Góp ý quy định, xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT:

Bất cập xét danh hiệu cho nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong dự thảo Nghị định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) mới, đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” gây chú ý và tranh cãi. Nhiều nhà quản lý, nghệ sĩ cho rằng, đối tượng xét tặng danh hiệu mới cần được quy định rõ ràng, tránh trùng lặp. Câu chuyện về việc cộng dồn, quy đổi giải thưởng cũng gây ra nhiều bất cập.
Bất cập xét danh hiệu cho nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh ảnh 1
Nhiều cuộc thi, liên hoan sân khấu nở rộ kéo theo hàng trăm huy chương được trao

Xét danh hiệu nghệ sĩ cho nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh

Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT mới, đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” được nhiều nhà quản lý, nghệ sĩ quan tâm và bàn thảo. Ngày 10/4/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nhận công văn của 9/9 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành T.Ư báo cáo, đề xuất về các nội dung liên quan đến đối tượng mở rộng trong xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND.

Chỉ có 3/9 hiệp hội chuyên ngành đồng ý bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Nghiêm Thị Thanh Nguyệt cho biết, Ban soạn thảo họp thảo luận và thống nhất rằng có một số đối tượng chưa phù hợp. Tác giả kịch bản múa và nhạc sĩ phối khí không phải là tác giả sáng tạo độc lập của tác phẩm văn hóa nghệ thuật.

Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh thuộc đối tượng xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh thuộc đối tượng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nêu ý kiến, một nghệ sĩ có thể được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT và giải thưởng cao quý cấp nhà nước nhưng ở các tác phẩm khác nhau, không thể một sản phẩm nghệ thuật mà hai lần xét trao giải và danh hiệu.

“Khi áp dụng Luật Thi đua Khen thưởng, việc bổ sung đối tượng mới là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật là điều hợp lý. Nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia là những đối tượng có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật…”, NSƯT Trần Ly Ly nêu.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng, hai đối tượng mới được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia đã được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (VHNT). Nếu hai đối tượng này thuộc nhóm “người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” sẽ chồng chéo.

“Tác phẩm nào cũng gắn với con người cụ thể. Với sân khấu, danh hiệu NSND, NSƯT gắn liền các vai diễn, vở diễn và tên tuổi của các nghệ sĩ. Với âm nhạc, nhạc sĩ có tác phẩm có thể được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT”, NSND Trịnh Thúy Mùi nêu.

Đồng quan điểm, NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đề xuất, đưa vị trí đạo diễn sân khấu làm đối tượng xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh vì họ chịu trách nhiệm lớn nhất cho một tác phẩm.

Danh hiệu không phải tất cả

Nghệ sĩ Tú Oanh cho rằng, được khán giả đón nhận đã là phần thưởng quý giá. Thời trẻ, Tú Oanh nhận được không ít lời mời, cơ hội để nổi tiếng nhiều hơn, song chị chọn lùi lại làm hậu phương. “Danh hiệu nếu có cũng là chút khích lệ, động viên trong nghề. Danh hiệu không phải là tất cả. Tôi không quan trọng điều đó”, nghệ sĩ Tú Oanh chia sẻ. Chị còn “sợ” nếu có ai đó nhầm lẫn, gắn tên mình vào danh hiệu NSƯT.

“Bà nội quốc dân” NSƯT Lê Thiện từng “trượt” danh hiệu NSND vì không đủ 90% tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên trong Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước. Bà cùng một số đồng nghiệp được UBND TPHCM đề xuất xét lại danh hiệu. Tuy nhiên, NSƯT Lê Thiện cũng bày tỏ, bà không còn đặt nặng chuyện xét tặng danh hiệu, vì có thì tốt mà không được cũng không sao. Với nữ nghệ sĩ Lê Thiện, tình cảm của khán giả mới là điều quan trọng.

NGỌC ÁNH

Bất cập cộng dồn giải thưởng, huy chương

Theo dự thảo quy định mới, danh hiệu NSƯT được trao cho nghệ sĩ giành hai giải vàng quốc gia, đủ thời gian công tác 15 năm. Đối với danh hiệu NSND, số lượng giải thưởng được cần có là bốn giải vàng quốc gia.

Hằng năm, có hàng chục liên hoan sân khấu được tổ chức, hàng trăm giải thưởng, huy chương được trao. Dẫu biết liên hoan được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật, khích lệ nghệ sĩ sáng tạo tuy nhiên, việc bùng nổ các liên hoan sân khấu nghệ thuật dẫn tới bất cập khi các nghệ sĩ dễ dàng có huy chương trong cuộc đua xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT danh giá.

Bất cập xét danh hiệu cho nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh ảnh 2
Quốc Cơ - Quốc Nghiệp không có tên trong danh sách đề xuất danh hiệu NSND năm 2022 của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước

2022 được đánh giá là năm giới sân khấu “bội thu” giải thưởng. Chỉ trong 9 tháng có gần 10 cuộc thi, liên hoan với sự tham gia của hầu hết các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập như Liên hoan (LH) Kịch nói toàn quốc đợt 2 năm 2021, LH Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc 2022, LH Ca múa nhạc toàn quốc đợt 2 năm 2021, LH Chèo toàn quốc 2022, LH Cải lương toàn quốc 2021, LH Xiếc quốc tế 2022, LH Âm nhạc Asean 2022… Nghệ sĩ còn được vinh danh tại Giải thưởng Sân khấu năm 2022 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.

Trong năm 2023, Liên hoan Các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc trao 54 huy chương vàng, 60 huy chương bạc cho các diễn viên và 7 trích đoạn xuất sắc. Có thể thấy, cuộc thi, liên hoan sân khấu nở rộ nhưng nhiều diễn viên, vở diễn giành huy chương lại không được khán giả biết đến.

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội phân tích, với thực tiễn này, việc quy định 2 giải vàng quốc gia đối với danh hiệu NSƯT, 4 giải vàng quốc gia với danh hiệu NSND có phần dễ dàng. NSND Trung Hiếu đề xuất, tăng giải thưởng khi xét để thực sự nâng cao chất lượng danh hiệu và có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Bên cạnh đó, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, việc quy đổi giải thưởng còn bất cập.

“Việc quy đổi giải thưởng nước ngoài trong quy định là chưa hợp lý bởi giải thưởng nước ngoài có dăm bảy loại, không thể đánh đồng tất cả giải thưởng nước ngoài như nhau”, NSND Trung Hiếu nêu. Ông khẳng định, không nên xét danh hiệu NSND, NSƯT theo cơ chế cộng dồn bởi đã là diễn viên nhất định phải có giải cá nhân.

“Nếu ở vai trò chỉ đạo nghệ thuật như đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ không có giải cá nhân có thể cộng dồn còn nghệ sĩ cần tính những giải cá nhân”, NSND Trung Hiếu nhấn mạnh.

Chung nhận định, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, NSND là danh hiệu cao nhất dành cho nghệ sĩ, bởi thế không nên cộng trừ huy chương vàng mà phải bắt buộc có ít nhất hai huy chương vàng cá nhân cấp quốc gia. “Điều kiện xét càng khó uy tín của danh hiệu càng cao”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nêu.

MỚI - NÓNG
Các ngân hàng lãi lớn
Các ngân hàng lãi lớn
TPO - Quý I năm nay, hàng loạt ngân hàng thương mại báo lãi từ vài trăm tới vài ngàn tỷ đồng, như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, Nam A Bank, Sacombank …