Mỗi bạn trẻ đến tham dự workshop thủ công không chỉ mong muốn có một món quà tự tay mình làm ra để tặng chính mình, bạn bè hoặc người thân mà còn được trải nghiệm cảm giác thư giãn khi tập trung vào công việc sáng tạo.
Theo nhiều nghiên cứu, việc tham gia các hoạt động thủ công giúp kích thích cả hai bán cầu não, đồng thời giảm căng thẳng và lo âu. Khi làm thủ công, người tham gia sẽ tập trung vào việc cắt, dán, gấp hay tạo hình sẽ tạm quên đi những lo lắng trong cuộc sống hằng ngày, từ đó giúp tái tạo năng lượng tinh thần. Đây là lý do tại sao nhiều người trẻ đang tìm đến các workshop handmade như một hình thức giúp người trẻ xua tan những căng thẳng và mệt mỏi trong cuộc sống.
Workshop vẽ tranh nghệ thuật tại CocoNhy Art - Workshop (TP. HCM). |
Nguyễn Mỹ Linh (21 tuổi, trường ĐH Kinh Tế - Tài chính TP. HCM) đã bắt đầu tham gia workshop thủ công hơn một năm nay. Linh cho biết, ban đầu, cô chỉ muốn tìm một hoạt động giải trí vào cuối tuần, nhưng sau vài lần, cô nhận ra workshop giúp bản thân cảm thấy nhẹ nhàng và thư giãn hơn rất nhiều: “Mọi người thường bị cuốn vào công việc, học tập nhưng khi được đến các buổi workshop thủ công, họ có thể tắt điện thoại và tạo ra một sản phẩm có thể không hoàn hảo, nhưng đó là thành quả tự tay mình làm ra”.
Workshop thu hút khách nước ngoài tham gia. |
Quá trình tạo ra một món đồ handmade thường đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Người tham dự phải chú ý từng chi tiết nhỏ, từ việc lựa chọn nguyên liệu, màu sắc cho đến cách phối hợp sao cho hài hòa. Trong từng giai đoạn, bạn trẻ học cách lắng nghe và trân trọng những cảm xúc của mình. Mỗi chiếc vòng hay mỗi mảnh gốm nhỏ đều chứa đựng tình cảm, sự tỉ mỉ và ý nghĩa riêng. Đó không chỉ là những sản phẩm mà còn là kết quả của một quá trình “chữa lành nội tâm”.
“Mỗi khi đến những buổi workshop như thế này, mình học được cách kiên nhẫn nhiều hơn. Dù hiện tại, việc học của mình bận rộn hơn nhưng chắc chắn mình sẽ tiếp tục tham gia vào thời gian rảnh, đó là cách mà mình đã nạp năng lượng và làm mới bản thân” - Vũ Thị Phượng Trinh (19 tuổi, ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ. |
Ngoài việc giúp bản thân thư giãn, các buổi workshop handmade còn là dịp để các bạn trẻ gặp gỡ, kết nối với những người có cùng sở thích và đam mê: "Trong một thế giới mà sự kết nối con người ngày càng bị thay thế bởi mạng xã hội và công nghệ, việc tham gia một buổi workshop không chỉ giúp người trẻ gặp gỡ người mới mà còn xây dựng mối quan hệ sâu sắc, chân thành hơn".
Workshop tranh kính màu tại Solar (Q. 1, TP. HCM). |
“Điều mình thích ở workshop là nó giúp mình kết bạn được với nhiều người hơn, giúp mình cảm thấy bớt cô đơn hơn. Mình đã có thêm những người bạn mới và những khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa”, Phượng Trinh chia sẻ thêm.
Những buổi trò chuyện hay phút giây chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau, thậm chí là những lần cười đùa khi sản phẩm chưa hoàn hảo, tất cả đều tạo ra một không gian ấm cúng và đầy tính nhân văn cho người trẻ.
Workshop làm gốm tại Là Gốm Workshop Gốm & Mosaic. |
Chị Lê Thu Minh (29 tuổi, người hướng dẫn workshop làm gốm) cho biết, mỗi buổi workshop đều là một trải nghiệm đặc biệt, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là khi khách hàng đến lần đầu nhưng hoàn thành sản phẩm rất đẹp. "Nhiều bạn trẻ đã đến với workshop với sự tự ti rằng các bạn không khéo tay, nhưng sau buổi học, các bạn cảm thấy tự hào và muốn tham gia nhiều hơn nữa. Đó chính là động lực lớn nhất để mình tiếp tục phát triển workshop", chị Thu Minh nói.
Việc giới trẻ tìm đến workshop thủ công không chỉ là một xu hướng tạm thời mà còn là biểu hiện của nhu cầu sâu sắc trong công việc tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống. Khi áp lực từ xã hội, công việc và cuộc sống cá nhân ngày càng gia tăng, các hoạt động sáng tạo thủ công trở thành một liệu pháp tự nhiên, giúp mỗi người trẻ kết nối lại với bản thân và tìm thấy niềm vui từ những điều đơn giản.
"Trong tương lai, xu hướng này có lẽ sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong lối sống của nhiều bạn trẻ tại TP. HCM", chị Thu Minh nhận định.