Báo động ô nhiễm không khí: Nhiều nơi vẫn thờ ơ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường rất nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dù ô nhiễm không khí thường xuyên xảy ra nhưng một số bộ, ngành, địa phương dường như vẫn “thờ ơ”. TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam trao đổi với PV Tiền Phong.

Cải thiện chất lượng không khí vẫn “nhờ trời”

Thưa ông, từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc hứng chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Báo động ô nhiễm không khí: Nhiều nơi vẫn thờ ơ ảnh 1

Ngày 2/2 vừa qua, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, theo xếp hạng của Air Visual. Ảnh: Như Ý

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở nước ta chủ yếu do kiểm soát không tốt các nguồn phát thải. Rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, với mục đích tăng lợi nhuận tối đa đã không lắp đặt hoặc lắp đặt nhưng vận hành chưa tốt các hệ thống xử lý khí thải. Dễ thấy nhất là một số nhà máy sản xuất xi măng, cơ sở tái chế nhựa, giấy, kim loại.

Các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt xe máy chạy xăng cũng là một nguồn thải chính. Trong khi số lượng xe ngày càng tăng, khí thải lại không được kiểm tra kiểm soát định kỳ như các nước đã làm.

Hà Nội và các đô thị đang trong quá trình phát triển với việc xây dựng mới và cải tạo hệ thống hạ tầng, rất dễ bắt gặp đường sá bụi bặm, công trình không được che chắn, cát sỏi vứt bừa bãi, đây cũng là một nguyên nhân.

Báo động ô nhiễm không khí: Nhiều nơi vẫn thờ ơ ảnh 2

“Đến nay, đa số cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương vẫn chưa nắm được cụ thể ngành nào, cơ sở sản xuất nào gây ô nhiễm không khí là chủ yếu, ở mức độ nào, tại sao (trong chuyên môn gọi là kiểm kê phát thải), để tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm theo nguyên tắc Pareto; thay vì dàn trải, tập trung giải quyết 20% số cơ sở sản xuất gây ra 80% lượng phát thải không khí”.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam

Ngoài ra, việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, khói bụi mù mịt cũng là việc đến hẹn lại lên. Mấy năm gần đây dân số tăng, rác sinh hoạt ngày càng nhiều, việc đốt rác trở thành hiện tượng phổ biến. Các hoạt động nông nghiệp như chăn nuôi, bón phân hóa học thuốc trừ sâu… cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí thứ cấp đáng kể mà chúng ta chưa chú tâm trong mấy năm vừa qua.

Vậy tại sao có ngày không khí “trong veo”, lại có những ngày trời mù mịt mặc dù các hoạt động con người chẳng ngừng giờ phút nào? Nhiều người nói vui đó là nhờ “giời”. Vào mùa hè, điều kiện thời tiết thuận lợi khiến bụi bị rửa trôi hoặc phát tán.

Vào mùa đông, trong những ngày gió lặng, nhiệt độ thấp, nghịch nhiệt xảy ra làm bụi không thể phát tán, gây ra những đợt ô nhiễm dài ngày. Phải đợi đến khi có gió mùa về, thỉnh thoảng có cơn mưa thì mới được hưởng không khí trong lành là vậy.

Thiếu quan tâm, thiếu nguồn lực

Vấn đề ô nhiễm không khí được bàn thảo nhiều năm qua nhưng tình trạng có vẻ ngày càng nghiêm trọng. Ông đánh giá như nào về việc triển khai các giải pháp thời gian qua?

Ô nhiễm không khí tại Việt Nam được chú ý từ nhiều năm trước. Chất lượng không khí xung quanh, các nguồn ô nhiễm đã được đề cập trong báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường và cơ quan quản lý. Hệ thống pháp lý gồm luật, nghị định, thông tư, quy chuẩn bảo vệ môi trường không khí liên tục được hoàn chỉnh. Các kế hoạch hành động quốc gia nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí được ban hành.

Hệ thống quan trắc không khí xung quanh, quan trắc nguồn thải được củng cố và phát triển. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí chẳng những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng cùng với sự tăng trưởng dân số, kinh tế và điều kiện thời tiết cực đoan. Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề.

Trước hết, tại một số bộ ngành, địa phương sự quan tâm và “quyết tâm chính trị”, độ “quyết liệt” đối với ô nhiễm không khí chưa cao. Qua một số sự việc tôi thấy, nếu có quyết tâm cao, coi đấy là việc phải làm thì khó mấy rồi cũng tìm được giải pháp hiệu quả. Hiện nay, một thực tế đáng buồn là ô nhiễm không khí chỉ được nhắc tới khi xảy ra, vào mùa hè thì chả ai quan tâm.

Một vấn đề nữa là chúng ta vẫn còn hô hào, hay nói chung chung, quản lý chung chung, dàn đều với những cụm từ như “tăng cường”, “quyết liệt”, “nâng cao”, “cương quyết”. Mặc dù đã ban hành nhiều văn bản quy định, nhưng không cụ thể, thiếu các hướng dẫn kỹ thuật, vẫn nặng tiền kiểm thay vì hậu kiểm, làm cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhất là ở cấp địa phương không dễ thực hiện.

Nguồn lực giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở nước ta rất hạn chế. Có thể ví dụ như ở Berlin (Đức), dù diện tích và dân số ít hơn Hà Nội nhiều nhưng có cơ quan quản lý chất lượng không khí riêng với đội ngũ cán bộ chuyên ngành khoảng 40 người.

Trong khi, Hà Nội thường xuyên có những ngày ô nhiễm cao ở mức đỏ, tím, thậm chí nâu nhưng không có cơ quan quản lý không khí riêng, cán bộ chuyên ngành rất ít. Kinh phí cho quản lý không khí, cho hệ thống quan trắc không đáng bao nhiêu. Đây là bức tranh chung ở các địa phương và ở cấp trung ương.

Theo ông, cần làm gì để kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian tới?

Trước hết, chúng ta phải có số liệu đầy đủ và cập nhật về khí thải của các cơ sở sản xuất để nắm được ngành nào, cơ sở nào, ở đâu, mức độ, nguyên nhân ô nhiễm để có giải pháp. Qua đó công khai trách nhiệm của các bên trong việc để xảy ra ô nhiễm.

Với nguồn giao thông, không nên chần chừ việc kiểm soát khí thải xe máy chạy xăng ở thành phố lớn, thí điểm ngay cơ chế hạn chế phương tiện giao thông chạy xăng, khuyến khích sử dụng phương tiện chạy điện. Kết hợp với các thiết bị kỹ thuật số như camera thông minh, phương pháp xử lý và dự báo bằng trí tuệ nhân tạo để biết lượng phát thải từ phương tiện tham gia giao thông, sự chuyển biến trong việc áp dụng các chính sách, biện pháp quản lý kỹ thuật để tiếp tục tìm ra chính sách phù hợp, hiệu quả hơn.

Trong xây dựng, các đơn vị thi công nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng cần lắp camera truyền dữ liệu trực tuyến về cơ quan quản lý để theo dõi biện pháp chống bụi theo quy định.

Để giảm thiểu việc đốt rơm rạ, cần có cơ chế hỗ trợ bà con nông dân ngay từ khi trồng cho đến khi thu gom, xử lý, coi đó là trách nhiệm của chính quyền các cấp (hỗ trợ kinh phí, chế phẩm sinh học, cung cấp thông tin, tạo thị trường mua bán rơm rạ và các sản phẩm từ rơm rạ…).

Để hạn chế đốt rác tự nhiên, cần có hệ thống quản lý việc thu gom vận chuyển để nắm được số lượng rác các loại, nơi đổ rác, nơi chung chuyển, vận chuyển rác hàng ngày; chia sẻ trao đổi giữa người dân, chính quyền cấp xã phường và đơn vị thu gom vận chuyển rác.

Đặc biệt cần thay đổi tư duy, từ chỗ chung chung dàn trải nặng về tiền kiểm sang hậu kiểm, trách nhiệm cụ thể rõ ràng của các chủ thể (doanh nghiệp, cơ quan quản lý, người dân), tập trung nguồn lực, chính sách biện pháp giải quyết nhanh, kịp thời và hiệu quả ô nhiễm, dự báo được những xu hướng ô nhiễm để có các biện pháp ngăn ngừa.

Cụ thể, cần có các cơ quan chuyên môn quản lý chất lượng không khí ở cấp Bộ và một số tỉnh/thành. Một số thủ tục như đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường cần được phân cấp và cải tiến đơn giản mạnh mẽ theo hướng đơn giản cụ thể với từng loại ngành, mạnh dạn chuyển sang hậu kiểm theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Hệ thống quan trắc chất lượng không khí xung quanh cần được ưu tiên đầu tư để nắm rõ hiện trạng và dự báo chất lượng không khí.

Việc công khai số liệu thanh tra, kiểm tra, quan trắc khí thải của các cơ sở phát thải lớn cũng là một việc làm ưu tiên. Có như vậy mới có thể khuyến khích cộng đồng thể hiện trách nhiệm theo tinh thần “dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Xin cảm ơn ông!

Hà Nội có những ngày ô nhiễm nhất thế giới

Từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng với mức độ ô nhiễm phổ biến từ ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe mọi người), ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe mọi người), một số điểm đo lên ngưỡng nâu (nguy hiểm đến sức khỏe). Đáng lưu ý, trong một số ngày, Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo ứng dụng Air Visual – ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của hơn 100 thành phố trên thế giới. Gần đây nhất là sáng 2/2, khi Hà Nội chìm trong sương mù chưa từng thấy.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 - loại bụi được coi là tử thần trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra hàng loạt các bệnh về hô hấp, tim mạch. Ô nhiễm thường tập trung thành các đợt dài ngày vào mùa đông do điều kiện thời tiết không thuận lợi, chủ yếu trong thời gian từ tháng 9-10 năm trước đến tháng 3-4 năm sau.

MỚI - NÓNG