Bệnh kinh niên thiếu giáo viên: Đâu là thuốc chữa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời gian này, Bộ GD&ĐT truyền thông nhiều đến giải pháp “chữa bệnh” thiếu giáo viên và đề xuất các Bộ ngành liên quan vào cuộc với mong muốn Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, do có sự chồng chéo, đan xen giữa các Luật, Nghị định nên điểm nghẽn đầu vào - đào tạo - đầu ra của ngành sư phạm vẫn rất khó “bốc thuốc”.

Bộ nào cũng có trách nhiệm

Trước thực trạng ngành giáo dục đang thiếu hàng trăm nghìn giáo viên, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Nội vụ khẩn trương giao biên chế tuyển dụng cho các địa phương; không cắt giảm biên chế trong ngành giáo dục theo quy định.

Còn ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết: “Hiện nay diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau.

Nguyên nhân là do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh, đặc biệt vùng sâu vùng xa. Một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên theo số biên chế được giao. Do đó, thời gian tới, Bộ GD&ĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền”.

Bệnh kinh niên thiếu giáo viên: Đâu là thuốc chữa ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý ngày 15/8. Ảnh: Thế Đại

Về giải pháp cụ thể, ông Cường cho rằng Bộ GD&ĐT cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế; địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá.

Năm học 2023 - 2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GD&ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế trong thời gian tới.

Ở cấp tỉnh, mỗi địa phương tìm giải pháp để tháo nút thắt dần dần. Ông Cường lấy ví dụ, tỉnh Bắc Kạn quy định viên chức được cử đi đào tạo trình độ ĐH phải cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp hai lần thời gian đào tạo.

Tỉnh Bắc Kạn kỳ vọng chính sách mới này sẽ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn. Bắc Kạn cũng chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp các trường, điểm trường, lớp học, đưa tối đa học sinh từ lớp 3 ra trường chính để tạo điều kiện học sinh được học môn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Gỡ nút thắt

Trong buổi gặp gỡ với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp.

Đối với nút thắt đầu vào, Bộ GD&ĐT vừa có tờ trình, trình Chính phủ dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo đó, vẫn giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm, nhưng không bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu của các địa phương thì tự đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định. Điều chỉnh này sẽ đảm bảo quy định rõ trách nhiệm ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương) phải đảm bảo kinh phí chi trả chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo phân cấp ngân sách.

Đảm bảo không còn tình trạng sinh viên sư phạm không được hưởng hoặc chậm được hưởng chính sách hỗ trợ như hiện nay. Đồng thời vẫn giải quyết được nhu cầu đặt hàng của các địa phương.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Các địa phương khó khăn chưa cân đối được ngân sách sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ để đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2023 - 2024 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên, bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc này phải phù hợp về sĩ số học sinh/lớp, phải làm tốt bài toán quy hoạch trường lớp, có hệ thống trường nội trú cho học sinh dân tộc, học sinh ở vùng sâu, vùng xa để không lãng phí nguồn lực.

Giáo viên phải dạy liên trường

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục đào tạo tỉnh Cà Mau đã nhiều lần tổ chức tuyển dụng số giáo viên còn thiếu, tuy nhiên kết quả tuyển dụng không đạt do số lượng thí sinh đăng kí ít hơn chỉ tiêu kế hoạch. Một số nơi phải cử giáo viên dạy “liên thông” bù cho trường thiếu giáo viên.

Theo kế hoạch năm học 2023 - 2024, tỉnh cần thêm khoảng 278 giáo viên mầm non, 75 giáo viên môn Thể dục cấp tiểu học, 38 giáo viên môn Tiếng Anh, 116 giáo viên môn Tin học. Cấp THPT thiếu giáo viên ở nhiều môn học như: Lịch sử, Địa lý, Thể dục, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Âm nhạc, Mĩ thuật…

Trong cuộc họp trước thềm năm học mới, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, giáo viên ở các tỉnh phía Bắc tăng cường vào Cà Mau từ 15 - 20 năm trước đến nay đều có nguyện vọng chuyển đi nơi khác, khoảng trên dưới 200 người/năm, cùng với số giáo viên nghỉ việc, chuyển công tác dẫn đến tỉnh thiếu rất nhiều giáo viên, nhất là địa bàn xa xôi như huyện Ngọc Hiển.

Sở GD&ĐT Cà Mau đang tập trung điều chuyển cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từ trường thừa sang trường thiếu. Đặc biệt, các trường ở các huyện, thành phố và các trường trực thuộc Sở phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm và số lượng UBND tỉnh giao để đảm bảo cho năm học mới.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, thầy Lê Xuân Hùng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển cho biết: “Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Phòng đã xây dựng phương án phân công giáo viên THCS môn Tiếng Anh, Tin học dạy “liên trường” đối với lớp 3, lớp 4 cho năm học mới”. Đồng thời cho hay các trường có giáo viên được điều động về dạy Tiếng Anh, Tin học “liên trường, liên cấp” chịu trách nhiệm chi trả tiền tăng giờ (nếu có) theo quy định và hỗ trợ tiền xăng xe theo mức khoán cụ thể. Đây là năm thứ hai ngành giáo dục huyện Ngọc Hiển thực hiện phương án dạy kiểu “giật gấu vá vai” này.

Tân Lộc

MỚI - NÓNG