Câu chuyện về đứa con tinh thần mang dư vị hương đồng gió nội
Nếu như Nike, một trong những thương hiệu thời trang đình đám hàng đầu thế giới, được ra đời dựa trên lời nói dối của nhà sáng lập Phil Knight. Hay chuỗi cà phê Highlands Coffee đã có mặt trên thị trường bằng tình yêu, khát vọng cống hiến cho quê hương và niềm tự hào gốc Việt của doanh nhân Việt Kiều David Thái, thì Bánh cá Bà Ngoại của cô sinh viên gốc Huế được “thai nghén” qua một chuyến xe buýt vào một buổi tối mưa phùn.
Chuyến xe buýt cùng Bà ngoại đã mở đường cho câu chuyện “thương hiệu” của Nam Giang. |
Sinh ra và lớn lên tại một huyện nhỏ của tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một lần cùng bà ngoại lên phố chơi trên chiếc xe buýt 16 chỗ ngồi, cứ nghĩ đây chỉ đơn thuần là một cuộc vui bình thường của hai bà cháu sau một ngày trời, nhưng chính cuộc vui đó đã “mở đường” cho câu chuyện “thương hiệu”: “Trời chập tối là lúc tôi và ngoại phải dừng lại cuộc chơi để đến trạm xe buýt đón xe về nhà. Lúc đó, bụng tôi đói cồn cào, nhưng vì lỡ chơi hết số tiền của bà nên trong túi bà chỉ còn đúng 20 ngàn để mua 2 vé xe buýt”, Giang nhớ lại.
Khi thấy món bánh cá bên góc đường Bà Triệu, đứa cháu gái năm đó đã đòi bà ngoại mua cho bằng được: “Mặc dù biết tiền chỉ còn đủ để mua 2 chiếc vé xe buýt 14 ngàn. Thế nhưng ngoại vẫn sẵn sàng dẫn tôi sang đó để mua một chiếc bánh cá với giá 4 ngàn. Vì đói nên lúc đó tôi ăn hết một nửa chiếc bánh rồi mới nhìn bà mà không hề biết bà cũng đang đói”, Giang kể.
Nam Giang - Cô chủ nhỏ của tiệm Bánh cá Bà Ngoại. |
“Tôi có bẻ một góc bánh mời bà ăn nhưng vì thương tôi nên bà đã dúi mạnh vào miệng tôi. Cất vội phần bánh còn lại để lên xe buýt, sau một hồi năn nỉ, bà cũng đã cùng tôi ăn một nửa chiếc bánh cá hôm đó và tỉ tê rất nhiều câu chuyện”, cô chủ tiệm bánh kể lại trong niềm hạnh phúc.
Hình ảnh về chiếc bánh cá chỉ có 4 ngàn đồng cùng người bà của mình là lý do và là động lực thúc đẩy cô sinh viên kinh tế mở tiệm bánh cá Bà Ngoại với mong muốn: “Tôi luôn nuôi trong mình một ước mơ mở một tiệm bánh để giữ mãi kỉ niệm đẹp đẽ của hai bà cháu, để bà và cháu cùng ngồi lại và ăn bánh cá mãi không chán. Tiệm bánh không dừng lại ở một món bánh ngon, khác lạ so với các quán khác về nguyên liệu cũng như cách phục vụ. Điểm khác biệt lớn nhất đây không chỉ là món bánh thông thường để ăn no lúc đói, mà đằng sau đó là câu chuyện của cháu dành cho bà, là tình cảm của đứa con dành cho người mẹ của mình.”
Các vật dụng được sử dụng ở tiệm đều mang dư vị của hương đồng gió nội. |
Sử dụng màu chủ đạo cho tiệm là vàng ánh kim và đen, lý giải về điều này, Nam Giang cho biết: “Vàng vì tôi muốn hương vị của hương đồng gió nội. Xen lẫn ánh kim vì tôi muốn kết hợp sự hiện đại tối tân vào đó để nói lên rằng phong cách của Bà Ngoại không chỉ là thuần xưa mà bà cũng rất teen và biết bắt trend. Dụng cụ muỗng, đũa đều được thiết kế bằng gỗ, còn bát, đĩa bằng sứ theo màu nâu đất. Bàn ghế có tại quán hay những ấn phẩm truyền thông trên page đều có màu chủ đạo là vàng ánh kim và đen.”
Bế tắc nên khai trương
Sau khi mở bán được một thời gian và nhận được rất nhiều sự phản hồi tích cực của thực khách tại Đà Nẵng, Giang mới sẵn lòng để chia sẻ những khó khăn từ ngày đầu ấp ủ đến khi bắt tay thực hiện, đấy là khoảng thời gian mà Giang gọi vui với tôi là “7749 cửa ải thần tiên”.
Bước vào “thương trường làm bánh”, cô sinh viên ngành Ngân hàng đã dành 1 tháng để nghiên cứu thị trường bánh cá: “Tôi đã đi đến trên dưới 7 tiệm bánh cá ở Đà Nẵng để ăn thử và dành thời gian ngồi tại đó xem lượng khách, cách thức vận hành của các quán cạnh tranh như thế nào và làm thế nào để tôi bán sự khác biệt chứ không phải bán hàng. Sau khi góp nhặt được ít nhiều kinh nghiệm, tôi bắt đầu tự mày mò công thức để tạo ra công thức riêng cho bánh của mình chứ không trùng lặp hương vị của những quán còn lại với nhận định “cái gì mình làm ra thì mới là của mình”, Giang chia sẻ.
Tự nhận là “kẻ ngoại đạo” vì Giang bước vào “thương trường làm bánh” với tâm thế của “một chiếc ly rỗng”. |
Với danh xưng là “kẻ ngoại đạo” bởi không có một kiến thức hay kinh nghiệm gì về làm bánh: “Giai đoạn đầu tôi phải tốn rất nhiều chi phí cho nguyên liệu để chế biến sao cho giòn, ngon và chất lượng nhất nhưng vẫn tối ưu được chi phí. Sau tầm 1 tháng làm thử bánh, đi mời những người quen ăn thử và cho phản hồi thì tôi vẫn chưa tìm ra được công thức ưng ý cuối cùng”, Giang nói.
Chưa tìm được công thức ưng ý khó một nhưng tìm được mặt bằng phù hợp khó hơn gấp nhiều lần so với cô sinh viên chân ướt chân ráo bước vào “thương trường làm bánh”, Giang trải lòng: “Những trưa nắng đi học về, tôi phải chạy lui chạy tới đường Châu Thị Vĩnh Tế không biết bao nhiêu lần, phải vào từng nhà, từng quán để xin thuê mặt bằng nhưng đều nhận lại sự từ chối. Khi đã tìm được một địa điểm phù hợp, nhưng ngày tôi đến làm hợp đồng, họ đổi ý không cho thuê nữa. Bằng “sự lì đòn” của tôi mà sau những ngày rong ruổi đi tìm mặt bằng, tôi tìm được một địa điểm khá ưng ý tại 161 Châu Thị Vĩnh Tế, Ngũ Hành Sơn nhưng chủ nhà cho thuê với giá khá cạnh tranh.”
“Hợp đồng thuê mặt bằng đã được ký, nhưng công thức làm bánh vẫn chưa được ưng ý. Bế tắc khi không còn cách nào khác, tôi đánh liều quyết định mở bán khai trương và lấy ý kiến góp ý từ nhiều khách hàng khác nhau để hoàn thiện món bánh của mình. May thay, khách hàng phản hồi rất nhiệt tình và đóng góp ý kiến rất tích cực. Chỉ sau 2 ngày sau khi mở bán, tôi đã chế lại được công thức cuối cùng mà tôi thỏa mãn”, Giang kết lời.
Bánh cá Bà Ngoại đang được rất nhiều học sinh, sinh viên, người dân và du khách Đà Nẵng lựa chọn để thưởng thức. |
Nhờ sự chỉnh chu từ những chi tiết nhỏ nhất đến cái tâm và cái tình đặt vào từng chiếc bánh, thương hiệu Bánh cá Bà Ngoại với 18 vị bánh cùng vị trà đào tự chế đang dần trở thành món ăn yêu thích, phù hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên, người dân và du khách Đà Nẵng.