Ngày 5/1/2023, đoàn sinh viên K41 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có dịp đến thăm và giao lưu văn hóa tại Đền Hùng Lô, xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tại đây, các bạn trẻ được đắm mình trong các làn điệu hát xoan do phường xoan An Thái thể hiện và tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc ra đời loại hình nghệ thuật dân tộc này.
UNESCO công nhận Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. |
Theo chia sẻ của Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Nguyễn Thị Lịch, phát tích câu chuyện hát xoan có từ làng An Thái, xã Chiến Thắng, huyện Phù Ninh (nay là làng An Thái, xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì, Phú Thọ). Hát Xoan gồm 3 chặng cơ bản: Chặng 1 - Hát nghi lễ; chặng 2 - Hát quả cách và chặng 3 - Hát gieo duyên.
Thông qua buổi thực tế, sinh viên được tiếp cận gần hơn với những giá trị cổ truyền và nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc, từ đó vun đắp tình yêu quê hương, đất nước. Tại đây, các bạn trẻ có cơ hội hòa mình trong không khí Hát Xoan rộn ràng, giao lưu và thực hành trực tiếp dưới sự chỉ dạy của các nghệ nhân.
Sinh viên vui vẻ, giao lưu ca hát cùng các nghệ nhân Hát Xoan. |
Nói về cơ duyên đến với nghệ thuật này, nghệ nhân Bùi Thị Hà trải lòng: “Trước kia cô cũng không thích hát xoan đâu, nhưng được mẹ chồng cô là NNND Nguyễn Thị Lịch dìu dắt, cô dần hát và học thuộc, và ngấm dần vào trong máu, cô trở nên yêu thích và muốn gắn bó với hát xoan hơn. Cô thấy hát xoan hay lắm, từ ngữ trong hát xoan rất hay, trong sáng và ý nghĩa vô cùng”.
Lần đầu tiên biết đến và lắng nghe Hát Xoan, Việt Hoàng (20 tuổi, Thái Bình) cho hay: “Rất may mắn khi lần đầu mình được nghe hát xoan do chính các nghệ nhân phường Xoan Phú Thọ thể hiện. Mình cảm nhận được sự ấm áp trong từng câu hát và sự nồng hậu, dễ thương của con người đất Tổ. Ấn tượng nhất khi mình được các nghệ nhân mời lên giao lưu cùng. Chỉ một thời gian tiếp xúc ngắn ngủi nhưng mình yêu làn điệu Xoan, yêu con người và mảnh đất Phú Thọ”.
Người trẻ chăm chú lắng nghe nghệ nhân chia sẻ những câu chuyện về Hát Xoan. |
Người trẻ ngày nay thể hiện thái độ tích cực khi tiếp nhận các di sản, giá trị văn hóa của người Việt. Trước vấn đề “lai căng”, “biến dạng” loại hình nghệ thuật theo thời gian, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch khẳng định: “Bảo tồn song hành cùng phát triển. Như tôi biết, Hà Myo đã phát triển và phổ nhạc, lời rất hay. Đây chính là tín hiệu đáng mừng khi giới trẻ yêu mến và phát triển loại hình hát xoan này”.
Ca sĩ Hà Myo thổi làn gió mới khi kết hợp hát xoan cùng rap và EDM. |
Đứng trước biến chuyển của thời đại, sự du nhập văn hóa ngày một đa dạng đặt ra vấn đề giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Nghệ nhân trực tiếp chỉ dạy sinh viên điệu múa hát xoan. |
“Hát xoan cần được quan tâm và đi sâu vào đời sống tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam. Giữ gìn bản sắc dân tộc, song hành cùng phát triển kế thừa, phát huy đòi hỏi những thế hệ cần sự truyền thụ và tiếp thu hợp lý. Những buổi thực tế ý nghĩa dành cho sinh viên cần được quan tâm và đầu tư nhiều hơn để người trẻ có cơ hội tiếp xúc và thêm yêu những di sản văn hóa cha ông để lại”, Việt Hoàng tâm sự.