổi, tôi càng nhận ra rằng sự kiên nhẫn là một trong những phẩm chất tuyệt vời nhất mà ai cũng cần tìm kiếm và tập luyện, nhưng không phải ai cũng mài dũa được. Người ta có thể diễn đạt nó bằng nhiều từ khác, như kiên trì, chịu đựng, bền bỉ, kiên định…, nhưng về cốt lõi, nó là tính kiên nhẫn thôi.
Để tôi chia sẻ với các bạn một câu chuyện có thật - một câu chuyện mà bạn thậm chí có thể thấy buồn cười. Đó là hồi tôi hơn 20 tuổi, tranh thủ một kỳ nghỉ dài nên đến thực tập ở công ty của bố tôi. Như thế rất tiện, vì tôi có thể được bố chở đến chỗ làm và chở về nhà.
Tôi sẽ được bố chở tới công ty và chở về nhà.
Tuy nhiên, có một hôm, bố tôi phải ở lại công ty muộn hơn bình thường, nên sau khi hết giờ làm việc, tôi quyết định tự về. Tôi phải nói rõ với bạn rằng, tại nơi tôi ở, có hình thức đi chung xe taxi, tức là bạn có thể vẫy chiếc xe đã có người ngồi rồi, và khi xe dừng lại, bạn có thể trao đổi với tài xế và người khách trên xe xem có đi cùng đường không. Nếu có thì bạn sẽ lên xe và chia sẻ tiền dịch vụ.
Hôm ấy, tôi lên xe khi đã có một người đàn ông ngồi ở ghế trước. Người này hình như quen biết sẵn với anh tài xế vì họ nói chuyện rất thân thiết và vui vẻ. Sau khi tôi lên xe một chút thì hai phụ nữ khác cũng lên. Tuy nhiên, đi chưa được bao lâu thì chúng tôi bị tắc đường. Đường đông khủng khiếp và xe cộ nhích từng chút một, chậm đến mức tôi thấy nhiều người đã rời những chiếc taxi phía trước để đi bộ.
Đường đông khủng khiếp và xe cộ nhích từng chút một.
Khi còn khoảng 100m nữa trước khi vào phố chính thì người đàn ông ngồi ở ghế trước gợi ý với anh tài xế rằng hãy rẽ sang làn sát vỉa hè - vốn dành cho xe đạp - để đi cho thoáng hơn, rồi khi vào phố chính thì lại trở về làn đường ô tô. Anh tài xế làm theo.
Nhưng khi chỉ còn cách phố chính vài mét thì chúng tôi bị chặn lại. Một cảnh sát ra hiệu cho xe dừng. Nói cho ngắn gọn, thay vì phạt tiền anh tài xế (vì khi có tắc đường vào đúng giờ cao điểm thì cảnh sát hạn chế phạt tiền), viên cảnh sát giữ bằng lái xe của anh ấy và yêu cầu anh ấy quay ngược lại đến đoạn cuối cùng của đường, tức là từ chỗ mới bắt đầu tắc đường, rồi lại nhích từ từ, bao giờ quay lại được chỗ viên cảnh sát đó thì sẽ được nhận lại bằng lái xe.
Một cảnh sát ra hiệu cho xe dừng.
Quả là một hình phạt “đau khổ” vì như thế tức là chúng tôi đi chậm hơn hàng chục lần so với việc cứ xếp hàng đi từ từ như ban đầu. Giờ thì, vốn là những vị khách ích kỷ, cả tôi lẫn ba người cùng ngồi trên xe đều trả một khoản phí nhỏ và nhảy xuống xe, đi bộ vào phố chính, để kệ anh tài xế tự chịu phạt.
Về sau, nghĩ lại câu chuyện này, tôi hiểu ra rằng sự kiên nhẫn không phải là cứ ngồi im chẳng làm gì cả, mà là dành thời gian để đảm bảo rằng những bước đi của bạn là đúng đắn và chính xác. Một chút thiếu kiên nhẫn có thể khiến bạn phải “khởi động lại”, còn tốn thời gian hơn rất nhiều so với lúc ban đầu. Ngoài ra, đừng quên rằng những người ngồi cùng xe với bạn - những người mà bạn nghĩ là đang bên cạnh mình - cũng có thể rời xe, lên một chiếc xe khác và đi tiếp, để chúng ta tự chịu sự chậm trễ và thụt lùi một mình.
Một chút thiếu kiên nhẫn có thể khiến bạn phải “khởi động lại”.
Cuộc sống không phải là một cuộc đua. Hãy cứ dùng thời gian của mình để làm mọi việc cho đúng.