Khi nghệ thuật “lên tiếng” bảo vệ môi trường
“Dòng dòng mạch mạch” mang đến một không gian trải nghiệm độc đáo, nơi các tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo từ rác thải điện tử, kết hợp cùng những hình thức hiện đại và giàu tính tương tác. Qua đó không chỉ giúp người tham quan khám phá lợi ích của việc giảm thiểu rác thải điện tử mà còn truyền cảm hứng về việc chung tay xây dựng một “bảng mạch” xanh bền vững.
Triển lãm gồm 4 khu vực chính: Mạch báo động, Mạch phản chiếu, Mạch sống và Mạch tỏa. Trong đó khu vực “Mạch sống” là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật “tái sinh” của nghệ sĩ Đỗ Hà Hoài. Chia sẻ về sự kết hợp đầy ý nghĩa này, nghệ sĩ Đỗ Hà Hoài cho biết: “Ngay sau khi nhận lời mời từ các bạn sinh viên, tôi đã đồng ý vì nhận thấy đây là một dự án khá hay và sáng tạo. Rác thải điện tử cũng là một trong số vật tư mà tôi muốn khai thác cho các tác phẩm của mình, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa đem đến cho tôi nguồn cảm hứng to lớn”.
Rất đông các bạn trẻ tham dự triển lãm. |
Không gian “Mạch tỏa” là điểm nhấn ấn tượng nhất của triển lãm, nơi quy tụ 20 tác phẩm xuất sắc từ cuộc thi “Vượt dòng, Kết mạch”. Các tác phẩm đa dạng từ tranh vẽ, nhiếp ảnh đến nghệ thuật sắp đặt, mỗi cái đều mang trong mình một thông điệp sâu sắc về việc giảm thiểu rác thải điện tử. Đồng thời, chúng còn là lời kêu gọi mạnh mẽ, khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường và lan tỏa cảm hứng hành động đến cộng đồng.
Nghệ sĩ Đỗ Hà Hoài (thứ hai, từ trái qua) cùng "Khu vườn tái sinh" tạo ra từ rác thải điện tử. |
“Mạch phản chiếu” là không gian nơi người tham quan có thể chứng kiến những tác động tiêu cực của rác thải điện tử đối với môi trường và con người. |
Những tác phẩm ấn tượng tại triển lãm. |
Người trẻ Việt ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường
Những năm gần đây, giới trẻ Việt Nam ngày càng hưởng ứng mạnh mẽ các xu hướng sống xanh, từ việc giảm thiểu rác thải nhựa, sử dụng “ống hút tre” đến việc “mang bình nước cá nhân để được giảm giá”. Vậy còn rác thải điện tử thì sao?
Dương Gia Mẫn chụp cùng tác phẩm Khổng tước tái sinh' đoạt giải Mạch bạc. |
Chính vì cùng nỗi trăn trở này nên nhóm sinh viên đã thực hiện dự án “Dòng dòng mạch mạch”. Dương Gia Mẫn (đại diện Truyền thông dự án) chia sẻ: “Thông qua tìm hiểu, chúng mình nhận thấy hiện nay có rất nhiều dự án thu gom và tái chế pin nhưng lại chưa có cái nào trong số đó đề cập toàn diện đến rác thải điện tử. Vì ngoài pin còn rất nhiều thiết bị điện tử có thể gây nguy hại đến môi trường”.
Nguyễn Ngọc Bảo Trân (thứ hai, từ trái qua) nhận giải Mạch vàng với tác phẩm Bộ nhớ ký ức. |
Nghệ sĩ Đỗ Hà Hoài cùng Ban Tổ chức dự án. |
Việc có nhiều tác phẩm tái chế được gửi đến cuộc thi “Vượt dòng, Kết mạch”, cũng như có nhiều bạn trẻ háo hức đến tham quan triển lãm đã càng thể hiện sự quan tâm to lớn của người trẻ Việt dành cho môi trường. Đây cũng chính là thông điệp mà triển lãm muốn gửi gắm: “Nếu mỗi cá nhân là một vi mạch, sự đoàn kết sẽ tạo nên một bảng mạch xanh bền vững”.
Giải Mạch vàng của cuộc thi gọi tên tác phẩm Bộ nhớ ký ức, được làm từ CPU của một chiếc máy tính. Chủ nhân của tác phẩm sáng tạo này là Nguyễn Ngọc Bảo Trân. Cô chia sẻ: “Mình muốn tái hiện lại một phần tuổi thơ của mình, biến món đồ không còn sử dụng được trở thành thứ có thể lưu trữ và trang trí. Thông qua đó mình cũng muốn truyền tải đến các bạn trẻ thông điệp hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta, tận dụng rác thải điện tử để làm đẹp ngược lại cho môi trường”.
Việc lên tiếng kêu gọi bảo vệ môi trường đã không còn là trào lưu “sớm nở chóng tàn” nữa mà người trẻ Việt đã dần coi đó là ý thức chung, cần được phát huy nhiều hơn nữa. Trong tương lai, bên cạnh việc sáng tạo nghệ thuật từ rác thải điện tử, sẽ còn có cách xử lý chúng tiện lợi hơn. Để làm được như vậy cần sự chung tay hành động của mỗi cá nhân đến cộng đồng.