Ngày 22/4, tại khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH&NV đã tái dựng không gian văn hóa truyền thống hướng đến những đối tượng có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa diễn xướng dân gian - đặc biệt ở loại hình nghệ thuật hát bội. Đồng thời chương trình cũng giới thiệu, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này.
“Viên ngọc quý” trong kho tàng nghệ thuật Việt
Chương trình có sự tham dự của các đơn vị có chuyên môn về âm nhạc dân tộc và các diễn giả, nghệ sĩ ưu tú có nhiều kinh nghiệm, cùng sự tham dự đông đảo của các bạn sinh viên có đam mê với nghệ thuật truyền thống. Tại chương trình, diễn giả - NSƯT Hữu Danh đã giới thiệu nghệ thuật hát bội, giải đáp những thắc mắc về nghệ thuật cũng như mang đến cho các bạn sinh viên trải nghiệm được làm nghệ sĩ trên sân khấu với những kỹ thuật biểu diễn như cưỡi ngựa, chèo xuồng hay giả giọng cười...
Đông đảo các bạn sinh viên đến tham dự chương trình. |
Chia sẻ về loại hình nghệ thuật này, NSƯT Hữu Danh cho biết, hát bội nằm trong bức tranh tổng thể văn hóa, một loại hình nghệ thuật văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam có từ lâu đời. Hát bội mang tính chất tượng trưng và ước lệ khác với sân khấu cải lương là nghệ thuật dân gian. Hát bội có nhiều hình thức, nhiều ngôn ngữ đa dạng. Mỗi nhân vật hóa trang đều mang một cách riêng biệt không giống nhau thể hiện các tính cách đặc trưng có từ lâu đời. Mọi dạng tính cách, hành động của nhân vật đều được mô hình hóa qua cách hóa trang, vẽ mặt và vũ đạo mà người nghệ sĩ phải “nằm lòng” trong từng vai diễn.
Diễn giả - NSƯT Hữu Danh giới thiệu, giao lưu về nghệ thuật hát bội. |
Chương trình đã mang đến những kiến thức về âm nhạc dân tộc, tình hình phát triển và vai trò của âm nhạc dân tộc học đường trong đời sống nói chung và giới trẻ nói riêng. Qua đó mang đến những góc nhìn mới, hướng tiếp cận mới về nguồn gốc của âm nhạc dân tộc cho các bạn trẻ.
Trích đoạn Tuồng Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá. |
Lưu giữ mạch nguồn truyền thống
Nền âm nhạc truyền thống Việt Nam là sự kết tinh đáng tự hào của những sáng tạo nghệ thuật vô giá được lưu truyền, bồi đắp qua nhiều thế hệ. Đó là minh chứng sống động cho một nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
Tham dự chương trình, Thùy Trang (năm thứ nhất, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: "Hiện nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại do phải đương đầu với nhiều bộ môn nghệ thuật hiện đại khác, công chúng trẻ chưa thật sự quan tâm nhiều đến nghệ thuật truyền thống nhưng vì tình yêu nghệ thuật, những nghệ sĩ hát bội hiện vẫn thường phối hợp với nhau đi trình diễn nhiều nơi. Qua tất cả những điều đó, sân khấu “Âm nhạc dân tộc học đường” đã giúp thế hệ trẻ hiểu thêm và yêu hơn về nền âm nhạc truyền thống của dân tộc. Ý thức hơn về việc giữ gìn, phát huy và quảng bá những giá trị cao đẹp của nền âm nhạc nước nhà ra thế giới".
Nghệ thuật hóa trang mặt nạ đặc trưng của hát bội. |
Sinh viên giao lưu cùng nghệ sĩ hát bội. |
Theo Trang, để có thể vừa bảo tồn, vừa phát triển, người làm nghề phải vừa có duy trì cả những tác phẩm mang tính bảo tồn nguyên gốc, đồng thời vẫn thích nghi với thử nghiệm mới. "Thế hệ trẻ có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc nói riêng và các giá trị di sản của đất nước nói chung. Chính vì thế, cần “đánh thức” tình yêu âm nhạc truyền thống ở các bạn trẻ bằng cách ươm mầm cảm thụ, tạo được sự trân trọng và ý thức gìn giữ", Trang bày tỏ.
Hát bội (còn gọi là hát bộ, hay tuồng cổ) có nguồn gốc từ hát bộ cung đình, đó là lối hát tuồng với bộ điệu. Khi diễn hát, các đào kép vừa hát vừa múa, quay lại sân khấu, điệu bộ hấp dẫn với các vật tượng trưng.