Bao giờ mới được Chinh phục Đỉnh cao?

Một số ca sĩ đã tìm thấy sở trường khi tham gia Chinh phục Đỉnh cao. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Một số ca sĩ đã tìm thấy sở trường khi tham gia Chinh phục Đỉnh cao. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
TP - Chương trình Chinh phục Đỉnh cao nhận được một số lời chỉ trích khá nặng nề từ giới chuyên môn. BGK của cuộc thi cũng không tránh khỏi bị nói ra nói vào về trình độ và cách nhận xét, cho điểm. Để rộng đường dư luận, Tiền Phong có cuộc trao đổi với nhà báo, nhà sản xuất âm nhạc Minh Đức- một trong 4 giám khảo của cuộc thi.

Có khá nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng chuyên môn Chinh phục Đỉnh cao. Ý kiến nào làm anh bức xúc hơn cả?

Tôi không bức xúc mà rất tôn trọng các ý kiến của giới chuyên môn. Mỗi cuộc chơi có những tiêu chí riêng, và mọi danh xưng cũng chỉ có giá trị trong chính cuộc thi ấy. 

Chúng tôi tìm ra người thắng cuộc là ca sĩ nhạc pop có thể hát opera (cứ cho là theo cách hiểu của chúng tôi đi) chứ không phải tìm ra đại sứ opera của Việt Nam như một số người nói và tỏ ý “lên án”. Việc to tát ấy một show truyền hình không làm nổi.

Tôi có cảm tưởng nhiều người phát biểu dựa trên những cách hiểu của họ về opera và cho rằng đó là duy nhất đúng. Có những quan điểm theo thời gian có thể không sai không còn đủ nữa. Chẳng hạn nói rằng opera phải hát đúng ngôn ngữ gốc và hát đúng tone. 

Vậy thí dụ vở Orphée và Eurydice của Gluck có cả bản tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Đức và 14 năm trước còn được dựng ở Việt Nam bản tiếng Việt, vậy thì yếu tố “gốc” ở đây đóng vai trò gì? Còn với các aria, romance... riêng lẻ có những bài được chuyển ngữ ngay cùng thời nó ra đời, thì ta sẽ chọn ngôn ngữ nào để hát cho được tiếng là “gốc”. 

Việc chuyển tone cũng vậy, một số bài hát được chính các nhạc sĩ và những người chỉ huy từ thời đó chuyển để có thể hát với nhiều loại giọng khác nhau.

Sự bức xúc của giới chuyên môn theo anh thể hiện điều gì?

Nó thể hiện sự “vênh” nhau giữa những quan điểm được cho là chính thống, vẫn áp dụng trong hệ thống đào tạo và việc đem những thứ được cho là “nghiêm cẩn” vào cuộc chơi có tính giải trí. Tôi cho rằng điều đó là bình thường, luôn luôn có.

Nó thể hiện một sự “dân chủ” trong quá trình nhận thức, rằng cái đúng với người này không nhất thiết phải đúng với người khác. Nhất là trong nghệ thuật, trong đó có nhạc cổ điển, không có “bộ luật” nào quy định nhất nhất phải làm thế này, không được thế khác.

Bao giờ mới được Chinh phục Đỉnh cao? ảnh 1

Giám khảo Minh Đức

“Nhiều ca sĩ trong chương trình với tôi quen biết nhiều năm, có người còn chơi thân như anh em. Khi họ đi thi, họ cũng tham khảo ý kiến tôi rất nhiều. Mà ở cuộc thi này, giám khảo cũng trực tiếp huấn luyện và tư vấn cho thí sinh, nên khi chấm mình cũng hiểu là cái hay cái dở của họ cũng phần nào có trách nhiệm của mình ở trong đó”. 

Giám khảo Minh Đức

Có ý kiến cho rằng tổ chức cuộc thi như thế ở Việt Nam lúc này là chưa phù hợp, vậy thì hơn nửa thế kỷ qua chúng ta đào tạo opera để làm gì? Sao không ai đặt câu hỏi vì sao sau nửa thế kỷ mà opera vẫn chưa thành một cái gì phổ biến (chưa nói tới đại chúng) ở Việt Nam trong khi Hàn Quốc cũng có mốc thời gian phát triển xấp xỉ như chúng ta, hay ngay Singapore- đi sau chúng ta mấy chục năm, mà bây giờ ở những xứ đó, opera phát triển mạnh, các nhà hát có mùa diễn cố định trong năm, nghệ sĩ từ các nước trong vùng (trừ Việt Nam) tấp nập đến diễn. Vậy nếu bây giờ chưa nên làm thì đến bao giờ mới nên, có ai trả lời được không?

Thí sinh vốn nổi tiếng, đắt sô hẳn cũng ít có thời gian chăm lo cho phần thi của mình làm ảnh hưởng tới chương trình?

Đúng là việc chạy sô cùng với việc một số ca sĩ ở Hà Nội, cuối tuần mới vào, cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng thi, khi họ không có nhiều thời gian tập cùng các chuyên gia, lại hơi chủ quan nữa, rồi có khi đến lúc ghép nhạc mới nảy sinh ý tưởng mới, cho nên không có nhiều thời gian để mọi việc trở nên hoàn hảo. 

Chúng tôi cũng ý thức được việc này nên ban đầu mới có những vòng thi tương đối “nhẹ” để càng đi sâu vào, ca sĩ càng ý thức được tầm quan trọng của cuộc thi để dành cho nó nhiều thời gian hơn.

Anh nghĩ sao về việc Khánh Linh và Ngọc Tuyền cùng đoạt giải Ba tại cuộc thi Hát Thính phòng Nhạc kịch toàn quốc (Linh còn đoạt giải trước Tuyền 5 năm), nhưng ở cuộc thi này, Tuyền lại ngồi chấm Linh?

Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì sau khi được giải, Ngọc Tuyền vẫn tiếp tục theo đuổi opera và khẳng định được tên tuổi trong lĩnh vực này, còn Khánh Linh rẽ hẳn sang nhạc nhẹ và đã là ngôi sao nhạc pop thực sự. Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu Ngọc Tuyền đi thi Cặp đôi Hoàn hảo mà có Khánh Linh ngồi làm giám khảo.

Qua quá trình “Chinh phục Đỉnh cao”, một số giọng ca được phát hiện ra có tố chất opera nhưng rời chương trình họ lại phải trở về với nhạc pop để mưu sinh. Anh có tư vấn gì về đường hướng phát triển của thí sinh sau này?

Tôi nghĩ bản thân các ca sĩ thừa biết sẽ đi tiếp thế nào. Thực tế đã có ca sĩ sau khi tham gia chương trình liền đắt sô sự kiện, mà được yêu cầu hát... opera, hát những bài họ dự thi. Rõ ràng trước việc ngôi sao nhạc pop hát opera, dù giới kinh viện có nhăn mặt thì khán giả đại chúng vẫn cảm thấy có sự thú vị, gần gũi nào đó. Khánh Linh thì tôi biết đã có những dự tính liên quan tới nhạc cổ điển, còn Hạ Trâm đang muốn theo đuổi musical. Chúng tôi hy vọng cuộc thi mở ra những cơ hội mới để các ca sĩ phát triển sự nghiệp, ít ra cũng giúp họ mở rộng danh mục hay thể loại biểu diễn. 

MỚI - NÓNG