Kể về hành trình tham dự và đón nhận niềm vui giải Đặc biệt từ "Hoa Mai", ThS Lê Long Vĩnh chia sẻ: “Ban đầu, mình và thầy Quyền định tham gia chỉ để thử thách bản thân, cũng như khích lệ sinh viên tham dự, chứ không nghĩ đến việc sẽ đoạt giải. Nhận được giải Đặc biệt chung cuộc là một bất ngờ lớn với cả hai”.
ThS Lê Long Vĩnh cho biết, ý tưởng Floating Market Bench là một câu chuyện cảm xúc ấp ủ từ lâu, chỉ là chưa có dịp thể hiện qua thiết kế. Vốn ấn tượng với hình ảnh chợ nổi Cần Thơ, cũng từng làm tranh in về chợ nổi và hướng dẫn sinh viên thực hiện đồ án tốt nghiệp về đề tài này, ThS Lê Long Vĩnh quyết định đưa hình ảnh đặc trưng của sông nước Việt Nam vào tác phẩm dự thi của mình.
Bắt nguồn từ hình tượng những chiếc ghe nổi miền Tây, kết hợp với phần chân được cách điệu từ những cây bẹo để treo nông sản, bài thi Floating Market Bench đã bộc lộ trọn vẹn sự mộc mạc, chân chất của một vùng sông nước Việt Nam trên chất mộc của vân gỗ sồi, vừa mang tính ứng dụng cao, vừa mang theo sứ mệnh quảng bá giá trị văn hóa dân tộc. Chính tạo hình đặc biệt và ý nghĩa này đã làm nên nét riêng không thể trộn lẫn của sản phẩm, gây ấn tượng với giám khảo mùa giải 2019 - 2020.
Khó quên được buổi trao giải đầy kịch tính năm 2019 – 2020 của giải thưởng "Hoa Mai", ThS Vĩnh kể lại: “Đầu tiên, Hội đồng tiến hành trao giải Khuyến khích trước và gọi tên mình. Nhưng vào phút chót, khi mọi giải thưởng đã được yên vị trong tay chủ nhân của nó, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) bỗng xuất hiện và tuyên bố có sự nhầm lẫn trong khâu trao thưởng, Hội đồng sẽ trao một giải thưởng rất Đặc biệt cho một tác phẩm thật đặc biệt! Thế rồi, ông gọi tên mình và thầy Quyền, phân tích chi tiết bài thi của mình cho khán giả cùng nghe. Từ giải Khuyến khích bỗng vụt lên giải Đặc biệt – một giải thưởng cao quý trước nay chưa từng có. Đó là niềm vinh dự và cảm xúc khó diễn tả thành lời".
ThS Lê Long Vĩnh và ThS Huỳnh Thanh Quyền nhận giải Đặc biệt từ cuộc thi.
Mãi về sau, hai giảng viên này mới biết quá trình thẩm định bài Floating Market Bench cũng kịch tính. Thoạt đầu sản phẩm được chấm đạt giải Khuyến khích, nhưng ngay sau đó một số giám khảo tỏ ý không đồng tình và cho rằng bài thi này cần được đánh giá cao hơn khi đã xuất sắc truyền tải thông điệp của quốc gia, đậm đà bản sắc Việt và không trộn lẫn với bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường thế giới. Cuối cùng, sau đợt bỏ phiếu, Floating Market Bench chính thức được trao giải Đặc biệt chung cuộc.
ThS Lê Long Vĩnh và ThS Huỳnh Thanh Quyền còn là hai giảng viên chuyên "thúc đẩy sinh viên đi thi để cọ sát thêm kinh nghiệm thực tế. ThS Lê Long Vĩnh cho biết, đợt chấm đồ án cho sinh viên trường ĐH Văn Lang gửi bài dự thi giải "Hoa Mai" năm nay cho thấy có nhiều bài rất tốt, số lượng điểm A cũng nhiều hơn năm trước. Điều đáng khen là cách kiểm soát bài trong quá trình thi công đạt hiệu quả. Các bạn chủ động liên tục đến nhà xưởng để bắt tay cùng làm với thợ từ những khâu đơn giản nhất. Chính những kinh nghiệm tích lũy từ khoảng thời gian vất vả này sẽ trở thành điểm mạnh giúp các bạn biết cách truyền tải ý tưởng và hoàn thiện sản phẩm đúng nhất với ý tưởng nguyên bản của mình.
Ra đời khi mảng thiết kế đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam còn non yếu, hầu hết doanh nghiệp chỉ gia công mẫu rồi xuất khẩu theo đơn hàng đặt sẵn, cuộc thi “Hoa Mai” chính là giải pháp cho những trăn trở của người làm nghề suốt bao năm qua về đội ngũ chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ cho ngành thiết kế Việt. Được tổ chức lần đầu vào năm 2002 và duy trì thường niên cho đến hôm nay, đây được xem như một hoạt động truyền thống tìm kiếm những tài năng thiết kế triển vọng cho ngành chế biến gỗ, tạo nên sân chơi bồi dưỡng tài năng trong cộng đồng thiết kế đồ gỗ tại Việt Nam. Với quy mô ngày một mở rộng, tập hợp 300 – 400 doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến đồ gỗ và hàng trăm thí sinh dự thi mỗi năm, giải thưởng đã trở thành sợi dây kết nối bền chặt giữa các nhà thiết kế với doanh nghiệp trong ngành trong suốt gần 20 năm qua.