Băng nhóm 'tín dụng đen' mang xăng và quan tài đi đòi nợ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để đòi nợ người vay, băng nhóm “tín dụng đen” gọi điện chửi bới, đe dọa giết người thân của khách vay, rồi ghép hình tung lên mạng xã hội để bôi nhọ, đe dọa cho mất việc làm. Thậm chí, có trường hợp còn mang quan tài, can xăng đến nhà, cơ quan của người vay…

Thông tin trên được thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an chi sẻ tại hội thảo “Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 30/11.

Khủng bố người nhà

Theo Thượng tá Lê Vinh Tùng, tình hình tội phạm tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, chiêu trò đòi nợ. Tín dụng đen kéo nhiều hệ lụy với mục đích là chiếm đoạt tài sản.

“Qua đấu tranh triệt phá tội phạm tín dụng đen, cơ quan công an phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính. Các đối tượng này tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng lên đến trên 1.000%/năm” – thượng tá Lê Vinh Tùng nói.

Băng nhóm 'tín dụng đen' mang xăng và quan tài đi đòi nợ ảnh 1

Nhóm "tín dụng đen" cho vay nặng lãi tại TPHCM (ảnh: Hoàng Thuận)

Điển hình Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an TPHCM, Tiền Giang, Hà Nội bắt, xử lý hàng ngàn đối tượng thành lập ra các công ty luật nhưng thực chất là đi đòi nợ. Chúng gọi điện chửi bới, đe dọa sẽ giết người thân của khách vay, rồi ghép hình tung lên mạng xã hội để bôi nhọ, đe dọa cho mất việc làm. Thậm chí có trường hợp còn mang quan tài, can xăng đến nhà, cơ quan của người vay.

Tội phạm cho vay nhưng đòi nợ bố mẹ, bạn bè… của người vay. Mục đích hướng đến tài sản. Cơ quan công an xác định đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Tuy nhiên, lợi dụng việc cơ quan công an trấn áp, xử lý quyết liệt các hành vi đòi nợ để cưỡng đoạt tài sản, một số đối tượng vay vốn của các ngân hàng, công ty tài chính chính thống… cố tình chây ỳ trả nợ. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm, các đối tượng đăng tải các bài viết, video hướng dẫn, lôi kéo cách “bùng nợ” gây ảnh hưởng hoạt động tín dụng chính thống.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính còn 134.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10 -15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay.

Nguyên nhân khiến dư nợ vay tiêu dùng của các công ty tài chính sụt giảm nghiêm trọng, theo lãnh đạo câu lạc bộ tài chính tiêu dùng là do nạn bùng nợ. Suốt từ đầu năm đến nay, trên mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm với vài trăm nghìn thành viên hướng dẫn nhau cách vay rồi bùng nợ.

Cần có trần lãi suất cho vay tiêu dùng

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM nhìn nhận, tín dụng tiêu dùng giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Thông qua hoạt động này, người dân có điều kiện để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời mang lại hiệu quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tín dụng tiêu dùng cũng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Băng nhóm 'tín dụng đen' mang xăng và quan tài đi đòi nợ ảnh 2

Đại biểu thảo luận các giải pháp xóa sổ tín dụng đen

Tính đến cuối tháng 10/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt 955.000 tỷ đồng, chiếm 28,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 1,4% so với cuối năm 2022. Nếu so với những năm gần đây thì tốc độ tăng này khá thấp vì 10 tháng đầu năm 2022, tín dụng tiêu dùng tăng đến 18,8%.

“Tuy nhiên, tốc độ tăng này cũng phù hợp với tình hình hiện nay vì kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động, công nhân giảm nên nhu cầu vay để chi dùng cũng ít hơn” – ông Lệnh cho biết.

TS. Lê Thị Hoàng Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Bộ Tư pháp kiến nghị, cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay. “Hiện, pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Trên thực tế nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng gánh vác của họ” – bà Thanh nhận định.

Theo bà Thanh, Việt Nam được đánh giá mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng tương đối cao so với các nước khác. Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng từ 40 - 50%/năm, thậm chí lên đến 85%/năm. Trong khi đó, một số nước như Nhật Bản, trần lãi suất vay tiêu dùng là 20%/năm.; Ấn Độ có mức lãi vay tiêu dùng dao động từ 12 - 48%/năm; tại Brazil là 30-70%; tại Mỹ chỉ khoảng 8 - 36%/năm; Trung Quốc áp dụng từ 10 - 40%/năm…

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, để khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng cần nỗ lực từ cả hai phía, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong quá trình cho vay và sử dụng vốn vay. Về phía người vay, cần xác định rõ nghĩa vụ “vay là phải trả”; trong khi ở phía các tổ chức tín dụng, cần phải làm tốt hơn nữa, cả về thủ tục lẫn lãi suất vay. Một khi ngành ngân hàng làm tốt thì đương nhiên người vay sẽ chọn lựa vay ở các tổ chức tín dụng chính thống, được cấp phép, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

MỚI - NÓNG