Đây được xem là triển lãm tranh lớn nhất lớn nhất của cộng đồng người vẽ không chuyên ở Việt Nam. Chương trình diễn ra tại Nhà triển lãm TP. HCM (92 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Q. 1) đến hết ngày 14/7.
Với chủ đề “Khoảng lặng”, triển lãm năm nay mong muốn chia sẻ đến công chúng những “khoảng lặng” cần có trong trải nghiệm với hội hoạ, từ việc lên ý tưởng, vẽ tranh, triển lãm đến việc thưởng thức các tác phẩm tranh của mình và của người khác.
Theo Ban Tổ chức, “Khoảng lặng” lớn nhất trong một bức tranh không phải là hình ảnh hay màu sắc của nó mà là khoảnh khắc người xem nhận ra những gì bức tranh không đề cập tới nhưng cứ hiện hữu trong tâm trí của họ. Đó có thể là những nỗi buồn xa xăm, những niềm vui nho nhỏ khi nhớ về kỷ niệm của bản thân, sự tiếc nuối về những câu chuyện đã qua…
Lê Minh Nhân (Q. Bình Thạnh, TP. HCM) tâm sự: “Nếu không được biết trước là các tranh vẽ của người không chuyên thì mình đã tưởng tác giả là những họa sĩ được đào tạo chuyên nghiệp. Nhìn tranh rất có hồn, nhiều tác phẩm khiến mình dừng lại khá lâu vì như thấy được cảm xúc của người vẽ trong đó”.
Các tác phẩm được trưng bày có sự đa dạng về chất liệu: Màu bột, acrylic, màu nước, sơn dầu… cùng nhiều thể loại tranh: Phong cảnh, chân dung, tranh lụa, trừu tượng… Các tác giả tham gia triển lãm phần nhiều là bạn trẻ thế hệ 8X, 9X. Tác giả lớn tuổi nhất sinh năm 1957, trong khi tác giả nhỏ tuổi nhất là một bạn học sinh sinh năm 2006.
Trần Đào Mai Hân (học sinh lớp 8/1, trường THCS Lê Quý Đôn, Q. 3 TP. HCM) cho biết: “Em rất hào hứng vì tác phẩm của mình được trưng bày ở triển lãm. Vẽ tranh sau giờ học giúp em rèn luyện sự kiên nhẫn và giải tỏa căng thẳng. Dù đều là không chuyên nhưng các cô chú, anh chị đã giúp đỡ em rất nhiều trong lúc vẽ”.
Có 3 tác phẩm được trưng bày, Trần Trung Nguyên (giáo viên tiếng Anh) chia sẻ: “Tình cờ biết đến cộng đồng vẽ khi đang lướt Facebook, đến nay thì mình đã tham gia hơn một năm. Nhờ nhóm mà mình tìm lại được đam mê vẽ tranh khi xưa của mình. Các tranh của mình tại triển lãm là câu chuyện của chính mình, những cảm xúc trong tình cảm, tình yêu, những khoảng lặng khi nghĩ về một mối quan hệ đã qua, sự mâu thuẫn, bất đồng và có cả sự an yên…”.
Trong khuôn khổ triển lãm, Ban Tổ chức chương trình đã tổng kết hoạt động đấu giá tranh gây quỹ dành cho Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED) (TP. HCM), với tổng giá trị hơn 26 triệu đồng. Triển lãm còn có các workshop “Vẽ trên lá”, “Vẽ trên lụa” và Art Talk chủ đề “Hội họa và những khoảng trống trong tranh”.
Trước đó, triển lãm cũng được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 03 đến ngày 06/07. Hoạt động do Mỹ Thuật Bụi tổ chức. Ra đời vào năm 2014, Mỹ Thuật Bụi ban đầu được xây dựng tại một phòng trọ nhỏ ở Đường Láng, Hà Nội. Trải qua 6 năm phát triển, đến nay, cộng đồng Mỹ Thuật Bụi đã có hơn 20.000 thành viên. Mỹ Thuật Bụi không luyện thi và cũng không đào tạo hoạ sĩ. Bụi truyền cảm hứng và những kiến thức, kỹ năng về hội hoạ cơ bản đến mọi người, để từ đó, ai cũng có thể thể hiện tư duy và tình cảm của mình qua những nét cọ.