Bảo kê máy gặt hoành hành: Nông dân khổ thêm khó

Máy gặt hoạt động tại cánh đồng ở xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Lam.
Máy gặt hoạt động tại cánh đồng ở xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Lam.
TP - Gần đây, tình trạng bảo kê máy gặt lúa có dấu hiệu tái diễn ở nhiều nơi. Đáng nói, năm 2017 cơ quan công an đã khởi tố và bắt giữ nhiều đối tượng nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.

Dân vây bắt đối tượng bảo kê, ăn chặn tiền máy gặt

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá xảy ra một số vụ việc va chạm, dằn mặt lẫn nhau, xin tiền “bảo kê” từ máy gặt lúa. Việc bảo kê thu tiền chênh lệch ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nông dân.

Ngày 28/5/2018, tại cánh đồng thôn Trung Đông, xã Quảng Trường, Quảng Xương, Thanh Hoá xảy ra vụ đánh nhau gây thương tích làm 2 người bị thương. Ông V.N.T. (sinh năm 1970), ở thôn Đồng Tiến, xã Quảng Trường, Quảng Xương thuê anh L.V.H (35 tuổi) và anh P.V.V (31 tuổi), đều ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đưa máy gặt về để gặt lúa cho nhân dân xã Quảng Trường. Ngày 28/5, khi đang gặt lúa ở cánh đồng thôn Trung Đông, xã Quảng Trường thì có 6 thanh niên đi trên 3 xe mô tô mang theo dao, ống tuýp nước đến và yêu cầu ông T. không được tiếp tục thuê máy gặt của 2 người ở Quảng Trị nữa. 

Ông T. không đồng ý, dẫn đến xô xát. Ông T. bị các đối tượng dùng hung khí đánh. Thấy vậy, một số người dân đã hô hoán và đuổi đánh nhóm đối tượng trên, khiến cả nhóm bỏ chạy. Người dân truy đuổi, bắt được đối tượng Bùi Sỹ Lương (30 tuổi), ở xã Đông Vinh, thành phố Thanh Hóa. Bức xúc về hành vi của các đối tượng này, nhiều người dân đã đánh Bùi Sỹ Lương bị thương và báo cho cơ quan công an. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 1 dao, 3 tuýp sắt, 2 xe mô tô mà các đối tượng bỏ lại. Ngay sau đó, Công an huyện Quảng Xương triệu tập 4 đối tượng liên quan để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trước đó, tại thôn Trạch Trung, xã Quảng Trạch, Quảng Xương, người dân phản ánh một số đối tượng ngang nhiên đe dọa và đánh người vô cớ liên quan đến việc thuê máy gặt lúa. Theo tường trình của người dân, một nhóm đối tượng (có cả người ở xã và người nơi khác đến) ngang nhiên cầm theo hung khí đe dọa các chủ máy gặt, đòi phải “nộp” cho chúng từ 5 đến 10 triệu đồng thì mới được hoạt động trên các cánh đồng. Một số chủ máy buộc phải nộp tiền để được yên thân, số khác phải chuyển vùng để làm ăn. Nạn nhân của vụ việc là vợ chồng anh Ngô Xuân Ngọc, ở thôn Trạch Trung.

Cụ thể, ngày 12/5, 4 thanh niên hùng hổ cầm hung khí đến nhà tìm nhưng không gặp anh Ngọc nên chúng quay sang hành hung vợ anh này là chị Đặng Thị Liệu khiến chị này phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương. Sự việc sau đó, được Công an huyện Quảng Xương lập biên bản, điều tra, xác minh...

Ông Hoàng Cao Tám, Chủ tịch UBND xã Quảng Trạch cho biết, tình trạng tranh giành, bảo kê hoạt động gặt lúa của các đối tượng tại địa phương là có thật. Quan điểm của xã là ai sai sẽ bị xử lý, không thể để các đối tượng bảo kê hoạt động, ảnh hưởng đến tiến độ mùa vụ của bà con nông dân. Những ngày gần đây, xã đã có những giải pháp tích cực để ngăn chặn, trong đó tổ chức hội nghị mời cán bộ các thôn, công an xã, triển khai các tổ công tác thường trực nắm bắt thông tin. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện người dân Hoằng Hoá đang phải thuê 170.000 đồng đến 200.000 đồng/sào lúa. Đáng chú ý tại xã Hoằng Vinh, Hoằng Hoá, nông dân phải thuê máy gặt với giá từ 230.000 đồng đến 250.000 đồng/sào lúa.

Nhiều đối tượng bị xử lý

Trước đó, tại Hưng Yên xảy ra tình trạng mỗi máy gặt lúa muốn xuống ruộng phải nộp cho các đối tượng từ 2-3 triệu đồng. Nếu các chủ máy gặt không đóng tiền bảo kê thì sẽ bị chúng đánh và đập phá máy.

Vụ việc sau đó được Công an huyện Kim Động (Hưng Yên), tiến hành khởi tố, bắt giữ 2 đối tượng có hành vi hành hung, thu tiền bảo kê của các chủ máy gặt tại thị trấn Lương Bằng huyện Kim Động. Hai đối tượng bị bắt giữ về hành vi cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích gồm: Hoàng Văn Hải (SN 1984, trú tại thôn An Xá, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động), Vũ Thành Nam (SN 1990, trú tại tập thể May 2, phường An Tảo, thành phố Hưng Yên). Nam là đối tượng được cơ quan điều tra xác định đã hành hung ông Đào Đức H. (trú tại thôn Động Xá, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động), do ông H. không chịu nộp tiền bảo kê cho chúng.

Theo thông tin từ CQĐT, ngày 26/9/2017, ông H đang điều hành máy gặt lúa trên cánh đồng thị trấn Lương Bằng thì có một nhóm thanh niên, trong đó có Nam đến đe dọa yêu cầu ông H. đưa máy gặt lên khỏi cách đồng và nộp tiền cho bọn chúng nhưng bị ông H từ chối. Nhóm thanh niên này đã đánh đập, hành hung gây thương tích đối với ông H.

Tới ngày 6/10, Công an huyện Kim Động phát hiện và bắt quả tang Hoàng Văn Hải đang có hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” khi đòi số tiền 2 triệu đồng bảo kê của chị Đào Thị L (SN 1976, trú tại thôn Vĩnh Đồng, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động), khi đưa máy đến gặt thuê cho các hộ nông dân.
Ngày 18/10/2017, ông Hoàng Hữu Sâm – Chủ tịch UBND xã Việt Hòa, huyện Khoái Châu xác nhận với báo chí về việc một số thanh niên lạ mặt ở nơi khác đến yêu cầu chủ máy gặt phải nộp tiền “bảo kê” từ 3 - 5 triệu đồng mới được gặt lúa cho bà con. Khi các chủ máy gặt đang thu hoạch lúa, nhóm đối tượng mang dao, kiếm đi từ cánh đồng này sang cánh đồng khác để uy hiếp. Mặc dù chưa xảy ra hậu quả lớn nhưng các chủ máy gặt và người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.

MỚI - NÓNG
TPHCM làm gì để tăng trưởng hai con số trong năm 2025?
TPHCM làm gì để tăng trưởng hai con số trong năm 2025?
TPO - Theo TS Đặng Đức Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025 của TPHCM là thách thức vô cùng lớn. Theo ông, yếu tố cơ cấu kinh tế nội tại của thành phố đang phát triển theo chiều rộng, trong khi các ngành thuộc phân khúc giá trị gia tăng cao còn ít.
Chồng ngoại tình, vợ đi tìm thầy đồng
Chồng ngoại tình, vợ đi tìm thầy đồng
TPO - Phim Việt “Mưa trên cánh bướm” không chỉ kể câu chuyện gia đình đầy bi kịch mà còn khéo léo đan cài những yếu tố siêu nhiên. Dù còn hạn chế, tác phẩm vẫn xứng đáng với những tán dương mà giới phê bình quốc tế dành tặng.
Bình luận