Bệnh hô hấp tấn công trẻ nhỏ: Những khuyến cáo quan trọng từ bác sĩ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hình thái thời tiết cực đoan tại miền Bắc gần đây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, đặc biệt gây các bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ. Đã có trường hợp bệnh chuyển nặng do tự điều trị sai phương pháp. 

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trong hai tuần đầu tháng 3 ghi nhận lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tăng cao đột biến với khoảng 4.000 ca mỗi ngày. Trong đó, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp và tiêu hóa chiếm số lượng đáng kể, khoảng 70% lượt khám. Một trong những yếu tố khiến lượng bệnh nhi hô hấp tăng cao là do diễn biến thời tiết chuyển từ nắng sang nồm ẩm.

Hệ miễn dịch trẻ nhỏ chưa ổn định, đường hô hấp còn non nớt nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, hoặc các loại bệnh truyền nhiễm. Những ngày này, trẻ thường đến khám trong tình trạng ho, viêm mũi họng, có thể sốt và kèm theo một số biểu hiện quấy khóc, chán ăn, mệt mỏi.

Bệnh hô hấp tấn công trẻ nhỏ: Những khuyến cáo quan trọng từ bác sĩ ảnh 1
Lượng bệnh nhi hô hấp đến khám và tái khám tăng đột biến tại khoa Khám bệnh Đa khoa Bệnh viện Nhi Trung ương trong nửa đầu tháng 3/2023.

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, bác sĩ, TS. Nguyễn Thị Mai Hoàn, Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Do thời tiết giao mùa, ngày nắng, đêm lạnh nên thời điểm này thường hay gặp những ca nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Ngoài ra bệnh viện còn ghi nhận các ca virus hợp bào hô hấp (RSV), hay những bệnh theo mùa như cúm A, B tuy có nhưng không rầm rộ. Một số trường hợp trẻ nhỏ tới khám trong tình trạng suy hô hấp, bệnh cảnh chuyển nặng do gia đình tự điều trị sai phương pháp”.

Bệnh hô hấp thường gặp quanh năm nên nhiều gia đình đã quen chủ động vệ sinh mũi họng cho trẻ tại nhà. Nhưng khi điều trị lại tự ý dùng thuốc không cần kê đơn hoặc theo tư vấn của người bán thuốc. Việc làm chủ quan này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây biến chứng cho bệnh nhân, nhất là với trẻ nhỏ.

Ghi nhận thực tế, có bệnh nhi được gia đình tự điều trị bằng thuốc chữa viêm đường hô hấp nhưng thực chất trẻ lại đang bị viêm phổi nặng, khiến bệnh dai dẳng không dứt. Khi bệnh nhi tới viện khám đã chuyển biến viêm phổi suy hô hấp. Bên cạnh đó, một số ca rất nặng, hô hấp kém thiếu ô xy lên não, gây nguy hiểm tới tính mạng và khó khăn trong điều trị.

Bác sĩ Hoàn khuyến cáo, phụ huynh cần phân định rõ việc chủ động vệ sinh khử khuẩn và việc dùng thuốc điều trị là hoàn toàn khác nhau. "Trẻ nhỏ có rất nhiều biểu hiện bệnh cảnh không rõ rệt, các phụ huynh có thể không định hướng được bệnh của con và rất dễ mắc sai lầm. Việc điều trị thuốc cần các chuyên gia y tế chẩn đoán và khám trực tiếp, cung cấp định lượng đúng cho từng ca bệnh", TS Hoàn nói.

Bệnh hô hấp tấn công trẻ nhỏ: Những khuyến cáo quan trọng từ bác sĩ ảnh 2

Chủ động vệ sinh hô hấp là rất quan trọng, nhưng trong điều trị đặc biệt cần đưa bệnh nhi tới khám tại các trung tâm y tế để có thể kiểm soát chính xác và dứt điểm, tránh bệnh cảnh chuyển nặng.

Bác sĩ, TS Nguyễn Thị Mai Hoàn, khuyến cáo:

“Nhiễm khuẩn hô hấp 70% là do virus, và không phải dùng kháng sinh. Lạm dụng kháng sinh không đúng có tác hại rất lớn với trẻ nhỏ. Thứ nhất có thể gây tác dụng phụ, thứ 2 có thể gây tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Có khi nhiễm khuẩn thực sự thì kháng sinh đã bị kháng hết khiến bệnh càng dai dẳng.

Khi trẻ nhiễm bệnh đường hô hấp, có các biểu hiện nhẹ như hắt hơi, sổ mũi phụ huynh có thể tự rửa mũi họng ở nhà, theo dõi và vệ sinh môi trường xung quanh. Tuy nhiên, khi trẻ có những dấu hiệu sốt hoặc ho tăng lên, ăn uống kém, nôn trớ phải đưa trẻ đến gặp các nhân viên y tế chẩn đoán cho các lời khuyên chính xác trong điều trị, điều trị dứt điểm”.

Để phòng tránh các bệnh lây nhiễm đường hô hấp trẻ nhỏ các gia đình cần bảo đảm thực hiện 5K, vệ sinh sạch sẽ và hạn chế tiếp xúc nơi đông người, tránh lây lan thành dịch. Đặc biệt lưu ý tiêm phòng đầy đủ, các chiến dịch tiêm phòng có tác dụng tích cực phòng bệnh hô hấp trẻ nhỏ. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được bú mẹ và bổ sung nước thường xuyên.

Môi trường sinh hoạt trong gia đình cũng rất quan trọng, phải đủ ấm mà thoáng khí, không gian kín nguy cơ lây lan càng mạnh. Vệ sinh đường hô hấp, sát khuẩn đồ chơi, đồ dùng của trẻ thường xuyên cũng rất quan trọng để phòng và tránh nhiễm bệnh.

MỚI - NÓNG