Chiến dịch 'Xuân Tình nguyện' của sinh viên trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) năm nào cũng nhiều chương trình khác nhau nhưng việc gói bánh chưng tặng người nghèo và sinh viên đón Tết xa nhà thì không thể thiếu.
Anh Lý Tuấn Anh – Chủ tịch Hội Sinh viên trường cho biết, năm nay, lượng sinh viên tham gia không đông như mọi năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đa phần sinh viên đã ở quê từ vài tháng qua và chủ yếu học online. Tuy nhiên, không vì thế mà thiếu đi không khí ấm áp, đầy tình thân của “Ngày hội nghìn bánh chưng xanh”.
Từ sáng sớm, sảnh D của trường đã bắt đầu nhộn nhịp với những bóng áo vàng chuẩn bị lá dong, lạt, gạo thịt, khuôn bánh. Trước đó vài ngày, các bạn sinh đã tất bật chuẩn bị nguyên vật liệu, ngâm gạo, thịt… Năm nay, khoa Thư viện Thông tin dù ít người nhưng cũng gói gần 20 bánh chưng, bánh tét các loại. Trong khi khoa Đô thị học với “quân số” áp đảo đã chuẩn bị đến 20 kg gạo, chưa kể đậu xanh, thịt… với “chỉ tiêu” 20 chiếc bánh chưng và 30 chiếc bánh tét.
Sản phẩm bánh chưng hội thu từ hoạt động "Nghìn bánh chưng xanh" được các chiến sĩ gửi đến các bạn sinh viên đón Tết xa nhà, những người vô gia cư trên địa bàn thành phố, như một món quà tinh thần đầu Năm mới.
“Dù đã tham gia vài mùa nhưng mỗi lần được cùng các bạn chung tay gói những chiếc bánh chưng, bánh tét, chuẩn bị các phần quà để tặng các bạn đón Tết xa nhà và người khó khăn vẫn luôn khiến mình vui như mới lần đầu tham gia”, Huỳnh Hân (khoa Đô thị học) cho biết.
Những chiếc bánh chưng đầy ắp tình cảm sẽ được gửi đến những hoàn cảnh khó khăn. |
Sau nhiều tháng giãn cách không thể gặp gỡ, giây phút được sum vầy cùng nhau khi năm cũ sắp hết, cùng chuẩn bị những phần quà đơn sơ nhưng đầy tình thân là những chiếc bánh chưng, khiến nhiều bạn sinh viên cảm thấy ấm áp.
“Nhìn các bạn ngồi gói bánh chưng làm mình nhớ 'Xuân Tình nguyện' của 3 năm trước. Năm đó, mình cũng đón Tết xa nhà và tham gia chiến dịch. Dù ở quê vẫn hay phụ ba mẹ gói bánh nhưng ngồi cùng các bạn gói bánh cho những người neo đơn đón Tết lại là cảm giác rất bồi hồi. Một năm tham gia chiến dịch giúp mình trưởng thành và thay đổi rất nhiều về cách nhìn cuộc sống”, chị Từ Vũ Thu Thủy (cựu sinh viên khoa Xã hội học) nhớ lại.
Hàng trăm chiếc bánh chưng, bánh tét của sinh viên trường Nhân văn sẽ lại theo chân các chiến sĩ 'Xuân Tình nguyện' đến các khu dân cư, tìm đến những hoàn cảnh neo đơn, khó khăn của TP. HCM để trao tặng.
Sinh viên khoa Lưu trữ học - Quản trị Văn phòng tặng quà cho người dân ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Ảnh: USSH |
Cũng nằm trong khuôn khổ chiến dịch 'Xuân Tình nguyện' năm 2022, chương trình “Tết bạn bè” đã tổ chức trao tặng các suất quà và hiện kim cho các bạn sinh viên phải xa nhà trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. 50 phần quà đã đến tay 50 bạn sinh viên mà vì nhiều lý do không thể về quê đón Tết cùng gia đình.
Ở khu vực xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè (TP. HCM), những bạn trẻ của khoa Lưu trữ học – Quản trị Văn phòng cũng tất bật khởi động chương trình “Xuân chia sẻ”, hướng tới những hoàn cảnh neo đơn, khó khăn tại địa phương, trao 15 phần quà cho các gia đình và tổ chức nấu ăn tại nhà cho những bà mẹ đơn thân, gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa qua.
Tặng khẩu trang và phát tờ rơi hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh cho người dân ở thị trấn Nhà Bè, do các chiến sĩ khoa Đô thị học thực hiện. |
Cách đó không xa, ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè (TP. HCM), bằng nhiều cách khác nhau và đậm chất sinh viên, các sinh viên của khoa Đông phương học cũng gây quỹ để tham gia 'Xuân Tình nguyện' 2022, trợ giúp các gia đình khó khăn tại đây. Để có kinh phí, Mai Nguyễn Thanh Tuyền đã “khởi nghiệp” bán từng chai sữa đậu, bắp chiên giòn, bánh tráng cay… để chung tay. Bạn khác bán bao lì xì, phát hành vé số nội bộ. Khoa còn kêu gọi được tài trợ từ một thương hiệu áo dài để những phần quà cho các gia đình được tươm tất hơn.
Trong khi đó, ở thị trấn Nhà Bè, sinh viên khoa Đô thị học lại có các hoạt động rất “chuyên ngành” là phát tờ rơi phòng, chống dịch bệnh phát đến từng hộ dân, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết, tặng khẩu trang y tế, cồn sát khuẩn cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.