Luôn chủ động khi tự điều trị tại nhà
Trần Minh Khoa (năm thứ hai, khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) phát hiện mình dương tính với COVID-19 từ ngày 25/8. Khu vực mà Khoa sống là một trong những vùng nhiều ca nhiễm của Q. 8, TP. HCM với 966 ca F0 và 85 ca tử vong trong đợt dịch này. Dù chỉ ở nhà và đã bảo hộ bản thân an toàn khi ra ngoài nhưng cả ba người gia đình Khoa đều bị nhiễm bệnh.
Nhận thấy mình có các triệu chứng của COVID-19, Khoa và anh trai đã chuẩn bị sẵn những nhu yếu phẩm cần thiết, các loại thuốc cơ bản. Ngày 22/8, anh của Khoa có kết quả dương tính, nên cậu bạn cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình và mẹ. Khoa chia sẻ: “Khi nhân viên y tế thông báo mình và mẹ đã dương tính, mình rất lo lắng vì mẹ lớn tuổi và có bệnh nền. Nhưng nhờ sự động viên, trấn tĩnh của mọi người, mình đã vững tâm và giữ tinh thần lạc quan để sẵn sàng đối mặt”.
![]() |
Sau khi khỏi bệnh, Trần Minh Khoa sẽ sắp xếp lại lịch học và công việc để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. |
Khoa đã chủ động đi mượn máy đo SpO2 để theo dõi cho mẹ và anh trai. Cậu bạn luôn trấn an và động viên cả nhà cùng nhau cố gắng vượt qua, cũng như tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Hiện tại Khoa đã điều trị tại nhà được 18 ngày và có kết quả âm tính lần thứ nhất.
Minh Khoa bộc bạch: “Đối với bệnh nhân có triệu chứng nhẹ như mình, mình nghĩ mọi người nên ăn uống đủ dinh dưỡng, vận động nhẹ và tập thở. Bên cạnh đó, người bệnh phải luôn giữ tinh thần lạc quan và cập nhật tình hình sức khỏe liên tục với bác sĩ. Mình có giữ liên lạc với các bác sĩ tư vấn online và lưu thông tin các đơn vị phản ứng nhanh về cấp cứu và oxy để kịp thời xử lý”.
Là một F0 tự điều trị tại nhà, Han Sovy (27 tuổi, sống tại TP. HCM) luôn giữ cho mình sự bình tĩnh và tinh thần tích cực. Sovy phát hiện mình dương tính với COVID-19 từ cuối tháng 7/2021 và không có triệu chứng nặng. Trước đó, cậu bạn đã chuẩn bị sẵn tâm thế, không chủ quan vì tự xác định mình là F2, F3 nên đã tự cách ly tại nhà và tập phản ứng như mình là F0.
![]() |
Han Sovy luôn giữ tinh thần lạc quan và lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng. |
Theo Sovy, mỗi người cần chuẩn bị kiến thức đầy đủ từ các nguồn thông tin tin cậy và tham khảo hướng dẫn từ các bác sĩ uy tín. Đồng thời, Sovy khuyên mọi người không nên xem các tin tiêu cực hoặc nguồn tin về các ca bệnh trở nặng. Cuối cùng, việc tạo ra một môi trường thông thoáng giúp oxy mới trao đổi liên tục sẽ khiến ta không có cảm giác ngột ngạt.
Sovy bộc bạch: “Mình cho rằng tâm lý là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các bạn đang điều trị tại nhà. Với những trường hợp F0 trẻ tuổi, không bệnh lý nền thì tâm lý sẽ là yếu tố chiếm đến 80% kết quả điều trị".
Giữ tâm thế thoải mái, bình tĩnh
Nguyễn Ngọc Quỳnh (năm thứ hai, khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) đã lường trước việc mình có thể nhiễm bệnh vì nhà Quỳnh nằm trong khu vực phòng toả. Ngọc Quỳnh và gia đình phát hiện dương tính với COVID-19 từ cuối tháng 7/2021. Cô bạn cho biết mình cũng không quá bất ngờ với kết quả này, nhưng cũng khá lo lắng vì gia đình có người lớn tuổi.
![]() |
Ngọc Quỳnh hy vọng sau khi hết dịch sẽ có một chuyến đi chơi xa cùng bạn bè. |
Cả nhà Quỳnh được sắp xếp điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 8 ở TP. Thủ Đức. Quỳnh chia sẻ: “Khi biết nhiễm bệnh, nhà mình đã nhờ người mua hộ thuốc, các nhu yếu phẩm cần thiết. Bên cạnh đó, mình cũng tìm hiểu kĩ hơn về bản chất của bệnh này để giữ tâm thế lạc quan và động viên gia đình”. Cô bạn cho biết mình không gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị tại bệnh viện và các bác sĩ, tình nguyện viên cũng rất nhiệt tình, chu đáo.
Để giữ vững tinh thần, Quỳnh thường giải trí bằng cách xem phim, chơi game, nói chuyện với người thân. Trong khu cách ly cũng tổ chức các hoạt động ca nhạc, tư vấn tâm lý cho người bệnh, nên Quỳnh cũng khá thoải mái và lạc quan. Hiện tại, Quỳnh đã có kết quả âm tính nhiều lần và cảm thấy yên tâm hơn.