Vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, Nguyễn Thị Thanh Lan (trường ĐH Nông Lâm TP. HCM) không thể tiếp tục đi làm nhưng cũng không về quê được. Lan chia sẻ: “Thời điểm trường báo tạm hoãn lịch thi trùng với thời điểm xe khách tạm ngưng hoạt động do giãn cách xã hội. Không thể về Đồng Nai, mình đành lựa chọn ở lại Sài Gòn. Việc không đi làm được ảnh hưởng một phần đến kinh tế của mình. Khi nghe tin TP. HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mình lo lắng vì tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. Quán xá đóng cửa nên việc ăn uống của nhiều sinh viên như mình bị hạn chế”.
Hiện tại, Thanh Lan đang ở ký túc xá. Để khắc phục tình trạng khó khăn cũng như thực hiện giãn cách xã hội, Lan phải mua sẵn một số đồ sinh hoạt, đồ ăn như bánh, sữa để “ dự phòng” trong một thời gian.
Thanh Lam đang có những ngày tránh dịch tại KTX trường ĐH Nông Lâm. |
Việc TP. HCM liên tiếp thực hiện giãn cách chuyển từ Chỉ thị 15 sang Chỉ thị 16 đã thay đổi thói quen sinh hoạt của nhiều sinh viên. Trần Ngọc Sơn (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Trước khi giãn cách, mình thường đi chợ mỗi ngày để mua thực phẩm, thỉnh thoảng còn ra ngoài đi dạo, tập thể dục. Từ ngày giãn cách, mình chỉ đi siêu thị một lần/tuần để mua nhu yếu phẩm. Mình vẫn duy trì luyện tập thể dục, thể thao khoảng 30 phút tại hành lang trước phòng hoặc xuống sân chung trong khu trọ. Không có công việc làm thêm mà chi phí sinh hoạt vẫn như cũ nên mình chủ yếu dựa vào trợ cấp gia đình. Rất may ở thời điểm hiện tại, mình chỉ cần ở nhà, tập trung học và thi online, đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng dịch ở khu phố”.
Ngọc Sơn. |
Nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ sinh viên ở lại Sài Gòn mùa dịch đã được tổ chức. Đầu tháng Sáu, anh Nguyễn Anh Hào (Dĩ An, Bình Dương) hỗ trợ sinh viên gửi đồ đạc khi ký túc xá của ĐHQG TP. HCM được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Sau đó, anh Hào còn phát cơm miễn phí cho sinh viên ở lại Sài Gòn mùa dịch. Anh tâm sự: “Mình thực hiện hoạt động phát cơm miễn phí khi có đủ kinh phí. Mỗi lần như vậy, mình hỗ trợ được 150 - 170 phần cơm. Vì từng là sinh viên, mình thấu hiểu khó khăn của các bạn ấy trong tình hình hiện tại. Mình chỉ nghĩ đơn giản là giúp đỡ được ai thì mình luôn sẵn lòng”. Ngày 10/7, ký túc xá trường ĐH Nông Lâm cũng tổ chức phát quà hỗ trợ những sinh viên không thể về quê như Thanh Lan. Phần quà bao gồm mỳ tôm, bánh, sữa và một số loại nhu yếu phẩm.
Trong những ngày này, anh Hào chia sẻ nhiều phần cơm miễn phí đến các bạn sinh viên. |
Bên cạnh những sinh viên không thể về quê, nhiều sinh viên vốn sống cùng gia đình tại TP. HCM cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mai Hoàng Phúc (huyện Bình Chánh, TP. HCM) chia sẻ: “Dịch bệnh ảnh hưởng khá nhiều đến kế hoạch học Hè cũng như việc tham gia hoạt động Mùa Hè Xanh ở trường mình. Kế hoạch đi làm thêm của mình cũng phải tạm hoãn”. Tận dụng thời gian giãn cách xã hội kéo dài, Phúc chuyển qua tập nấu ăn, trau dồi tiếng Anh và tham gia trực khu phong tỏa tại nơi mình cư trú.
Đối với Mạnh Quốc Quân (Q. 11, TP. HCM), việc ở nhà trong thời điểm hiện tại là thể hiện trách nhiệm công dân. Tuy vậy, thói quen sinh hoạt của Quân bị ảnh hưởng nhiều khi phải ở nhà gần hai tháng. “Khoảng thời gian này, mình chăm chỉ dọn phòng, đọc sách và chăm sóc bản thân thật tốt. Về học tập, việc học online có sự khó khăn nhất định như khó tiếp thu kiến thức, đường truyền không ổn định, thiếu thiết bị thông minh… Mình mong các trường đại học sẽ đồng cảm và hỗ trợ cho sinh viên để việc học tập không bị gián đoạn”, Quân bày tỏ.
Mong muốn chung của anh Hào và các bạn sinh viên là tình hình dịch bệnh sẽ chuyển biến tích cực sau khi TP. HCM áp dụng Chỉ thị 16 để sinh viên sớm trở lại trường học và các quán xá cũng sẽ được phép hoạt động trở lại.