Bài học từ vụ Hoa hậu Ý Nhi

TPO - Nhóm anti có hơn 600.000 thành viên, những câu nói gây tranh cãi của Ý Nhi (có cả phát ngôn không đúng sự thật trên YouTube, bị cắt ghép) đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

"Tôi hiện tại ở cương vị mới, bước tiến nhảy vọt so với tôi của 2-3 tháng trước. Bạn trai tôi cũng phải có sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ nhiều hơn để theo kịp tôi".

"Trong khi bạn bè đồng trang lứa dành thời gian để ngủ, chơi, uống trà sữa thì tôi đã tham gia cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn khi họ vừa học vừa làm tôi đã là hoa hậu. Từ giờ tôi giữ mình để xứng đáng với cương vị hoa hậu".

"Người nổi tiếng ở Bình Định có tôi, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung".

Đây là ba trong số những phát ngôn mà Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi bị nhiều người trên cộng đồng mạng cho là "vạ miệng".

Một tuần trở lại đây, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh, phát ngôn liên quan đến Ý Nhi. Từ một số người anti, sau đó lan trong nhóm sắc đẹp, đỉnh điểm là xuất hiện dày đặc trên một số trang, nhóm cộng đồng, nhất là nhóm anti có hơn nửa triệu thành viên, truyền thông vào cuộc.

Tước vương miện. Trả danh hiệu. Đây là yêu cầu của một bộ phận khá đông trên cộng đồng mạng.

Một số ý kiến cho rằng Hoa hậu Ý Nhi có những thiếu hụt nhưng chưa đến mức cần phải tước vương miện mà cho cơ hội sửa chữa, hoàn thiện.

Tha thứ. Chấp nhận lời xin lỗi. Đây là mong muốn của Ý Nhi, gia đình và ban tổ chức.

Ai cũng có cái lý riêng khi đưa ra quan điểm về Ý Nhi.

Bài học từ vụ Hoa hậu Ý Nhi ảnh 1

Ý Nhi khóc, hai lần xin lỗi trước khi nhóm anti tăng lên đến hơn 600.000 thành viên.

"Không chấp nhận Ý Nhi" đối trọng "Ai cũng từng có lỗi"

Ban đầu, bình luận trách Ý Nhi vạ miệng và phần lớn xuất hiện trên một số diễn đàn bàn về hoa hậu. Đây được xem là điều bình thường mỗi khi có hoa hậu đăng quang. Không tranh cãi về phát ngôn cũng là tranh cãi về ngoại hình.

Mọi chuyện chỉ trở nên nghiêm trọng khi phát ngôn của Ý Nhi xuất hiện trên một số trang cộng đồng nhiều khi ở dạng không thật nguyên vẹn hoặc trích chưa hết ý.

Đơn cử, sau câu "Tôi hiện tại ở cương vị mới, bước tiến nhảy vọt so với tôi của 2-3 tháng trước. Bạn trai tôi cũng phải có sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ nhiều hơn để theo kịp tôi", nguyên vẹn câu Ý Nhi còn có thêm: "Nhưng tôi vẫn mong bạn trai giữ được sự hồn nhiên, vô tư, sống đúng lứa tuổi. Tôi không muốn vì bản thân tôi mà ép người khác theo mình hay thay đổi hoàn toàn vì mình".

Trước phát ngôn "Trong khi bạn bè uống trà sữa, tôi đã là hoa hậu", Ý Nhi có nêu quan điểm bạn trẻ hiện nay rất giỏi, làm được nhiều điều.

Nhưng trong xã hội mở như Facebook, TikTok, công chúng không có thời gian để tìm hiểu nguyên vẹn một câu trả lời. Đó là lý do người nổi tiếng luôn phải thận trọng ở mọi lời nói. Nếu cho rằng dư luận "phải có nhiệm vụ" tìm hiểu phát ngôn sâu xa, sẽ không có cái gọi là "khủng hoảng truyền thông".

Bài học từ vụ Hoa hậu Ý Nhi ảnh 2Bài học từ vụ Hoa hậu Ý Nhi ảnh 3

Huỳnh Trần Ý Nhi tại đêm chung kết Miss World Vietnam 2023.

Chuyện Ý Nhi và hai á hậu đội vương miện, thăm bệnh nhân ở khách sạn 5 sao cũng gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nếu theo dõi cuộc thi sắc đẹp, fan biết đây là hoạt động "trả quyền lợi cho nhà tài trợ". Nhưng với cư dân mạng, nhiều người không biết điều đó.

Nhiều điều cộng hưởng khiến hội anti Ý Nhi lên đến hơn 600.000 thành viên.

Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng Ý Nhi mắc bệnh ngôi sao, điều cần nhất hiện tại là "tước vương miện". Một số người nổi tiếng, KOL vào cuộc, dư luận dậy sóng hơn, cho rằng việc yêu cầu Ý Nhi trả vương miện là chính đáng.

Khi nhóm anti phát triển hơn 600.000 thành viên, buổi off "antifan" xuất hiện.

Hình ảnh hai người phụ nữ được cho là "đáng tuổi chị, tuổi mẹ" Ý Nhi, cầm băng rôn với nội dung "Hãy trả lại vương miện" đang tạo thành hai luồng ý kiến trái chiều.

Hội anti Ý Nhi cho rằng đó là "điều bình thường", Miss World Vietnam 2023, ban tổ chức, gia đình nên chấp nhận "quy luật đào thải" của showbiz, làm sai phải chịu trách nhiệm.

Nhưng sau loạt chỉ trích, hiện một số người đang chuyển hướng cảm thông, bao dung hơn cho Ý Nhi. Họ đồng ý cô gái gốc Bình Định có phần trả lời truyền thông chưa đúng đắn, khéo léo, nhưng cũng không chấp nhận chuyện đưa nhau ra quán, dùng băng rôn treo lên. Đây được cho là hành động chưa văn minh.

"Nếu cho rằng phát ngôn của Ý Nhi là sai, vậy hành động dồn người khác vào đường cùng có nên hay không? Hãy suy nghĩ câu hỏi này trước khi tiếp tục ném đá", một người bình luận.

Những ngày đầu nổ ra tranh cãi, Ý Nhi xin lỗi nhưng không được chấp nhận, điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng càng ngày, việc từ chối lời xin lỗi diễn tiến thành yêu cầu tước vương miện, thậm chí có bình luận được cho là khá nhạy cảm, đòi tước cả mạng sống người khác.

"Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại", "Ý Nhi mới 21 tuổi, đáng trách là đúng nhưng phải dừng lại đúng lúc"... là bình luận của những người đề nghị cho Ý Nhi cơ hội thay đổi.

Chuyên gia trong giới bình luận gì?

Vụ việc của Ý Nhi nhận được nhiều sự bàn luận của giới chuyên gia.

Tiến sĩ Đoàn Hương, người thường có những phát ngôn không mấy thiện cảm về hoa hậu, cho biết bà thấy hình ảnh hoa hậu trao quà ở khách sạn 5 sao là khó chấp nhận.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đánh giá Hoa hậu Ý Nhi có phát ngôn vạ miệng, nhưng bản thân hoa hậu còn trẻ, cần phải học hỏi thêm. "Hoa hậu phải im hơi lặng tiếng một thời gian nếu không muốn gặp rắc rối về danh hiệu", ông Nguyễn Ngọc Long nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho rằng dư luận có quyền nêu ý kiến mọi vấn đề, nhưng điều mọi người nên hướng đến là phản biện chứ không công kích, miệt thị cá nhân, xúc phạm ngoại hình.

"Mục đích cuối của việc quan sát hiện tượng là tìm ra giải pháp tốt nhất. Mạng xã hội là nơi tiện lợi thảo luận vấn đề nhưng dễ xảy ra tranh luận thiếu tôn trọng và không xây dựng", ông nói.

Ông Phúc Nguyễn, người có kinh nghiệm đào tạo hoa hậu, cho biết dư luận đang quá hà khắc khiến hoa hậu gánh trách nhiệm quá lớn. "Cô ấy trẻ, non nớt nhưng gia đình chịu cái giá đắt. Chỉ có lòng bao dung, độ lượng mới giúp hoa hậu hoàn thiện", ông nói.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng lại nhấn mạnh yếu tố bạo lực mạng. Theo tiến sĩ, cô có theo dõi sự việc và thấy rằng câu chuyện đang bị đẩy đi quá xa. Tại Việt Nam, nhiều trường hợp ném đá, bắt nạt online khiến nạn nhân phải thu mình lại.

“Ném đá hay bắt nạt trên mạng xã hội có thể xem là hành động giết người tập thể mà không ai cảm thấy mình có lỗi. Mỗi người góp một lời nói khiến sự việc trở nên nghiêm trọng, khủng khiếp. Làm sao nạn nhân có thể thoát được”, TS Thu Hồng chia sẻ.

Tiến sĩ nhấn mạnh yếu tố người dùng từ ngữ bạo lực chưa thể ý thức ngay việc "góp viên đá", hủy hoại người có lỗi trong việc ném đá bằng lượt thả like, comment thù hằn. Nhiều người có quan điểm "có phải một mình tôi chửi đâu", khó nghĩ đến hậu quả sau này.

Trong trường hợp bị ném đá, điều cần thiết nhất là không bàn luận. "Nhanh chóng ra khỏi mạng xã hội, đóng tài khoản, không đọc, không chia sẻ và không phản hồi. Nếu tiếp tục phản ứng, giải thích chỉ nhận thêm nhiều gạch đá. Ngoài ra, cần cẩn trọng hơn trong những phát ngôn, chia sẻ để không biến mình thành “nạn nhân” bất đắc dĩ", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận định.

Đằng sau các hội, nhóm anti Ý Nhi

Ý Nhi được xem là trường hợp hoa hậu có nhóm anti đông thành viên nhất trong lịch sử các hoa hậu (nhấn mạnh là người nổi tiếng nào cũng có người ngưỡng mộ, người không thích).

Nhưng con số lên đến hơn 600.000 người lại khiến nhiều người không khỏi bất ngờ vì độ lớn mạnh. Một mặt mọi người đều thấy số người bức xúc, chê trách Ý Nhi là đông nhưng việc hình thành các nhóm anti với số lượng lớn kỷ lục sau một thời gian ngắn khiến một số người nảy sinh nghi ngờ.

Tờ Một thế giới dẫn lời chuyên gia công nghệ cho rằng số lượng người tăng nhanh một phần do hiệu ứng đám đông, phần do quản trị viên dùng tài khoản ảo để kéo thêm người dùng.

"Khi cần số lượng người tham gia đông, quản trị viên thường lập nhiều tài khoản ảo đẩy thành viên. Tất nhiên việc tăng nhanh kéo thêm sự tò mò của nhiều người, để xem có gì thu hút, đó là tâm lý bình thường của người dùng mạng xã hội", người này nói.

Bài học từ vụ Hoa hậu Ý Nhi ảnh 4

Nội dung không đúng sự thật xoay quanh câu chuyện của Ý Nhi xuất hiện ngày càng nhiều, lượt tương tác cao.

Một số lại thắc mắc lý do quản trị viên, người kiểm duyệt của nhóm anti Ý Nhi (có hơn 600.000 thành viên) có một số nick ảo, ít tương tác.

Những nhóm anti Ý Nhi khác nổi lên sau khi truyền thông đưa tin lượng người tham gia nhóm Anti Hoa hậu Ý Nhi vượt mốc hơn nửa triệu thành viên. Điều đáng lưu ý, đây là những nhóm trước đó anti nghệ sĩ, người nổi tiếng khác.

"Nhóm Anti Hoa hậu Ý Nhi" có hơn 160.000 thành viên thực chất được đổi tên từ "Nhóm Anti H.L - chén thần lươn lẹo", thành lập cách đây khoảng 5 tháng. "Chợ mua bán đồ giá rẻ TQ" (thành lập từ năm 2017, có khoảng 30.000 thành viên) đổi tên thành "Hội Anti Hoa hậu Ý Nhi", nhóm "Chợ cư dân PL" khoảng 5.000 thành viên cũng đổi tên thành “Hội anti tân Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi MWVN 2023"...

Ngay lúc này, chỉ cần content, từ khóa liên quan đến Ý Nhi, lượng tương tác sẽ cao. Nhãn hàng trà sữa thi nhau khuyến mãi, bung deal, sale với khách tên Nhi.

Một số trang cộng đồng, YouTuber và TikToker gán ghép những câu nói mà Ý Nhi hoàn toàn không phát ngôn, ví dụ: "Quế Ngọc Hải chỉ là kẻ làm thuê", "Hoa hậu Ý Nhi làm đơn kiện Quế Ngọc Hải, "Ý Nhi chửi cộng đồng mạng"... Những video có nội dung thiếu chính xác này đều có vài chục nghìn lượt xem, phía dưới là bình luận tiếp tục chỉ trích Ý Nhi.

Ý Nhi có cái sai, nhưng thông tin sai lệch cũng nhiều không kém.

Tóm lại, qua “vụ việc” Ý Nhi, những người có danh hiệu, người nổi tiếng, các nhà tổ chức thêm bài học xương máu. Và cộng đồng mạng cũng bộc lộ, đồng thời nhìn nhận thêm nhiều điều.

Tin liên quan