Ban nhạc khiếm thị lan tỏa tinh thần Trịnh

TP - Vào dịp 1/4, giữa vô vàn chương trình tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, nơi con ngõ nhỏ ở phố Yên Lãng (Hà Nội) có một đêm nhạc đặc biệt hoàn toàn do các nghệ sĩ khiếm thị thực hiện. Họ thường tổ chức các đêm nhạc Trịnh gây quỹ cho Hội Bác sĩ tình nguyện vào mỗi tối thứ Sáu tại cà phê Mơ Phố.
Ban nhạc khiếm thị lan tỏa tinh thần Trịnh ảnh 1
Không gian Mơ Phố lắng đọng cùng nhạc Trịnh tối thứ Sáu hằng tuần. Ảnh: TRẦN HIỆP

Đêm nhạc diễn ra tại tầng 1 của căn nhà ống mặt tiền chỉ tầm 3m tại con ngách tuy nhỏ nhưng cũng có vỉa hè đủ để bày vài chiếc bàn. Quán được bài trí đơn giản với nhiều tranh ảnh và câu nói của Trịnh Công Sơn treo trên tường bên cạnh hình ảnh các em nhỏ vùng cao… Khán giả có vẻ trật tự hơn các quán cà phê khác và vỗ tay hình như cũng to hơn. Họ chỉ có thể giao tiếp với các nghệ sĩ trên sân khấu bằng âm thanh. Ban nhạc và quán cà phê đều có tên là Mơ Phố. Đây cũng là địa chỉ khám chữa bệnh miễn phí quen thuộc của Hội Bác sĩ tình nguyện (BSTN) sáng thứ Bảy hằng tuần.

Tuấn Ngọc phiên bản trai trẻ

Tuần nào vào tối thứ Sáu, nơi đây cũng có đêm nhạc Trịnh. Điều đặc biệt là đêm nhạc không thu phí hay tiền nước mà khán giả tùy tâm đóng góp. Doanh thu dành cho hoạt động khám chữa bệnh miễn phí. Ngoài ra, tại quán còn bày bán nhiều sản vật từ các vùng miền để gây quỹ. Cứ vài tháng, ban nhạc lại cùng Hội BSTN lên đường tới các thôn bản miền núi để khám bệnh, tặng quà và giao lưu văn nghệ.

Ban nhạc Mơ Phố ra đời cùng thời điểm thành lập quán cách đây hơn 7 năm, gồm 3 thành viên Trần Quốc Hoàn (guitar, hát), Trần Văn Thương (piano, hát, chỉnh âm thanh) và Nguyễn Văn Linh (sáo). Các thành viên Mơ Phố đi nhiều nơi biểu diễn đủ loại nhạc nhưng cứ về đến quán là họ lại chỉ chuyên nhạc Trịnh. Ban nhạc đã cho ra đời 4 album dạng USB, trong đó 3 album về sau đều là nhạc Trịnh. Ý tưởng làm album nảy sinh trong thời gian đại dịch. Các tiết mục hát và hòa tấu do ba thành viên tự biên tự diễn tại phòng thu ở nhà Linh. “Thu bên ngoài phải thuê chi phí lớn nên chúng tôi chia nhau tự làm, trên tinh thần cảm thấy tốt nhất,” Hoàn cho hay.

Ý tưởng biến quán thành không gian nhạc Trịnh là của tiến sĩ, bác sĩ Ngô Tuấn Anh (Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện 108) - chủ quán và cũng là chủ tịch Hội BSTN. Một lần về Bắc Ninh khám bệnh tình nguyện, Tuấn Anh gặp Thương và mời anh về tổ chức ban nhạc cho quán. Sau một số lần thay đổi thành viên tới năm 2018, Thương “chốt” được Linh và Hoàn. Họ biết nhau từ hồi học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu; Hoàn là thầy dạy đàn bầu của Thương. Quán Mơ Phố trở thành nơi làm việc và nguồn thu cố định của các thành viên ban nhạc, là cái duyên đưa họ đến với nhau và gắn bó với âm nhạc nhiều hơn.

Hoàn sau khi tốt nghiệp đại học ngành đàn bầu năm 2005 không xin được việc nên đi học thêm tại chức chuyên ngành báo chí. Anh có thời gian làm báo, có vài năm viết lách, từng có bài đăng trên báo Tiền Phong. Mơ Phố chính là nơi phát lộ giọng hát của anh. Hoàn vốn thích chơi nhạc cụ hơn; anh chỉ dành giọng hát của mình cho Mơ Phố, hoặc các buổi diễn của Hội BSTN. Khán giả cũng có thể gặp các thành viên Mơ Phố tại điểm diễn đền Quán Đế các tối cuối tuần qua các tiết mục hòa tấu nhạc dân tộc.

Ngoài chuyện giọng hát vang, khỏe, màu sắc của Hoàn có phần lãng tử gợi nhớ Tuấn Ngọc. Có lẽ Tuấn Ngọc thời trẻ hát thế nào thì giọng Hoàn như thế, một giọng nam cao âm sắc vào loại hiếm, hát được nhiều dòng nhạc. Lối hát của cả hai đều có sự mộc mạc và đặc biệt toát lên một năng lượng mạnh mẽ, thể hiện nghị lực cũng như tình yêu cuộc sống của chủ nhân.

Ban nhạc khiếm thị lan tỏa tinh thần Trịnh ảnh 2
Ban nhạc Mơ Phố, từ trái qua: Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Thương, Trần Quốc Hoàn. Ảnh: TRẦN HIỆP

Duyên mơ phố

Hoàn thuộc khoảng 50 bài nhạc Trịnh. Anh tâm sự, trong số những bài anh ưa thích và hay hát có Gọi tên bốn mùa. Tuy vậy, anh không đồng ý với câu kết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Chưa từng nhìn thấy ánh sáng hay kiếp sống này trong dạng vật chất, Hoàn không vì thế mà buồn. “Buồn thì nó lại càng tồi tệ thôi”, anh nói.

“Mỗi người có một khó khăn riêng. Nếu cứ nhìn vào khó khăn, nó luôn khó khăn. Thực ra cuộc sống cũng rất đáng sống. Được biểu diễn, được đàn hát, tôi thấy đời rất có ý nghĩa. Còn bao nhiêu thứ làm cho mình đam mê, yêu thích thì làm sao buồn chán được”, anh nói.

“Tuy mình phiền hơn người thường một chút, nhưng cuộc sống vẫn phải có cái nọ cái kia thì mới ra cuộc sống chứ”.

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Linh

Thương cuối tuần mới lên Hà Nội diễn cùng mọi người. Thời gian còn lại anh cống hiến cho phong trào của Hội Người mù huyện Gia Bình (Bắc Ninh) - nơi anh làm hội phó. Album mới nhất của ban nhạc Mơ Phố dành riêng cho giọng hát của Thương tên Duyên phát hành trùng với sinh nhật lần thứ 7 của quán.

Theo Thương, gần với chủ đề album hơn cả có Tạ ơn: “Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người/ Tạ ơn đời, tạ ơn ai/ Đã cho tôi tình sáng ngời…”. Nhưng bác sĩ Tuấn Anh chọn cái tên này còn muốn nói rằng Mơ Phố là địa chỉ se duyên cho 4 bộ đôi. Họ gặp nhau vì cùng đến đây nghe hát. “Mơ Phố là cái duyên lớn lắm. Ai đến cũng đều cảm thấy quen thuộc, thoải mái như ở nhà. Ai đến cũng đều quen thân, chơi với nhau hết”, Linh nói.

Năm ngoái, trong một lần đi diễn cùng anh em, Linh bước hụt bị ngã. Không va vào đâu mà cũng bị đứt cả hai gân chân. Đây cũng chính là hậu quả của hơn chục năm chạy thận, xương cốt, nội tạng suy yếu. Tưởng sau vụ đó không gượng dậy nổi nhưng Linh vẫn hồi phục tốt, nhanh chóng quay trở lại biểu diễn. Niềm đam mê âm nhạc đã giúp Linh vượt qua những hạn chế về thể chất. Linh tâm sự: “Mình sống về âm nhạc nên âm nhạc giúp mình vượt qua mọi thứ. Lúc cảm thấy chán nản, nghe một bài mình thích hoặc chơi nhạc với anh em, lại quên hết mọi thứ…”. Sức khỏe còn do tinh thần điều chỉnh, nên mình cứ khỏe là nó khỏe thôi”.

Câu hát mà Trần Quốc Hoàn tâm đắc là “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” trong bài Mưa hồng. Anh cảm nhận: "Sống không hời hợt nhưng cũng đừng bị đắm chìm vào một đau khổ hay lỗi lầm nào quá. Vì cuộc sống là hữu hạn, thời gian mỗi ngày chắc chắn sẽ ngắn đi”.

Mùa hè năm 2012, Linh bị sốt và nôn nhiều. Đi viện khám mới biết suy thận đã vào giai đoạn cuối, từ đó, bố Linh từ Thanh Hóa chuyển ra Hà Nội chạy xe ôm để đồng hành với con. Hai bố con thuê nhà ở Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội. Cứ cách ngày Linh phải sang Bệnh viện Đống Đa gần đó để chạy thận. Do cuộc sống gắn với bệnh viện nên Linh không thể theo ban nhạc đi diễn xa được. Mỗi lần chạy thận 4 tiếng là mất đứt một buổi học, trong khi lên đến đại học, số lượng môn phụ lại nhiều nên Linh bằng lòng với bằng trung cấp ngành sáo trúc.

“Ai mới mắc bệnh cũng bị sốc, dần dần nằm chạy thận thấy mọi người đều như mình thì cũng cố gắng thôi. Mình nghĩ đến nhiều người hoàn cảnh còn khó khăn hơn để vượt qua”, Linh chia sẻ. Linh và ban nhạc còn góp phần động viên, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Tiền bán các album của nhóm cũng đều góp vào kinh phí hoạt động cho Hội BSTN.

Khi hỏi về một bài nhạc Trịnh tâm đắc nhất, cả Thương và Linh đều nhắc ngay đến Để gió cuốn đi. Gió cuốn đi những nỗi buồn, đồng thời lan tỏa tinh thần lạc quan vui sống khắp thế gian.